Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình muốn xin khoanh nợ 1.000 tỷ đồng
- Đức Minh
- •
Do không còn khả năng chi trả, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình muốn được Chính phủ Việt Nam xem xét khoanh khoản nợ lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trước áp lực dư luận về mặt sân “như bãi chăn bò” làm ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức các trận đấu lớn, lãnh đạo đơn vị muốn xin ngân sách khoảng 5-7 tỷ đồng để thay thế lại mặt cỏ mới.
Cụ thể, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cho biết không có khả năng chi trả khoản nợ thuế lên tới 1.000 tỷ đồng nên muốn được Chính phủ khoanh khoản nợ này, đồng nghĩa với việc tạm thời không làm số nợ tăng thêm theo thời gian.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình luôn đứng trước áp lực của dư luận khi chất lượng xuống cấp nghiêm trọng, từ việc ghế trên khán đài bẩn thỉu, nhà vệ sinh “mất vệ sinh”,… cho đến thành phần chính là mặt sân cỏ cũng bị mô tả giống như “bãi chăn bò”.
Kết quả kinh doanh và quản lý công trình của đơn vị này kém tương tự nhau. Từ tháng 7/2022, theo số liệu của Cục Thuế Hà Nội, số tiền nợ thuế của khu liên hợp đã là 855 tỷ đồng. Còn tính đến nay, lãnh đạo khu liên hợp cho biết sau nửa năm số tiền nợ gốc và lãi đã lên tới cả nghìn tỷ đồng, theo báo Tuổi Trẻ.
Khu liên hợp này cũng vừa gửi đề xuất đến Tổng cục Thế dục Thể thao để xử lý một số vấn đề. Trong đó, đơn vị này cho hay mỗi hợp đồng kinh doanh của khu liên hợp đóng 18% tiền thuế, trong đó có 10% thuế giá trị gia tăng và 8% cho khoản nợ.
Do vậy, khu liên hợp khó có thể kinh doanh, duy trì hoạt động được nếu không được khoanh lại khoản nợ này.
Ngoài ra, Khu liên hợp đề xuất cho khai thác kinh doanh các khu vực đất đã có sổ đỏ của đơn vị. Việc khai thác kinh doanh này sẽ đảm bảo để không làm ảnh hưởng đến kết cấu, mỹ quan của khu liên hợp đồng thời có tiền để duy trì hoạt động của đơn vị và đóng thuế cho Nhà nước.
Với các khu vực đất đã giải phóng mặt bằng thuộc khu liên hợp nhưng đang chờ triển khai dự án, đơn vị này cũng đề nghị được cho phép khai thác tạm thời để cho thuê, kinh doanh, tạo nguồn thu.
Những khu vực đất chưa giải phóng mặt bằng, khu liên hợp đề nghị Chính phủ cho phép liên doanh liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để khai thác sử dụng theo quy định của Nhà nước. Nếu không khai thác, những khu vực đất chưa giải phóng mặt bằng này đã và đang tiếp tục bị lấn chiếm.
Về chất lượng mặt sân cỏ, lãnh đạo Khu liên hợp muốn xin thêm ngân sách khoảng 5 – 7 tỷ đồng để thay thế lớp cỏ hiện tại ở Mỹ Đình đã già cỗi (trồng 13 năm).
Trước đó, khi AFF Cup 2022 diễn ra, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ký hợp đồng với Khu liên hợp thể thao quốc gia để thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà của tuyển Việt Nam. Giá thuê cho mỗi trận là 800 triệu đồng.
Số tiền này với VFF thực sự là cao kỷ lục (giá thuê sân trước đây chỉ từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng/trận, tùy theo tính chất của trận đấu), dù theo khu liên hợp, họ vẫn bị lỗ chứ chưa có lãi.
Theo tính toán của khu liên hợp, mỗi trận đấu họ phải chi khoản tiền lên đến gần 1 tỷ đồng, bao gồm: 200 triệu đồng tiền đóng thuế đất, 200 triệu đồng tiền điện, 100 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng, 80 triệu đồng trả nợ xấu cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, chi phí còn có 100 triệu đồng tiền khấu hao tài sản, 120 triệu đồng tiền phân bón chăm sóc cỏ, 100 triệu đồng tiền làm thêm ngoài giờ cho đấu tập và thi đấu chính thức, tiền thuê người làm công tác hậu cần (dọn rác, vệ sinh…) cũng mất hơn 100 triệu đồng, nếu thuê công ty làm hoàn thiện là 400 triệu đồng.
Sau trận thắng 3-0 của tuyển Việt Nam trước Malaysia ở lượt trận thứ 3 bảng B AFF Cup 2022, nhiều CĐV Đông Nam Á đã lên tiếng chế giễu chất lượng mặt cỏ sân Mỹ Đình trên fanpage chính thức của AFF Mitsubishi Electric Cup; gọi sân bóng trông như “bãi chăn bò”. Dưới đây là những comment nổi bật của một số cổ động viên Đông Nam Á: Fardian Novandi Rahman: “Sân vận động này phải tham gia cúp thế giới, vì Mbappe muốn trải nghiệm loại cỏ này.” No MiNo: “Vua của các sân vận động!” |
Đức Minh
Từ khóa Dòng sự kiện sân Mỹ Đình Tổng cục Thể dục Thể thao Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình