IMF có thể hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
- Minh Ngọc
- •
Theo Bloomberg, kinh tế thế giới dự báo sẽ rơi vào thời kỳ tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Vài tuần trước, nhiều nhà kinh tế còn lạc quan rằng kinh thế có thể nhanh chóng phục hồi sau khi dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ (COVID-19) được kiểm soát ở Trung Quốc. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh không ngừng lây lan khắp toàn cầu, hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc vẫn chưa thể khôi phục hoạt động, các chuỗi cung ứng bị cắt đứt, giao thông, du lịch và thương mại tê liệt thì bức tranh kinh tế chỉ còn lại màu sắc ảm đạm.
Nhóm chuyên gia của Bank of America hạ mức dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay sẽ chỉ đạt 2,8%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Họ cũng cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 4 năm qua. Nhà kinh tế Ethan Harris của Bank of America cho biết: “Nguy cơ kinh tế trượt dốc là rất lớn. Dự báo của chúng tôi còn chưa tính đến khả năng COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, làm tê liệt mọi hoạt động kinh tế ở các thành phố lớn.”
Hồi tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ giảm 0,1% và sẽ đạt mức 3,3% trong năm nay. Nhưng đến tuần này, nguồn tin từ Bloomberg cho biết IMF đang đánh giá lại tác động của dịch bệnh và sẽ công bố trong các cuộc họp vào giữa tháng Tư tới cùng với Ngân hàng Thế giới (WB).
Người phát ngôn của IMF Gerry Rice hôm 27/2 nhận định, dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng sẽ tác động đến kinh tế toàn thế giới và có thể IMF sẽ hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu. Trong một cuộc họp báo thường kỳ, ông Rice khẳng định: “Chắc chắn chủng virus này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.”
Theo ông Gerry Rice, IMF và WB sẵn sàng cung cấp cho các nước có nhu cầu sử dụng quỹ khẩn cấp ngay lập tức để chống dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát mạnh hiện nay. Ông Rice nêu rõ: “Mặc dù chưa nhận được đề nghị viện trợ nào, các định chế tài chính hiện đã chuẩn bị các kế hoạch ứng phó với các tình huống bất ngờ. Chúng tôi có nhiều công cụ tài chính khác nhau có thể sử dụng để hỗ trợ các nước cân bằng các vấn đề thanh toán phát sinh từ dịch bệnh và thiên tai.”
Vài ngày qua, dịch COVID-19 liên tục khiến thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu chao đảo. Nhiều công ty đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ doanh thu sụt giảm, trong đó có Apple, Standard Chartered và HSBC.
Theo báo cáo cập nhật lần hai của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/2, kinh tế nước này tăng trưởng ở mức vừa phải trong quý IV/2019 và đang đứng trước một giai đoạn khó khăn đầu năm 2020. GDP của Mỹ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong quý cuối năm 2019, tương đương tốc độ tăng trưởng trong quý III/2019. Tỉnh cả năm tốc độ tăng trưởng 2019 vẫn ở mức 2,3%, mức thấp nhất trong ba năm và không đạt mục tiêu tăng trưởng 3% năm thứ hai liên tiếp mà Nhà Trắng đề ra.
Nhà kinh tế trưởng tại MUFG Chris Rupkey tại New York cho rằng, diễn biến thị trường cho thấy Mỹ sắp xảy ra suy thoái khi mà dịch COVID-19 đang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Gân đây, thị trường tiền tệ cũng nhận định Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ tiếp tục hạ lãi suất sau khi hạ 3 lần trong năm ngoái. Dịch COVID-19 sẽ gây khó khăn cho FED trong việc giữ nguyên chính sách tiền tệ ít nhất là hết năm nay như dự định.
Tại châu Á, sau Trung Quốc, dịch COVID-19 đã bùng phát và lan rộng tới Hàn Quốc, Nhật Bản. Các chuyên gia kinh tế từ các tổ chức nghiên cứu kinh tế châu Á đã bắt đầu đưa ra cảnh báo về những tác động nặng nề từ dịch bệnh đến hai nền kinh tế hàng đầu châu Á. Bên cạnh đó, đa số các chuyên gia đều khẳng định, dịch bệnh này sẽ là cú sốc thứ hai của chuỗi cung ứng toàn cầu, sau cú sốc mà dịch bệnh đã gây ra tại Trung Quốc.
Minh Ngọc (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa virus corona viêm phổi Vũ Hán 2019-nCoV COVID-19 SARS-CoV-2