Hà Lan hợp tác phát triển đường thủy nội địa Việt Nam
- Tú Mỹ
- •
Sự hợp tác được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển hệ thống đường thủy nội địa Việt Nam theo hướng hiện đại, bắt kịp xu hướng phát triển của các nền kinh tế tiên tiến, giảm thiểu chi phí vận tải và tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa bằng đường thủy.
Ngày 9/11, đại diện Nhóm Đối tác chương trình hợp tác vận tải thủy Hà Lan – VINWAP, gồm 7 doanh nghiệp đường thủy hàng hải Hà Lan, đã có buổi làm việc với các đơn vị thuộc Cục đường thủy nội địa, Cục hàng hải Việt Nam tại TP. Cần Thơ.
Được biết, đây là chương trình hợp tác đầu tiên trên lĩnh vực hàng hải, cảng biển và đường thủy nội địa giữa hai nước, sau khi chính phủ Hà Lan thông qua Chương trình Kinh doanh quốc tế PIB về hỗ trợ trao đổi công nghệ và hợp tác phát triển đường thủy nội địa Việt Nam.
Theo đại diện doanh nghiệp đến từ Hà Lan, Cần Thơ là một trong những địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có rất nhiều điểm tương đồng với Hà Lan về điều kiện địa lý, các tiềm năng phát triển nông nghiệp và vận tải đường thủy.
Do đó, mục tiêu của chương trình hợp tác PIB sẽ tập trung vào việc phát triển đường thủy nội địa ở khu vực ĐBSCL, đặc biệt là xây dựng tuyến Chợ Gạo nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL bằng đường thủy.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hoạt động vận tải đường thủy có cơ hội mang lại thành công dễ dàng do đây là loại hình khai thác có vốn đầu tư và chi phí thấp, thân thiện với môi trường và an toàn hơn so với giao thông đường bộ.
Với kinh nghiệm tích lũy được, các doanh nghiệp Hà Lan hy vọng sẽ áp dụng để phát triển mạng lưới đường thủy nội địa khu vực ĐBSCL và các khu vực khác của Việt Nam, qua đó góp phần làm giảm tỷ trọng chi phí vận tải của Việt Nam (25%); giải quyết các vấn đề tồn đọng để gia tăng giá trị, sản lượng vận tải qua đường thủy nội địa.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Trung Quân thuộc Chi cục đường thủy nội địa Việt Nam cho biết tuyến Chợ Gạo có tổng chiều dài 28,6km với 36 bến đò ngang và 8 bến cảng của xí nghiệp, đi qua 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Ở giai đoạn 1, Bộ GTVT đầu tư nâng cấp mở rộng dòng chảy và chiều sâu lòng sông, xây dựng bờ đê chống xói lở và cơ bản đã hoàn thành 1/2 tuyến. Tuy nhiên, do vướng phải một số vấn đề nên giai đoạn 2 của dự án đang tạm dừng, chờ Bộ GTVT xin chuyển đổi đầu tư theo hình thức khác.
Trước đó vào tháng 2/2018, phía VINWAP Hà Lan và Cục đường thủy nội địa Việt Nam cũng đã ký Bản Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực vận tải thủy Việt Nam – Hà Lan, tạo khung cơ sở để hai bên phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình trao đổi, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng hải, cảng biển và vận tải thủy.
Tú Mỹ
Xem thêm:
Từ khóa Hà Lan giao thông đường thủy ĐBSCL vận tải đường thủy