Ông Scott Bessent, người được Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đề cử làm bộ trưởng tài chính, đã đề xuất kế hoạch kinh tế “3-3-3” nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng và tăng sản xuất năng lượng.

Scott Bessent
Ông Scott Bessent phát biểu tại Hội nghị Bảo thủ Quốc gia ở Washington D.C vào ngày 10 tháng 7 năm 2024. (Ảnh: DOMINIC GWINN/Middle East Images/AFP via Getty Images)

Ông Bessent là một nhà quản lý quỹ đầu cơ. Ông từng làm giám đốc đầu tư tại quỹ Soros Fund Management từ năm 2011 đến năm 2015. Sau đó ông đã rời đi để sáng lập Key Square Group, một công ty đầu tư vĩ mô toàn cầu. Trước đó, ông Bessent còn từng làm giáo sư thỉnh giảng về lịch sử kinh tế tại Đại học Yale từ năm 2006 đến năm 2011.

Mùa hè này, ông Bessent đã thảo luận kế hoạch 3-3-3 tại một sự kiện do Viện Manhattan, một tổ chức bảo thủ phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu chính sách của Mỹ, tổ chức. Kế hoạch 3-3-3 của ông Bessent bao gồm:

  • Cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3% GDP vào năm 2028, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump
  • Thúc đẩy tăng trưởng GDP lên 3% thông qua việc bãi bỏ các quy định pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh, cũng như thông qua các chính sách thúc đẩy tăng trưởng khác
  • Tăng sản xuất năng lượng của Hoa Kỳ lên tương đương thêm 3 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Kế hoạch 3-3-3 của vị giáo sư kinh tế này được lấy cảm hứng từ cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã áp dụng kế hoạch “ba mũi tên”, trong đó bao gồm chính sách tiền tệ tích cực cùng với kích thích tài chính và cải cách cơ cấu nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng trì trệ và giảm phát dai dẳng.

Ông Bessent giải thích: “Đó sẽ là mức tăng trưởng kinh tế thực sự 3%, làm thế nào chúng ta đạt được điều đó? Thông qua việc bãi bỏ các quy định pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh, sản xuất nhiều năng lượng hơn ở Hoa Kỳ, giảm lạm phát và định hướng thị trường tiền tệ tạo niềm tin cho người dân trong việc đầu tư để khu vực tư nhân có thể thay chính phủ tiếp quản khoản chi tiêu khổng lồ này”. 

Ông Bessent đề xuất, Tổng thống Trump nên đưa mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách thành một phần trong kế hoạch này: “Tôi sẽ kêu gọi ông ấy [Tổng thống Trump] công khai mong muốn giảm mức thâm hụt ngân sách xuống còn 3% vào cuối nhiệm kỳ của ông ấy. Ông ấy đã không chúng ta đến mức thâm hụt 6% hoặc 7%. Tôi nghĩ dưới thời ông ấy, mức thâm hụt trung bình là 4%, vì vậy hãy giảm mức đó xuống còn 3%”. 

Ông Bessent nói thêm rằng, tăng cường sản xuất năng lượng ở Hoa Kỳ sẽ giúp giảm kỳ vọng về lạm phát trong tương lai, bởi vì giá năng lượng và xăng dầu là yếu tố chính trong ngân sách hộ gia đình được phản ánh trong các phép đo lạm phát.

Nhà sáng lập Key Square Group lưu ý: “Sản xuất năng lượng của Hoa Kỳ sẽ thêm tương đương ba triệu thùng dầu mỗi ngày. Đó sẽ là kế hoạch 3-3-3 của tôi. Điều đó sẽ làm giảm đáng kể giá dầu, một trong những yếu tố Số 1 thúc đẩy kỳ vọng lạm phát. Và tiếp theo, đến lượt FED [Cục dự trữ liên bang Mỹ], họ có thể bước vào một chu kỳ nới lỏng [lãi suất] thích hợp”. 

Ông Bessent cảnh báo, quỹ đạo tài chính của chính phủ liên bang có nghĩa là thời gian để Hoa Kỳ cố gắng sử dụng sự tăng trưởng để ổn định tình hình ngày càng nhỏ lại. Ông lưu ý: “Tôi nghĩ chúng ta đang ở cơ hội cuối cùng để thành công và phải nỗ lực tìm cách thoát khỏi tình trạng này”. 

Ông kêu gọi, Hoa Kỳ nên gia hạn và khôi phục các điều khoản đã hết hạn của Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế năm 2017 với các khoản thanh toán để bù đắp một số khoản giảm doanh thu do việc cắt giảm thuế kéo dài gây ra. Sau đó ông Bessent tiếp tục thảo luận về những cách khác mà Hoa Kỳ nên hạn chế chi tiêu.

Ông Bessent nhận định: “Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal), có khả năng chúng ta có thể tiết kiệm được 1 nghìn tỷ đô la trong 10 năm nhờ điều đó. Tôi nghĩ có lẽ có điều gì đó cần phải làm đối với Medicaid về việc trao quyền cho các tiểu bang, không cắt giảm. Về chi tiêu tùy nghi, có lẽ chúng ta cần phải thực hiện một số biện pháp đóng băng, ngoại trừ quốc phòng. Tôi nghĩ thị trường sẽ phản ứng với điều đó”. 

Ông Bessent tiếp tục cho rằng “thâm hụt cao của chính phủ liên bang sẽ tạo ra vấn đề về quốc phòng” bởi vì mức chi tiêu và nợ tăng cao sẽ làm giảm khả năng tận dụng sự tăng chi tiêu trong thời kỳ khủng hoảng và chiến tranh.

Ông Bessent giải thích: “Bộ Tài chính Mỹ đã có thể cứu đất nước trong Nội chiến bằng cách gia tăng thâm hụt…. Họ đã cứu nền kinh tế của đất nước trong thời kỳ Đại Suy thoái bằng cách chi tiêu. Và chúng ta đã có thể cứu thế giới trong Thế chiến thứ hai. Vì vậy, chúng ta phải giảm mức thâm hụt này xuống, nếu không chúng ta không còn chỗ để điều động”. 

Ông nhận xét rằng thâm hụt ngân sách đang trên đà gia tăng, “Tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump, với chính sách đúng đắn, có thể tạo ra một chu kỳ [thâm hụt ngân sách] phản xạ, tự củng cố theo hướng đi xuống”. 

Ông Bessent thừa nhận rằng chi tiêu bắt buộc của chính phủ liên bang, đặc biệt là các chương trình phúc lợi An ninh Xã hội và Medicare, là nguyên nhân chính gây ra thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ thực tế hơn nếu chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống Trump tập trung vào việc giảm chi tiêu tùy nghi, một phần nhỏ hơn nhiều trong tổng ngân sách liên bang, để tạo động lực cho chính quyền tương lai tiến hành cải cách phúc lợi.

Ông Bessent nhấn mạnh: “Những phúc lợi này rất lớn. Tôi nghĩ bốn năm tới không phải là lúc để giải quyết chúng, mà chúng ta phải giải quyết phần chi tiêu tùy nghi trong ngân sách và kiểm soát phần chi tiêu đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ tín hiệu – tôi luôn nói, bò, đi, chạy – chúng ta phải bò, có thể đi theo cách của mình để kiểm soát thâm hụt hiện tại, sau đó bước tiếp theo là chính quyền tương lai phải có sự tự tin để có thể giải quyết các vấn đề phúc lợi”.