Larry Kudlow: Mức tăng thuế của Biden ‘gấp 7 lần’ mức giảm thuế của Trump
- Larry Kudlow
- •
Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của ông Larry Kudlow, người dẫn chương trình tài chính kênh Fox Business, nguyên Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ. Bài viết phân tích chính sách thuế của Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Janet Yellen, đồng thời so sánh với chính sách thuế trước đó của cựu Tổng thống Donald Trump.
(Ông Larry Kudlow/Nguồn ảnh: Getty Images)
Sáng ngày 13/7, tờ Bloomberg ra bài viết có tiêu đề: “Bà Yellen chứng kiến các doanh nghiệp Mỹ đang đẩy lùi thỏa thuận thuế toàn cầu.“
Đào sâu hơn một chút vào cuộc phỏng vấn, bà nói rằng các công ty Hoa Kỳ có khả năng sẽ đóng vai trò hỗ trợ then chốt [trong việc thúc đẩy các nhà lập pháp ủng hộ cuộc đại tu toàn cầu về thuế doanh nghiệp, giúp vượt qua sự phản đối của Đảng Cộng hòa; sự phản đối này có thể làm chậm hoặc gián đoạn việc phê chuẩn một hiệp ước (áp dụng mức doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%) được tán thành bởi nhóm các nước G20 vào cuối tuần qua.]
Nghe giống như [các doanh nghiệp] đang tự thắt cổ mình, phải không? Hoặc là tự quăng mình trước mũi tàu? Hoặc ít nhất tôi có thể nhìn thấy hình ảnh các CEO phải khóc tức tưởi vì họ không thể gánh nổi mức tăng thuế khiến lợi nhuận, cổ phiếu, tiền lương cho nhân viên và năng suất của công ty họ giảm đi.
Khi chủ đề câu chuyện sắp nằm trên các bản báo cáo tài chính của chính họ, tôi rất ngạc nhiên chưa thấy các vị CEO này tụ tập trên đường phố cùng những tấm biển lớn và hô rằng: “Hãy tăng thuế của tôi đi!” giống như cách họ vẫn làm khi đối đãi với những “bất công trong xã hội”.
Họ đáng lý ra nên diễu hành không chỉ để kêu gọi tăng thuế thu nhập trong nước và còn cả thuế trên thặng dư vốn và thuế ở nước ngoài.
Vì vậy, tôi vẫn đang chờ đợi sự kiện tin tức này, nhưng chưa thấy.
Và đây mới là những gì tôi biết: Một Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh, nơi tụ họp 200 công ty lớn nhất ở Mỹ, phản đối những đề xuất tăng vọt tiền thuế của ông Biden và bà Yellen, cả trong và ngoài nước. Là phản đối, thưa bà Bộ trưởng. Không phải là “đóng vai trò hỗ trợ then chốt”, mà là phản đối. Họ đã nói công khai như vậy. Vì thế, tôi không biết bà ấy đang nói về những ai.
Nhân tiện, chỉ vì sự ngớ ngẩn của ai đó, mà Tổng thống Trump hiện đang phải cố gắng xoa dịu, cảnh báo Đảng Cộng hòa đừng tăng thuế:
“Các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ không được, dù là dưới bất kỳ hình thức nào, tăng mức thuế đã được áp dụng trong chiến dịch cắt giảm thuế của Trump – chiến dịch lớn nhất trong lịch sử đất nước chúng ta.”
Hoàn toàn chính xác, thưa Ngài Tổng thống (ông Trump). Thật tuyệt vời khi Ngài vẫn duy trì thông điệp này.
Nói về chiến dịch cắt giảm thuế tuyệt vời của ông Trump, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) và Ủy ban hỗn Cục thuế Hoa Kỳ (JTC) đã đưa ra một số tính toán, so sánh giữa chính sách thuế của ông Trump và ông Biden.
Chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp của ông Trump cũng cắt giảm 350 tỷ đô la doanh thu của chính phủ. Mức tăng thuế doanh nghiệp của ông Biden ước tính tăng doanh thu chính phủ thêm 2,2 nghìn tỷ đô la.
Hay nói các khác, mức tăng thuế của ông Biden cao gấp 7 lần mức cắt giảm thuế của ông Trump!
Hãy suy nghĩ một chút về điều đó. Không chỉ tăng tỷ suất thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, con số trước đây (thời Obama) là 35%, mức tăng thuế của ông Biden cao gấp 7 lần so với mức cắt giảm thuế của ông Trump. Đây là một vấn đề nghiêm trọng.
Một khía cạnh khác: Mặc dù Đảng Dân chủ vẫn chưa đưa ra một giải pháp về ngân sách và do đó họ chưa thể xây dựng các dự luật về điều chỉnh ngân sách; cái gọi là gói cơ sở hạ tầng hoàn toàn thiếu các kế hoạch chi tiết về cả về phía chi tiêu lẫn phía chi trả. Tuy nhiên, các Đảng viên Dân chủ tuyệt vọng vẫn đang nói về việc dự báo thu chi của chính phủ kết hợp với hành vi kinh tế và tôi thực sự “thích” điều này.
Lâu nay, những người cung cấp dịch vụ như tôi vẫn luôn lập luận rằng mức thuế suất thấp hơn sẽ thay đổi hành vi kinh tế. Khi đánh thuế một cái gì đó ít hơn, bạn nhận được nhiều hơn từ việc đó.
Chúng tôi luôn muốn những dự báo liên tục này, cùng với chi tiêu và thu nhập của liên bang, được đưa vào các con số ước tính của nền kinh tế trong 10 năm. Nếu không, trong góc nhìn một chiều khi bạn nói thuế suất doanh nghiệp là 21%, nhưng có lẽ trên thực tế bạn đã tăng mức thuế lên 100%.
Bây giờ, dù là một người kém thông minh nhất cũng biết rằng thuế suất 100% sẽ phá hủy nền kinh tế, giết chết việc làm, gây mất nguồn thu cho chính phủ – nhưng cách tiếp cận một chiều đó (cho rằng những thay đổi về thuế không tác động đến hành vi của người nộp thuế và do đó không ảnh hưởng đến các yếu tố kinh tế vĩ mô quan trọng như GDP, đầu tư và việc làm) đã được thể chế hóa trong nhiều thập kỷ.
Gần đây, CBO đã bắt đầu sử dụng phương pháp tiếp cận chủ động phù hợp với sự thay đổi hành vi kinh tế. Tổ chức tư vấn thuế Tax Foundation cũng như các mô hình khác hiện nay, không phải tất cả nhưng một số trong đó, hoạt động rất tốt. Do đó, nếu Đảng Dân chủ muốn đưa cách dự báo thu chi của chính phủ kết hợp với hành vi kinh tế vào gói cơ sở hạ tầng 3 nghìn tỷ đô la của họ, hoặc với những dự án với bất kỳ quy mô nào, tôi nói điều này là tốt.
Họ lập luận rằng các khoản chi tiêu xã hội của họ, trong cái gọi là gói cơ sở hạ tầng vì con người, dùng cho việc phổ cập mầm non, các trường cao đẳng cộng đồng miễn phí, tín dụng trẻ em và chăm sóc những người bị phụ thuộc sẽ giúp tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế – và do đó giảm thâm hụt ngân sách.
Lập luận này khiến tôi rất nghi ngờ, đặc biệt là vì chi tiêu xã hội của họ không gắn liền với các chính sách khuyến khích việc làm hoặc yêu cầu làm việc, và họ đã quên mất khía cạnh thuế tăng vọt.
Vì vậy, để tôi trích dẫn lại lời của nhà kinh tế học Art Laffer vĩ đại: “Nếu bạn đánh thuế một cái gì đó nhiều hơn, bạn sẽ nhận được ít hơn từ đó.”
“Ít hơn” có nghĩa là thu nhập của chính phủ thấp hơn và thâm hụt ngân sách nhiều hơn. Trên thực tế, Mô hình dự báo kinh tế của Đại học Penn Wharton hầu như cho ra cùng kết quả với Tổ chức tư vấn thuế Tax Foundation và mô hình NAM Slash của Đại học Rice.
Cả ba mô hình, sử dụng phương thức dự báo kết hợp với hành vi kinh tế để tính toán về mức chi tiêu chính phủ và chính sách thuế của ông Biden, cho thấy trong tương lai GDP, việc làm, số lượng cổ phiếu phát hành của các doanh nghiệp và năng suất sẽ sụt giảm từ 1 đến 1,5%.
Trên thực tế, hội nghị Bàn tròn Kinh doanh đang rất chú ý đến Mô hình của Đại học Penn Wharton.
Do đó, tôi hy vọng đảng Dân chủ hiểu những gì họ đang làm, bởi vì phương thức dự báo kết hợp với hành vi kinh tế cho thấy con số thâm hụt ngân sách tăng lên khi thu nhập chính phủ và nền kinh tế suy giảm.
Nhân tiện, chiến lược cắt giảm thuế doanh nghiệp khiến thu nhập chính phủ giảm 350 tỷ đô la của ông Trump đã được “hoàn vốn” trong khoảng 18 tháng nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn và do đó, mức thu nhập tính thuế sẽ tăng lên, trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế có mức thuế thấp hơn.
Tình trạng trốn thuế đã giảm đi rất nhiều khi một lượng lớn tiền mặt từ nước ngoài “hồi hương” về Hoa Kỳ và chảy vào kho bạc. Trên thực tế, toàn bộ khoản cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ đô la của ông Trump gần như đã được “hoàn vốn”.
Ngay trước khi đại dịch xảy ra, CBO ước tính thu nhập chính phủ chỉ thiếu hụt 200 tỷ đô la, và con số này sẽ rất dễ dàng được lấp đầy nếu không có sự xuất hiện của virus. Đó là những gì mức thuế suất thấp hơn đã làm được. Nó thay đổi hành vi [của nền kinh tế].
Vy An biên dịch (Theo Fox News)
Xem thêm:
Từ khóa Larry Kudlow Janet Yellen Mức thuế tối thiểu toàn cầu Trump cắt giảm thuế Biden tăng thuế