Kế hoạch cải cách thuế của TT Trump
- Chân Hồ
- •
Ngày 30/8, Tổng thống Trump đã có cuộc phát biểu tại Springfield, Missouri, trong đó ông nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách hệ thống thuế một cách toàn diện và kêu gọi các thành viên của Quốc hội thông qua một dự luật cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
Bài phát biểu được soạn thảo bởi Stephen Miller, trợ lý của Tòa Bạch Ốc, nhấn mạnh vào nhiều chủ đề dân tộc chủ nghĩa mang đậm bản sắc chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.
Tổng thống liên tục nhắc đến vị trí mà ông đang đứng phát biểu: Springfield là nơi bắt đầu của tuyến đường xa lộ đầu tiên của nước Mỹ – Route 66, gợi lên những hình ảnh của sự thịnh vượng của thế kỷ 20.
Lý do cần có cải cách thuế
Ông nói về việc nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là sự sụt giảm trong sản xuất, và cho rằng các “địch thủ kinh tế” như Mexico và Trung Quốc “đang lấy đi của chúng ta, thẳng thắn mà nói là vơ vét sạch sẽ”.
Trump đổ lỗi cho việc áp thuế suất thuế doanh nghiệp cao là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại “không tưởng” và việc làm bị lấy ra khỏi Mỹ.
>> Trump doạ áp thuế cao đối với công ty chuyển việc làm ra khỏi Mỹ
Ông cho rằng kế hoạch cải cách thuế của mình là cần thiết trong bối cảnh hệ thống thuế hiện hành quá phức tạp, áp đặt chi phí tuân thủ lên các doanh nghiệp và cá nhân. Các quy định đã gây lãng phí thời gian vốn có thể được sử dụng hiệu quả hơn nếu không có các ràng buộc – đồng thời mang lại lợi ích cho người giàu lẫn các nhóm lợi ích thân hữu.
Trump nói rằng bằng cách giảm thuế doanh nghiệp, nước Mỹ có thể tăng lương cho công nhân và mang về hàng ngàn tỷ USD tiền mặt đang bị chảy ra nước ngoài (các doanh nghiệp Mỹ có xu hướng đầu tư ra những nước có ưu đãi về thuế hoặc thuế suất bằng 0).
Giảm thuế thu nhập cá nhân thể nâng cao sức mua của tầng lớp trung lưu Mỹ, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp và bắt đầu một chu trình thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao thu nhập người dân. Trump nói rằng: “không có lý do gì” để nghi ngờ rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ có thể tăng trưởng hơn 3% mỗi năm.
Ông đã không đề cập đến bất kỳ chi tiết nào cho các đề xuất cải cách thuế trước đó. Ông rào trước kịch bản thất bại trong việc thông qua dự luật cải cách thuế ở Quốc hội, và nói, “Tôi không muốn bị thất vọng bởi Quốc hội, các ông hiểu chứ?”
Ông nhắc tới một loạt các nỗ lực không thành công để bãi bỏ và thay thế – hoặc chỉ thay thế – Obamacare và đổ lỗi cho Dân chủ của Quốc hội nói riêng, nói rằng Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Missouri, bà Claire McCaskill, nên bỏ phiếu cho đề nghị của ông hoặc mất ghế.
“Điều gì mang tính lưỡng đảng hơn là việc cho phép các gia đình giữ lại được những gì họ đã vất vả kiếm được?” ông chốt lại buổi nói chuyện.
Các chuyên gia đánh giá như thế nào?
Theo đánh giá của Bloomberg, hầu hết các đánh giá về kế hoạch cải tổ thuế đều cho thấy những đề xuất của ông sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho người có thu nhập cao và có thể tăng thuế đối với một số gia đình trung lưu.
Cũng có lý do để hoài nghi về những lời hứa tăng trưởng của Trump.
Trong một thông báo gửi qua email cho các phóng viên, Ủy ban Ngân sách Trách nhiệm Liên bang (CRFB), ông Maya MacGuineas đã viết: “Chúng tôi khuyến khích Tổng thống bỏ qua cải cách hệ thống thuế nhằm nâng cao nền kinh tế Mỹ, thay vào đó nên đặt nợ của chúng ta vào quỹ đạo giảm, và không nhấn mạnh quá mức các khoản lợi nhỏ do được giảm thuế tạo ra, điều mà sẽ không tạo ra được gì nhiều hơn một chút mật ngọt trong ngắn hạn và thậm chí là sẽ tạo ra vực sâu hơn khó lòng thoát ra.”
Một số nhóm tư vấn, bao gồm cả CRFB, dự báo kế hoạch cải cách thuế của Trump sẽ làm gia tăng nợ liên bang nếu được thông qua.
Ưu tiên của Đảng Cộng hòa
Tòa Bạch Ốc và Thượng viện đảng Cộng hòa cho đến nay chưa đưa ra các chi tiết về kế hoạch cải cách thuế lần này.
Vào tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính – Steve Mnuchin và Giám đốc Ủy ban Kinh tế Quốc gia – Gary Cohn chỉ đưa ra một trang đề cương duy nhất về các điểm mấu chốt trong dự thảo.
>> Ông Trump muốn cải cách thuế sau thất bại y tế
Đề xuất nhắm vào việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, nhưng lại không đề cập đến thuế đánh vào hàng nhập khẩu, “thuế biên giới” được một số thành viên đảng Cộng hòa ưa thích. Thay vào đó, nó đề cập đến việc thiết lập “hệ thống thuế lãnh thổ”, với một vài điều khoản ít ỏi.
Đề xuất cũng không đề cập đến các gói đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn đã được đưa ra làm chất làm ngọt để đạt được sự ủng hộ của phe Dân chủ.
Điểm mấu chốt trong dự thảo cải cách thuế
Các vấn đề mấu chốt trong dự thảo được đề cập:
- Giảm thuế thu nhập cá nhân: tỷ lệ biên cao nhất sẽ giảm xuống còn 35% từ mức hiện tại 39,6%. Bảy khung thuế đang áp dụng sẽ giảm xuống chỉ còn ba khung: 35%, 25% và 10%. Không có đề cập đến mức thu nhập ứng với những mức này sẽ áp dụng.
- Tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế cá nhân tiêu chuẩn, điều có thể tiết kiệm 12.700 USD cho mỗi cá nhân và 25.400 USD cho hộ gia đình.
- Cắt giảm thuế trong dịch vụ giữ trẻ và lệ phí chăm sóc điều dưỡng, chi tiết những điều này không được nêu rõ.
- Loại bỏ các khoản khấu trừ thuế thành phần, trừ các khoản khấu trừ thuế cho các khoản đóng góp từ thiện và thanh toán thế chấp.
- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15% từ mức 35% hiện hành.
- Áp thuế đối với chủ các doanh nghiệp pass-through (doanh nghiệp nhỏ, công ty 1 thành viên, trách nhiệm hữu hạn) ở mức 15%, thay thế cho việc đánh thuế các chủ doanh nghiệp này ở mức thuế thu nhập cá nhân.
- Cho phép hồi hương một lần lợi nhuận của công ty với mức giảm. Các công ty Hoa Kỳ hiện đang nắm giữ khoảng 2.500 tỷ USD ở nước ngoài. Tỷ lệ chuyển một lần không được chỉ định.
- Loại bỏ thuế bất động sản, thường được người bảo thủ chống thuế gọi là “thuế người chết”.
- Bãi bỏ mức thuế 3,8% đánh trên thu nhập đầu tư ròng của cá nhân, bất động sản và ủy thác, khi thu nhập vượt quá ngưỡng quy định. Thuế này có hiệu lực từ năm 2013 như là một phần của Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền hoặc Obamacare.
- Bãi bỏ Thuế tối thiểu thay thế, một công cụ làm giảm việc tránh thuế bằng cách thu thêm một khoản thuế hợp lý đối với các cá nhân, công ty giàu có.
- Loại bỏ các khoản giảm thuế có lợi cho người giàu và nhóm lợi ích; những điều này không được nêu rõ.
Những thay đổi sâu rộng này phù hợp với kế hoạch của chính quyền Trump trong chiến dịch tranh cử, nhưng do còn thiếu nhiều thông tin chi tiết về kế hoạch này, nên rất khó để ước tính mặt được và mất của cải cách này.
Đề xuất được khép lại với một lời hứa về “buổi lắng nghe với các bên liên quan” và các cuộc trò chuyện với Hạ viện và Thượng viện trong suốt tháng 5.
Chính quyền đã tiếp tục thảo luận vào tháng 7 với một tuyên bố chung với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa và Hạ viện. Mặc dù nó thể hiện sự tự tin rằng “một tầm nhìn chung về cải cách thuế tồn tại,” tuyên bố cung cấp ít chi tiết hơn so với phác thảo trong tháng 4; nội dung duy nhất có giá trị là các nhà lãnh đạo Cộng hòa đã quyết định không theo đuổi chính sách thuế biên giới.
Dựa trên các đề xuất cải cách thuế của Tổng thống Trump, những thành viên CRFB chủ trương diều hâu tài chính đã ước tính rằng kế hoạch được đưa ra trong tháng 4 sẽ làm tăng thêm khoảng từ 3 – 7 ngàn tỷ USD vào thâm hụt ngân sách chính phủ Liên bang trong một thập niên tới, với chi phí cơ sở là 5,5 ngàn tỷ USD.
Cải cách có thể được thực hiện?
Phần đông người dân Mỹ đều đồng ý rằng hệ thống thuế nên đơn giản hơn.
Theo ước tính của Tổ chức Tax Foundation, các tổ chức và hộ gia đình Hoa Kỳ đã chi tổng cộng 409 tỷ USD và 8,9 tỷ giờ để tính toán, khai báo và nộp thuế của họ vào năm 2016.
Gần 3/4 số người trả lời trong khảo sát Pew rằng họ cảm thấy phiền toái ở nhiều mức độ khác nhau bởi sự phức tạp của hệ thống thuế vào năm 2015.
Đặc biệt, họ bực dọc bởi cảm giác rằng một số tập đoàn và một số người giàu trả thuế quá ít: 82% nói như vậy về các tập đoàn, 79% về người giàu có.
Theo Trung tâm Chính sách về Thuế, khoảng 72.000 hộ gia đình có thu nhập trên 200.000 USD không phải nộp thuế thu nhập trong năm 2011.
ITEP ước tính có khoảng 100 công ty Fortune 500 có lợi nhuận liên tục, có ít nhất 1 năm trong giai đoạn 2008-2015 mà không phải nộp thuế thu nhập liên bang.
Có nhận thức rộng rãi rằng có những lỗ hổng và tính không hiệu quả tồn tại trong hệ thống thuế – chẳng hạn như lỗ hổng thuế đánh trên lợi tức và chiêu bài “đảo trụ sở” của các công ty Mỹ.
Nhóm lợi ích thân hữu
Quốc hội chịu một phần trách nhiệm về tình trạng này. Theo hãng tin Economist: “Ở những nơi mà những dự luật được dàn xếp thông qua bằng cách đưa vào chi phí của Liên bang cho các dự án “con cưng” tại các quận của Nghị sĩ nào đó, giảm thuế giờ là chất bôi trơn ưa thích.”
Đối với một số nhóm lợi ích, những đặc cách và các lỗ hổng lách thuế là rất cần thiết, có nghĩa là họ sẵn sàng dành thời gian và tiền bạc để vận động hành lang chống lại cuộc cải cách thuế, vốn mang lại nhiều lợi ích lớn lao.
Một nhóm lợi ích không phụ thuộc vào bất kỳ khía cạnh đặc biệt nào của hệ thống thuế phức tạp, mà là chính sự phức tạp đó, chẳng hạn như NPR và ProPublica đã đưa tin rằng các công ty cung cấp dịch vụ khai, tính thuế là Intuit và H&R Block đã vận động hành lang để chống lại các dự luật cho phép chính phủ ước tính thuế, vốn có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhưng lại là nguồn thu của hai hãng này. Các công ty kê khai thuế cũng có thể phản đối các dự luật nhằm đơn giản hóa mã số thuế, chứ không phải là hệ thống khai nộp thuế.
Nội bộ còn chưa nhất quán
Chính quyền của Trump đã đưa ra nhiều đề xuất xuyên suốt trong chiến dịch tranh cử, nhưng chưa có một đề xuất thống nhất nào xuất hiện.
Tiền là yếu tố thúc đẩy đối địch trong nội bộ Đảng vì lợi ích giữa các bên liên quan.
Tờ New York Times đưa tin vào tháng 4 rằng ba nhóm được tài trợ bởi nhà Koch – những nhà tài trợ có ảnh hưởng của Đảng Cộng hòa – đã tiến hành chiến dịch chống lại thuế điều chỉnh biên giới được đưa ra trong cuộc cải cách thuế được Đảng Cộng hòa đề xuất.
Họ lập luận rằng việc điều chỉnh thuế biên giới sẽ dẫn đến giá cả cao hơn cho người tiêu dùng. Các nhà nhập khẩu lớn như Target và Wal-Mart cũng vận động hành lang về điều này.
Bày tỏ trong cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Trump tỏ ra hoài nghi: “Khi tôi nghe điều chỉnh thuế biên giới, điều chỉnh có nghĩa là chúng ta thua cuộc.”
Theo lời tuyên bố chung giữa Đảng Cộng hòa với các nhà lãnh đạo Thượng viện và Tòa Bạch Ốc vào tháng Bảy, Đảng này đã từ bỏ chính sách thuế điều chỉnh qua biên giới.
Tuyên bố đó hạn chế chính nó đến những điểm lớn nhất: những vết nứt mà các nỗ lực hủy bỏ Obamacare thất bại đã bộc lộ ra (và làm trầm trọng hơn) có thể làm cho việc thống nhất về dự án cải cách thuế của Đảng Cộng hòa rất khó được thông qua, nếu không muốn nói là không thể.
Theo Investopedia.com,
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa Kinh tế Mỹ cải cách kinh tế cải cách tài chính Thuế