Hơn 1.600 nhà khoa học tuyên bố tình trạng ‘khẩn cấp’ về khí hậu là hoang đường
- Vy An
- •
Một liên minh gồm 1.609 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã ký một bản tuyên bố, trong đó nêu rõ “không có tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, đồng thời “phản đối mạnh mẽ chính sách không phát thải CO2, [chính sách] vốn có hại và phi thực tế” đang được thúc đẩy trên toàn cầu. Bản tuyên bố này không phủ nhận tác hại của khí nhà kính, mà thay vào đó phản đối sự kích động đối với giả thuyết ngày tận thế sắp xảy ra.
Tuyên bố do Nhóm Tình báo Khí hậu Toàn cầu (CLINTEL) tổng hợp, được công bố vào tháng 8/2023, trong đó kêu gọi “khoa học về khí hậu nên ít mang tính chính trị hơn, và các chính sách về khí hậu nên mang tính khoa học hơn”.
CLINTEL là một tổ chức độc lập hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và chính sách khí hậu. CLINTEL được thành lập vào năm 2019 bởi Giáo sư danh dự về địa vật lý Guus Berkhout và nhà báo khoa học Marcel Crok.
Tuyên bố viết: “Các nhà khoa học nên công khai đề cập đến những điều không chắc chắn và thổi phồng trong các dự đoán của họ về sự nóng lên toàn cầu, trong khi các chính trị gia nên cân nhắc một cách bình tĩnh về những chi phí thực tế cũng như những lợi ích tưởng tượng từ các biện pháp chính sách của họ.”
Trong số 1.609 nhà khoa học đã ký tuyên bố, có 2 người từng đoạt giải Nobel. Nhà khoa học ký gần đây nhất là Tiến sĩ John F. Clauser, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2022. Trong một thông báo từ CLINTEL, Tiến sĩ Clauser nói rằng: “Khoa học khí hậu lầm lạc đã di căn thành ngụy khoa học báo chí cực gây sốc. Ngược lại, ngụy khoa học đã trở thành vật tế cho nhiều thứ xấu ác không liên quan khác. Nó đã được quảng bá và mở rộng bởi các nhà môi trường, các cơ quan chính phủ, nhà báo, các chính trị gia và các đại lý tiếp thị kinh doanh cũng lầm lạc một cách tương tự.”
Báo cáo gốc của bản tuyên bố đưa ra một loạt thách thức đối với những nhận định chung về khí hậu. Ví dụ, một trong những nhận định phổ biến nhất – và được nhiều người lặp đi lặp lại mà không nghi ngờ gì – là trái đất sẽ sớm đi qua “các điểm tới hạn vốn dẫn đến thiệt hại thảm khốc về môi trường, bao gồm mực nước biển dâng cao một cách nguy hiểm, toàn bộ các giống loài sẽ tuyệt chủng và nhiều quốc gia thậm chí còn phải chịu đựng nhiều hơn, đặc biệt là những quốc gia nghèo nhất.”
Cảm giác về cuộc khủng hoảng trước mắt đã được các phương tiện truyền thông dòng chính lặp đi lặp lại liên tục, trong đó tờ New York Times thẳng thừng tuyên bố: “Trái đất có thể sẽ chạm ngưỡng tới hạn đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu trong thập kỷ tới.”
Năm 2009, cựu phó tổng thống Al Gore đã đưa ra dự đoán nổi tiếng rằng “Bắc Cực sẽ không có băng vào năm 2013”. Ba năm trước đó, ông Gore đã xuất bản cuốn “Một sự thật khó chịu” với phụ đề là “Tình trạng khẩn cấp mang tính hành tinh về sự nóng lên toàn cầu và những gì chúng ta có thể làm với nó.” Một bộ phim tài liệu dựa trên cuốn sách đã kiếm được tổng doanh thu là 24.146.161 USD trong năm đó.
Tháng 6/2018, nhà hoạt động có tiếng Greta Thunberg đã tweet rằng “biến đổi khí hậu sẽ xóa sổ toàn bộ nhân loại trừ khi chúng ta ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong 5 năm tới.” Tháng 6/2023 (tròn 5 năm sau), tờ The Highland County Pressđăng bài viết có tiêu đề: “Lại sai lần nữa: Xin lỗi, Greta, nhân loại vẫn còn đây”, trong đó cho hay cô Greta Thunberg đã xóa dòng tweet.
Những người tham gia ký tên vào bản tuyên bố của CLINTEL nói rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu “chậm hơn nhiều so với dự đoán” và “những mô hình không thỏa đáng” lại thường định hướng các chính sách khí hậu.
Tuyên bố của CLINTEL được đưa ra vào thời điểm có rất nhiều nhận định gần đây cho rằng các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng ở Maui và Canada, các đợt nắng nóng trên toàn cầu và những sự kiện khác là do biến đổi khí hậu gây ra. Tuyên bố cũng nêu rõ: “Không có bằng chứng thống kê nào cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang làm gia tăng các cơn bão, lũ lụt, hạn hán và các thảm họa thiên nhiên tương tự hoặc khiến chúng xảy ra thường xuyên hơn”.
Khi Tổng thống Mỹ Biden và rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới thúc đẩy mạnh mẽ mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050 thì các nhà khoa học khẳng định rằng điều này không chỉ “phi thực tế” mà còn có hại cho nền kinh tế thế giới.
“Không có tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Vì vậy, không có lý do gì để hoảng sợ và lo lắng. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ chính sách không phát thải CO2 tai hại và phi thực tế được đề xuất cho năm 2050”, tuyên bố viết, đồng thời đề xuất chiến lược “thích ứng thay vì giảm thiểu”.
Từ khóa Dòng sự kiện biến đổi khí hậu không có thật chính sách không phát thải CO2 biến đổi khí hậu