Giá xăng dầu tăng 60 – 130 đồng mỗi lít do cơ quan điều hành trích lấy Quỹ bình ổn
- Trọng Minh
- •
Từ 15h ngày 3/4, giá xăng dầu các loại tăng từ 60 – 130 đồng mỗi lít. Tại kỳ này, cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn mà tiếp tục trích lấy 300 đồng/lít.
Theo điều chỉnh của liên Bộ Tài chính – Công thương ngày 3/4, các mặt hàng xăng đều tăng giá, dầu Diesel tăng mạnh nhất trong các loại. Giá thay đổi cụ thể như sau:
– Xăng RON95-III giá 23.120 đồng/lít (tăng 90 đồng/lít).
– Xăng E5 RON92 giá 22.080 đồng/lít (tăng 60 đồng/lít).
– Dầu Diesel giá 19.430 đồng/lít (tăng 130 đồng/lít).
– Dầu hỏa có giá 19.030 đồng/lít (giảm 430 đồng/lít).
– Dầu mazut giá 14.470 đồng/kg (giữ nguyên giá).
Tại kỳ điều hành hôm nay, liên Bộ vẫn không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn xăng dầu với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Thay vào đó tiếp tục giữ mức trích lập vào Quỹ bình ổn đồng loạt ở mức 300 đồng một lít, kg với các mặt hàng.
Hiện tại, tồn dư Quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến ngày 21/3, Tập đoàn Petrolimex dương 2.367 tỷ đồng, Saigon Petro dương 302 tỷ đồng, Petimex dương 397 tỷ đồng…
Theo dữ liệu Bộ Tài chính, tính đến quý 4/2022, Quỹ bình ổn Xăng dầu tồn dư số tiền lên tới hơn 4.670 tỷ đồng. Đây là số tiền người dân mua xăng dầu phải tra thêm trong giá bán và giữ tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nhiều ý kiến chuyên gia cho biết nên bỏ trích lập tiền vào Quỹ này vì không phát huy tác dụng trong việc bình ổn xăng dầu, còn cơ quan nhà nước vẫn muốn giữ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ sử dụng hơn 79 tỷ đồng từ Quỹ này để điều tiết giá xăng dầu trên thị trường trong quý 4/2022.
Tính từ đầu năm, liên Bộ duy trì việc trích lập Quỹ bình ổn, tức thu vào chứ không chi ra trên mỗi lít xăng dầu.
Tại cuộc họp hôm 30/3, Bộ Công thương Việt Nam đặt mục tiêu nâng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đạt 75 – 80 ngày nhập ròng đến năm 2030. Khí đốt dự trữ đạt tối thiểu 15 ngày tiêu thụ.
Tuy vậy, Bộ này cũng thừa nhận cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại, cần cải tạo, sửa chữa nhiều.
Bộ Công thương ước tính tổng vốn đầu tư hệ thống hạ tầng dự trữ cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia đến năm 2030 cần khoảng 270.000 tỷ đồng (khoảng 12 tỷ USD).
Từ khóa Liên Bộ Tài chính - Công thương Quỹ bình ổn giá xăng dầu