Khủng hoảng nợ lan tới khu vực sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc
- Liên Hương
- •
Những khoản nợ xấu trong doanh nghiệp dồn tích kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 cho đến nay đã trở thành một trong những quả bom nợ lớn nhất trong lịch sử kinh tế Trung Quốc.
Khu vực sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc lâm vào cảnh khủng hoảng
Hình ảnh quen thuộc của huyện Trâu Bình, tỉnh Sơn Đông khi kinh tế đang trong thời kỳ phát triển đỉnh cao gắn liền với những con phố phủ đầy bụi bặm, với hình ảnh từng toán công nhân xây dựng đội mũ vàng, những chiếc xe thùng chở đầy nhôm hóa lỏng tấp nập trước các cổng nhà máy, và các xe tải chở than xếp thành hàng dài trên phố.
Với dân số 800 nghìn người, Trâu Bình là một trong những huyện giàu có nhất tại Trung Quốc. Đây là nơi quy tụ nhiều cơ sở luyện nhôm tư nhân lớn của cả nước, và còn là nơi có nhiều tổ hợp sản xuất thép và dầu lớn, cùng hàng trăm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Nhưng hình ảnh của một vùng đất thịnh vượng đang dần phai nhạt ngay tại tòa tháp được mệnh danh là ngôi sao của Sơn Đông – tập đoàn Qixing.
Tòa nhà này đã trở thành tâm chấn của cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực thời gian gần đây. Cuộc khủng hoảng này đã thổi bay hàng triệu nhân dân tệ (NDT) của 9 công ty niêm yết có trụ sở ở Trâu Bình, làm dấy lên lo ngại mới về núi nợ khổng lồ, vốn đang là lực đẩy của nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Shen Jiangquang, chuyên gia kinh tế tại công ty chứng khoán Mizuho châu Á Hồng Kông cho hay: “Mô hình tăng trưởng dựa trên kích thích đầu tư vô tội vạ của Trung Quốc đã khiến dư nợ trong khối doanh nghiệp đang tăng cao.”
Các tập đoàn nhà nước và công ty tư nhân lớn, vốn tạo ra nhiều việc làm và có tầm ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương, lại đang chìm trong cảnh nợ nần. Điều này cho thấy Bắc Kinh đã thất bại trong các nỗ lực cắt giảm nợ xấu trong doanh nghiệp.
Khủng hoảng nợ xấu – Vấn nạn chưa bao giờ hết nhức nhối
Những khoản nợ xấu trong doanh nghiệp dồn tích kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 cho đến nay, đã trở thành một trong những quả bom nợ lớn nhất trong lịch sử kinh tế. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, cuộc khủng hoảng nợ đã làm mất 166,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối tháng 9, trong khi con số này năm 2008 chỉ là 96,3%. Để so sánh, chỉ số này ở Mỹ là 72,8% và ở các nước đang phát triển trung bình là 105,9%.
Trung Quốc đang cố gắng tìm mọi cách, gồm cả quay vòng tín dụng ngân hàng, hoán đổi nợ sang cổ phiếu và tái cơ cấu nợ để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ toàn hệ thống. Điều này cũng được xem là khó hiện thực khi các địa khu đang nỗ lực chạy đua thành tích tăng trưởng trước thềm Đại hội Đảng vào mùa thu tới.
Ngay sau khi lên nắm quyền, chủ tịch Tập Cận Bình đã xem việc “giảm áp lực đòn bẩy” là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế, nhưng cũng không thể kìm hãm được làn sóng này. Trên thực tế, tổng dư nợ tín dụng của Trung Quốc không hề có tín hiệu suy giảm, bao gồm các khoản vay ngân hàng chính thức cũng như tín dụng ngân hàng ngầm.
Mặt khác, nợ vẫn là một nhân tố chính hỗ trợ cho mức tăng trưởng trong quý I/2017 vừa qua là 6,9%, vượt quá mục tiêu 6,5% năm 2017 của chính phủ. Và Trâu Bình là một trong những nơi đã trở nên thịnh vượng nhờ vào cơn bão vay nợ.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhờ tận dụng được nguồn tín dụng dễ dãi do Trung Quốc đẩy mạnh các gói kích thích kinh tế, Trâu Bình đã tăng gấp 3 lần sản lượng nhôm chỉ trong vòng vài năm, để trở thành nơi sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc.
Là một trong những nhà sản xuất công nghiệp lớn nhất ở Trâu Bình, nhờ vào mối quan hệ gần gũi với chính quyền địa phương và các ngân hàng, Qixing được thỏa mãn cơn khát tín dụng để mở rộng năng lực sản xuất và theo đà đó mở rộng lĩnh vực hoạt động của nhà máy. Ngoài hoạt động kinh doanh cơ bản là sản xuất nhôm, Qixing đã đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực động sản, dây cáp điện và gốm sứ, và thậm chí là một khách sạn năm sao. Nhưng những hoạt động đầu tư này đã gặp thất bại khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chững lại.
Tổ hợp từng có lúc điều hành tới 12.000 công nhân này đã cạn tiền vào cuối tháng 3 sau khi vay hơn 7 triệu NDT (khoảng 1 triệu USD) từ 36 định chế tài chính và một số khoản vay nợ không xác định có được từ các nhà cho vay tư nhân. Con số này theo China Business News ước tính vào khoảng 4 triệu NDT.
Trong chuyến thực địa gần đây tới Trâu Bình, người ta không hề thấy dấu hiệu sản xuất tại nhà máy chính của Qixing. Một số công nhân đi qua đi lại phía sau hàng rào sắt của cơ sở sản xuất nhôm, nhưng chỉ có vài xe tải xuất hiện từ dây chuyền sản xuất của nhà máy. Có khoảng 20 xe đạp điện tại cổng nhà máy, nơi có 3 nhân viên bảo vệ từ chối cho người ngoài được tiếp cận vào trong. Họ cũng cố gắng ngăn không cho các công nhân nói chuyện với phóng viên tờ South China Morning Post.
Một công nhân trẻ đang mua đồ ăn trưa tại một quán hàng rong bên ngoài khu phức hợp cho biết, hội thảo về hợp chất mangan và liti của Qixing vẫn đang diễn ra, và các công nhân truyền tai nhau rằng tập đoàn đang được “tiếp quản”.
Khi vấn đề về nợ của Qixing được công khai trước công chúng vào cuối tháng 3, nó đã tạo nên một phản ứng dây chuyền ở Trâu Bình, các doanh nghiệp tư nhân từng bảo đảm tín dụng cho nhau bây giờ trở nên quan ngại.
Theo một tài liệu công khai được công bố bởi Cơ quan thanh toán bù trừ Thượng Hải, tập đoàn sản xuất thép Xiwang, một công ty có trụ sở cách Qixing 10 km, đã cung cấp một khoản đảm bảo tín dụng 2,5 triệu nhân dân tệ cho Qixing vào cuối tháng 6 năm ngoái. Cổ phiếu của Xiwang đã ngay lập tức giảm 14,8% vào ngày 31/3 bởi tình trạng bán khống của khối ngoại khi nhìn thấy rủi ro tiềm ẩn trước khi đóng cửa ở mức giảm 6,5%, tương đương 1,01 đô la Hồng Kông (khoảng 12,99 cent USD).
Khoản bảo đảm tín dụng của Xiwang dành cho Qixing, dưới hình thức bảo lãnh tương hỗ, là thông lệ của các công ty Trung Quốc muốn tìm kiếm bảo lãnh tín dụng. Nhưng các nhà phân tích cảnh báo hoạt động này có thể dễ dàng phát sinh rủi ro và tạo nên khủng hoảng nếu một mối liên kết yếu nào đó bị phá vỡ.
“Điều kiện tiên quyết của một khoản bảo lãnh tương hỗ là [các hãng] phải không có hoạt động kinh doanh chồng chéo, hoặc có mối quan hệ kinh doanh với nhau. Nếu không, nó thực sự có thể làm gia tăng rủi ro,” Lu Zhenggwei, nhà phân tích kinh tế tại Ngân hàng Công thương Thượng Hải cho biết.
Mạng lưới bảo lãnh tương hỗ trước đây đã bị hé lộ qua hai vụ rủi ro tín dụng ở Trung Quốc: Cuộc khủng hoảng tài chính ở Wenzhou năm 2012, và vụ vỡ nợ tín dụng thép ở đồng băng sông Dương Tử năm 2014.
Chính quyền huyện Trâu Bình giải cứu Qixing
Ngày 27/3, chính quyền đã tổ chức một cuộc họp với các nhà cho vay tín dụng, yêu cầu họ không đòi nợ Qixing, và chỉ đạo Xiwang, công ty lớn thứ 2 ở Trâu Bình, trả giúp các khoản lãi vay cho Qixing.
Theo Tân Hoa xã, ngày 3/4, Xiwang, Qixing và chính quyền đã đi tới một thỏa thuận ba bên, trong đó Xiwang sẽ tiếp quản tập đoàn Qixing. Theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc đưa tin, hai ngày sau đó chính quyền cấp tỉnh này đã tổ chức một cuộc họp khác. Tại đó, Wang Shujian, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn Đông, đã yêu cầu Sở tài chính của tỉnh, các nhà quản lý ngân hàng và chính quyền địa phương hỗ trợ Xiwang tiếp quản Qixing. Các ngân hàng lớn cũng cam kết tiếp tục ủng hộ.
Tuy nhiên, những người chủ của Qixing, không mấy vui vẻ khi mất đi quyền kiểm soát công ty chỉ trong một đêm. Họ đã kháng cự lại kế hoạch của chính phủ cho phép Xiwang tiếp quản công ty. Phó chủ tịch Zhao Qiang, con trai của chủ tịch công ty, đã bị công an Trâu Bình bắt giữ vì chống lại lệnh tiếp quản, theo truyền thông địa phương.
Các nhân viên tại văn phòng và Phòng Kế hoạch của Qixing từ chối đưa ra bình luận. Các cuộc gọi đến tập đoàn Xiwang đều không có ai trả lời.
Sự kết hợp giữa một nhà đi vay lớn, một số ngân hàng chủ nợ, và một chính quyền địa phương để quay vòng tín dụng hoặc thậm chí là giải cứu một công ty vay nợ đang trong cơn nguy khốn đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nơi có tới 12.836 ủy ban cho vay được thành lập vào cuối năm ngoái, liên quan đến tái cơ cấu các khoản nợ 14.850 tỷ nhân dân tệ.
Ngày 14/4, hơn mười chuyên gia luật đã tổ chức hội nghị ở Bắc Kinh để thảo luận liệu có phù hợp không khi chính quyền địa phương can thiệp quá sâu vào các vấn đề nợ của công ty.
Tuy nhiên, việc chính quyền Trâu Bình giải cứu đối với Qixing có thể là “cần thiết để ngăn rủi ro lan rộng”. Ông Zhou Hao, chuyên gia kinh tế Thị trường các nước đang phát triển tại Ngân hàng Commerzbank chi nhánh Singapore cho biết, “Đó là cách cuối cùng để Trung Quốc có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tín dụng khu vực.”
Chủ tịch Zoupong nói Xiwang quá lớn để đổ vỡ và để Qixing tồn tại là điều nên làm.
“Mọi thứ nên trở nên tốt hơn sau khi công ty được tiếp quản”, một cựu nhân viên từng làm việc ở nhà máy rượu Fangong, giờ là một công ty con của Xiwang cho hay, “Qixing vẫn có một số tài sản có chất lượng tốt và đó chỉ là vấn đề về dòng tiền”. Ông chỉ vào các tòa nhà gần đó và nói rằng một nửa các hộ gia đình ở Trâu Bình có hệ thống sưởi ấm và điện năng phụ thuộc vào Qixing, và điều đó có nghĩa là nó không thể sụp đổ cho dù nó không thể trả hết nợ.
Theo scmp.com
Liên Hương
Xem thêm:
Từ khóa nợ xấu kinh tế Trung quốc khủng hoảng kinh tế sản xuất nhôm