Theo Cục Thống kê, vùng Đông Nam Bộ là khu vực có mức sống đắt đỏ nhất cả nước trong năm 2024. Còn Hà Nội vẫn giữ vị trí dẫn đầu về chi phí tiêu dùng ở cấp tỉnh, thành phố.

ha noi co muc gia dat do nhat ca nuoc tp hcm xep thu ba
Người dân tập trung ăn uống tại một chợ đêm của Hà Nội. (Ảnh: Artit Wongpradu/shutterstock)

Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố Bảng xếp hạng chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2024.

Năm 2024, thứ tự đắt đỏ giữa các vùng kinh tế – xã hội không biến động nhiều so với năm 2023.

Trong đó, vùng Đông Nam Bộ ghi nhận chỉ số SCOLI ở mức 100,37%, cao nhất trong 6 vùng kinh tế. Xếp ngay sau là vùng Đồng bằng sông Hồng – vốn được lấy làm mốc chuẩn với 100%.

Ba vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Đồng bằng sông Cửu Long đứng cuối bảng với chi phí sinh hoạt thấp nhất cả nước.

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về chi phí sinh hoạt

Ở cấp độ địa phương, kết quả SCOLI năm 2024 cho thấy Hà Nội tiếp tục là địa phương có giá sinh hoạt cao nhất cả nước.

Quảng Ninh giữ vị trí thứ hai với chỉ số SCOLI bằng 99,94% Hà Nội. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, Quảng Ninh có 3 nhóm có chỉ số giá bình quân cao hơn Hà Nội, bao gồm nhóm thuốc và dịch vụ y tế bằng 109,37%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng bằng 104,38%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác bằng 100,37%.

Quảng Ninh có vị trí đắt đỏ thứ hai cả nước do là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Đứng thứ ba là TP.HCM với chỉ số SCOLI bằng 99,8% Hà Nội. TP.HCM là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với thu nhập bình quân đầu người cao kéo theo mức chi tiêu cao nên giá hàng hóa và dịch vụ cao hơn nhiều địa phương khác.

ha noi co muc gia dat do nhat ca nuoc tp hcm xep thu ba 2
Chỉ số SCOLI tại các địa phương. (Nguồn: Cục thống kê)

Tiếp theo là Hải Phòng đứng thứ 4 với chỉ số SCOLI năm 2024 bằng 98,43%. Mức giá của Hải Phòng đứng ở vị trí cao trong cả nước do Hải Phòng là một trong 6 thành phố lớn của Việt Nam, là thành phố có hệ thống tổ chức thương mại đa dạng với sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế.

Thu nhập bình quân đầu người của Hải Phòng thuộc nhóm cao của miền bắc với kinh tế phát triển mạnh về công nghiệp, cảng biển và dịch vụ du lịch.

Vị trí thứ 5 thuộc về Đà Nẵng, tăng 3 bậc so với năm trước. Đà Nẵng kết hợp được cả yếu tố “sống xanh” và hiện đại, thu hút người dân có thu nhập khá, song chi phí sinh hoạt vẫn ở mức dễ chịu hơn 2 siêu đô thị.

Đáng chú ý, Quảng Trị là địa phương có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước. Kinh tế tỉnh chủ yếu dựa vào nông – lâm – ngư nghiệp và thương mại nhỏ trong khi thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm thấp nhất nước.

Các mặt hàng thiết yếu như lương thực và thực phẩm ở đây tương đối rẻ. Chi phí dịch vụ cũng thấp do tỉnh không phát triển các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn.

Đứng áp chót là Bến Tre. Tỉnh miền Tây tập trung phát triển nông nghiệp và chăn nuôi với mức sống vừa phải, hệ thống dịch vụ công như y tế, giáo dục phổ biến, chi phí thuê nhà thấp và giá hàng hóa thiết yếu ổn định. Tất cả những yếu tố này góp phần kéo mặt bằng giá chung tại Bến Tre xuống thấp hơn nhiều địa phương khác.

So với năm 2023, năm 2024 có 25 địa phương biến động giảm mức độ đắt đỏ, 32 địa phương tăng mức độ đắt đỏ và 6 địa phương không biến động.

Trong đó, các tỉnh biến động nhiều nhất (tăng/giảm từ 10-14 bậc) là Bắc Giang, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Thái Bình và Tuyên Quang.

Các địa phương không biến động là Hà Nội, Cao Bằng, Hòa Bình, Hải Phòng, Nghệ An và Trà Vinh.

Chỉ số SCOLI là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hàng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giữa các vùng kinh tế – xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

Chỉ số SCOLI phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương. Đồng thời, chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) theo sức mua tương đương.

Chỉ số SCOLI năm 2024 được biên soạn cho 6 vùng kinh tế – xã hội, trong đó so sánh giá của 5 vùng với vùng Đồng bằng sông Hồng và biên soạn cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, so sánh giá của 62 địa phương với Hà Nội.

Minh Long