Năm 2023 nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện, Bộ Công thương nói gì?
- Đức Minh
- •
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết lo ngại việc thiếu nguồn cung than sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất điện trong năm 2023. Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương), dự kiến năm nay than thương phẩm sản xuất gần 57,9 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước khoảng 44,7 triệu tấn, còn nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn. Bộ này cũng đề xuất tính đến phương án tăng nhập khẩu than.
Đầu tháng 3, Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đã hoàn thành ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với các nhà máy điện, đạm. Số lượng đã ký bán của TKV cho 22 nhà máy nhiệt điện là hơn 38,5 triệu tấn, đạm gần 2 triệu tấn, truyền thông trong nước đưa tin.
Còn Tổng công ty Đông Bắc cung ứng gần 7,7 triệu tấn than cho 10 nhà máy nhiệt điện trong năm nay.
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương) được TTXVN trích dẫn, năm nay dự kiến than thương phẩm sản xuất gần 57,9 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước khoảng 44,7 triệu tấn, còn nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn.
Tổng than tiêu thụ dự kiến là khoảng 56,9 triệu tấn, trong đó cho các hộ điện vào khoảng 46,1 triệu tấn; hộ phân bón, hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn; hộ xi măng khoảng 1,7 triệu tấn; các hộ khác khoảng 4,5 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn.
Tại buổi họp hôm 3/3, Bộ trưởng Bộ Công thương – ông Nguyễn Hồng Diên yêu cầu doanh nghiệp sử dụng than phải mua đúng hợp đồng, còn bên cung cấp chịu trách nhiệm nếu không cung ứng đủ theo cam kết.
“Doanh nghiệp cấp than chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung ứng đủ theo cam kết, dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện, đạm. Ngược lại, các doanh nghiệp sử dụng than cũng phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng hợp đồng mua”, ông Diên nói, báo Vnexpress dẫn lời.
Ngoài khai thác trong nước, tăng nhập khẩu than là phương án được Bộ Công thương tính tới để đủ cung ứng cho sản xuất điện, đạm. Ông Diên cho biết các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác để nhập khẩu như: Australia (Úc), Indonesia, Lào, Nam Phi.
Chẳng hạn với Lào, Bộ này cho hay do giá than nhập khẩu từ Lào thấp hơn khoảng 20% so với trong nước, nên việc nhập có lợi cho cả hai bên. Hiện than nhập từ Lào về Việt Nam chủ yếu qua cửa khẩu La Lay (tỉnh Quảng Trị).
Năm ngoái ở thời điểm căng thẳng nguồn cung than cho điện, Việt Nam từng tính nhập 5 triệu tấn từ Australia. Các hoạt động nhập khẩu than từ Nam Phi sau đó cũng được cơ quan này xúc tiến.
Hai tháng đầu năm, lượng than sản xuất thương phẩm đạt khoảng 8,3 triệu tấn, than tiêu thụ gần 8,7 triệu tấn.
Trong đó, than cấp cho điện đạt gần 16% kế hoạch, khoảng 7,3 triệu tấn; còn than cấp cho phân bón, hoá chất khoảng 0,43 triệu tấn, tương đương 17% kế hoạch.
Trước đó, EVN có văn bản gửi Bộ Công thương cho rằng năm 2022 việc cấp than cho điện không đúng kế hoạch với hầu hết nhà máy nhiệt điện, ảnh hưởng tới vận hành cung cấp điện.
Năm nay dự báo nhu cầu than cho điện tăng cao so với năm ngoái, khi có thêm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành, EVN đánh giá nguy cơ cao sẽ thiếu nhiên liệu để sản xuất điện.
Theo báo cáo của Tập đoàn EVN, doanh nghiệp này đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 u ám hơn năm qua rất nhiều. Theo đó, năm 2023, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.940 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành. Trong đó, 6 tháng đầu năm nay, EVN dự kiến lỗ gần 44.100 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.840 tỷ đồng. Lũy kế năm vừa qua và năm 2023, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN dự kiến lên tới hơn 93.800 tỷ đồng. Cuối năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét sớm chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của nhà nước đầu tư tại EVN. Tuy vậy, phương án này chưa được thông qua. |
Đức Minh
Từ khóa bộ công thương EVN TKV Điện lực Việt Nam sản xuất than