Theo các phương tiện truyền thông trực tuyến Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng của các sản phẩm “Made in Việt Nam”, đặc biệt là các sản phẩm điện tử, đã khiến những người trong ngành liên quan ở Trung Quốc cảm thấy lo lắng.

phi cang bien TP.HCM thu phi cang bien
(Ảnh minh họa: Igor Grochev/Shutterstock)

Theo thông tin được Cục Thống kê Việt Nam công bố ngày 8/4, kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong Quý I của 2022 là điện thoại các loại và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu đạt 14,2 tỷ USD; đứng thứ hai là điện tử, máy vi tính và các bộ phận và linh kiện với kim ngạch đạt xuất khẩu 13,1 tỷ USD. Đứng thứ 3 là ngành sản xuất máy móc thiết bị với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,9 tỷ USD. Trong một báo cáo vào ngày 26/4, kênh truyền thông trực tuyến “Tài chính Kinh tế Số 1” (Yicai.com) của Trung Quốc cho biết, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam “không thể không gây ra một số lo lắng và cảm giác nguy cơ cho những người trong ngành liên quan của Trung Quốc”.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng Ba đạt 34,71 tỷ USD, tăng 48,2% so với tháng trước; trong khi đó thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc, đô thị đứng đầu về xuất khẩu của Trung Quốc trong 29 năm liên tiếp, có kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 120 tỷ nhân dân tệ (khoảng 18 tỷ USD) trong cùng kỳ, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã sớm vượt qua Thâm Quyến. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 263,4 tỷ USD, thấp hơn một chút so với 1.670 tỷ nhân dân tệ (khoảng 267,2 tỷ USD) của Thâm Quyến. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm của Việt Nam là 282,65 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu của Thâm Quyến năm 2020 đạt 1.700 tỷ nhân dân tệ (khoảng 272 tỷ USD). Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19%; tổng kim ngạch xuất khẩu của Thâm Quyến đạt 1.920 tỷ nhân dân tệ (khoảng 307,2 tỷ USD).

Samsung Hàn Quốc, LG Hàn Quốc và Intel đã có mặt tại Việt Nam trong nhiều năm. Ngoài ra, có rất nhiều nhà sản xuất điện tử đã chuyển đến Việt Nam trong thời gian dịch lây lan như Luxshare Precision (của Trung Quốc) và Goertek (của Trung Quốc), Pegatron (của Đài Loan), v.v. Năm 2021, Samsung Việt Nam đạt doanh thu 74,2 tỷ USD, sản xuất 50% điện thoại di động Samsung trên thế giới và xuất khẩu sang 128 quốc gia và khu vực.

Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2021, đầu tư của Samsung vào Việt Nam đã đạt 18 tỷ USD; vào tháng 2/2022, tổng kim ngạch đầu tư của Samsung đã tăng lên 19,2 tỷ USD sau hai khoản đầu tư bổ sung lớn. Hồi tháng Hai năm nay, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, Việt Nam có chế độ chính trị và xã hội ổn định, Samsung có đầy đủ thông tin về môi trường đầu tư của Việt Nam, lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam và sẽ không bao giờ thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam.

Theo “Những Điều Cần Biết Khi Dịch Chuyển Nhà Máy Sản Xuất Đến Việt Nam?” (gọi tắt là Những điều cần biết) được công bố trên trang web của Công ty Vận tải biển VICO vào nửa cuối năm 2021, “Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và có tiềm năng vượt qua Trung Quốc để trở thành điểm đầu tư hàng đầu của các ngành sản xuất.” 

Về lý do tại sao các nhà máy nên được chuyển đến Việt Nam, “Những điều cần biết” liệt kê các lý do như: Chi phí lao động bằng một nửa so với ở Trung Quốc; Nhiều hiệp định thương mại tự do; Ít rào cản đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài; Ưu đãi về thuế.

“Những điều cần biết” cho rằng ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng của 3 nhân tố lớn: Tác động liên tục của đại dịch COVID trên toàn cầu dẫn đến việc gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa; Các công ty tập trung vào khả năng phục hồi sau đại dịch bằng các cách hiệu quả và tối ưu chi phí hơn; Chi phí lao động ở Trung Quốc tiếp tục tăng.

Công ty Vận tải biển VICO chuyên về giao nhận hàng hóa và được thành lập ban đầu tại Hồng Kông.

Dịch bệnh và chính sách “zero COVID” của chính quyền Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất bình thường của các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Ví dụ, Khu công nghiệp Thâm Quyến từng bị đóng cửa vào tháng Ba, vì vậy nhà máy ở Thâm Quyến của Foxconn đã tạm dừng hoạt động hoàn toàn kể từ ngày 14/3, bao gồm cả dây chuyền sản xuất iPhone của Foxconn Thâm Quyến. Tác động của việc tạm dừng hoạt động được phản ánh qua kim ngạch xuất khẩu, trong quý đầu tiên của năm nay đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, quý đầu tiên của năm nay, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, Việt Nam đã tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với Úc. Sau khi Chính phủ liên bang Úc kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập về dịch bệnh toàn cầu vào tháng 4/2020, ĐCSTQ đã trả đũa bằng cách chèn ép hàng xuất khẩu của Úc. Ví dụ, vào tháng 5/2020, ĐCSTQ đã cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà sản xuất thịt bò của Úc, áp đặt 80% thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với lúa mạch của Úc; và một lệnh cấm không chính thức đối với việc nhập khẩu than của Úc vào tháng 10 cùng năm.

Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Úc và Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 12,4 tỷ USD, tăng hơn 49% so với năm 2020; cũng trong năm 2021, hai nước đã ký “Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế”, nhằm thúc đẩy thương mại và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau.

Trong quý đầu tiên của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc tăng 32,36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cà phê tăng 84%, thủy sản tăng 51% và thép các loại tăng hơn 500%. Đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu nguyên liệu thô như than, quặng sắt, kim loại và bông từ Úc.