Vietnam Airlines cho biết trong báo cáo mới đây, hãng bay Jetstar Pacific (Vietnam Airlines sở hữu 99% vốn góp) đang đối mặt tình huống thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng, có thể ngừng hoạt động vì thua lỗ và cần tái cơ cấu. Sau khi nhận miễn phí 30% cổ phần từ Qantas Asia Investment Company, Vietnam Airlines đã đổi tên Jetstar Pacific thành Pacific Airlines.

Sau khi nhận 30% vốn góp “miễn phí”, Vietnam Airlines đổi tên Jetstar Pacific thành Pacific Airlines và nhận tái cơ cấu hoạt động với tỷ lệ sở hữu 99%. (Ảnh: Nils Versemann/Shutterstock)

Theo dự kiến, Vietnam Airlines sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 28/6. Theo báo cáo, hiện Vietnam Airlines đang điều hành ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines (tên cũ là Jetstar Pacific Airlines) và Vasco.

Lên kế hoạch năm nay với doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu tăng, công ty vẫn dự kiến lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước. Kế hoạch này được đặt dựa trên số lượng khách hàng vận chuyển 17 triệu khách và hàng hóa vận chuyển 271.000 tấn.

Hôm 20/5, Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022. Theo đó, Vietnam Airlines tiếp tục báo lỗ quý 1/2022 là 2.621 tỷ đồng (quý thứ 9 liên tiếp báo lỗ).

Tại thời điểm ngày 31/3/2022, Vietnam Airlines đã lỗ lũy kế hơn 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Vốn chủ sở hữu của hãng bay này hiện đang âm 2.160 tỷ đồng.

Còn với Pacific Airlines, 2 năm COVID-19, số lỗ lần lượt 2.144 tỷ đồng và 2.308 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3.522 tỷ đồng. Không phải nguyên nhân vì dịch COVID nên hãng bay này mới báo lỗ. Trong 13 năm hoạt động từ năm 2009, Pacific Airlines kinh doanh lãi 3 năm và báo lỗ tới 10 năm.

Mất niềm tin và kiên nhẫn, Công ty Qantas Asia Investment đã tặng không 30% cổ phần vốn góp tại hãng Hàng không Pacific Airlines cho Vietnam Airlines, nâng tỷ lệ sở hữu của Vietnam Airlines lên thành 99%.

Trong quý 1/2022, Vietnam Airlines đã tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Qantas Asia Investment Company tại Pacific Airlines.

Dù đã triển khai nhiều biện pháp duy trì hoạt động, tìm nhà đầu tư mới tham gia quá trình tái cơ cấu Pacific Airlines nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc cơ chế, chính sách quy định hiện hành với doanh nghiệp nhà nước.

Trong giai đoạn này, Pacific Airlines tiếp tục tổ chức hoạt động khai thác tối thiểu, tinh giản bộ máy tận dụng nguồn lực chung với Vietnam Airlines Group để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả.

Để tự cứu mình thoát lỗ, Vietnam Airlines đang lên kế hoạch bán nhiều máy bay nhưng chưa thực hiện được vì chưa có người mua. Hãng bay này cũng thoái vốn khỏi liên doanh kém hiệu quả là Cambodia Angkor Air, bán 35% vốn cổ phần và thu về hơn 811 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cho rằng nếu dịch được kiểm soát như hiện nay và không phát sinh các biến chủng mới, đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi trước dịch bệnh.

Thanh Minh