Nga-Trung liệu có từ bỏ được đồng USD?
- Minh Hà
- •
Chuyển sang dùng đồng nội tệ, từ bỏ đồng USD có phải cách giúp Nga đối phó với lệnh trừng phạt kinh tế và Trung Quốc giảm áp lực thương chiến với Mỹ?
Kế hoạch hợp tác tiền tệ
Những năm gần đây, Trung Quốc trong nỗ lực muốn vượt lên Mỹ để trở thành quốc gia có đồng tiền dự trữ mạnh toàn cầu và Nga để đối phó với lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, đã tìm cách hợp tác triển khai hệ thống thanh toán không dùng đồng USD. Cuối tháng 6/2019, Nga và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận liên chính phủ về việc chuyển sang thanh toán bằng đồng Rúp Nga và đồng Nhân dân tệ (CNY).
Hãng tin Tass của Nga đưa tin cổng thông tin chính phủ Nga đã đăng tải Dự thảo thông tư cho phép sử dụng đồng Nhân dân tệ (CNY) và đồng Rúp Nga trong thanh toán hàng hóa dịch vụ và đầu tư trực tiếp giữa hai nước, trên cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp hai bên. Các đơn vị kinh tế tham gia thanh toán tự thỏa thuận về đồng tiền thanh toán và phương thức thanh toán một cách độc lập.
Nội dung thông tư cũng cho thấy cả Moscow và Bắc Kinh sẽ hợp tác trong lĩnh vực thanh toán quốc gia và tạo thuận lợi cho thanh toán biên mậu bằng đồng tiền hai nước và các đồng tiền khác. Hai nước dự kiến phát triển hệ thống thanh toán song phương bằng đồng tiền hai nước, khuyến khích và mở rộng việc sử dụng đồng tiền quốc gia, cụ thể là thúc đẩy việc sử dụng các đồng tiền này trong việc ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế và tài trợ đầu tư. Theo dự kiến, các bên sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để tháo dỡ các rào cản cho thanh toán bằng các đồng tiền của hai nước.
Nếu kế hoạch diễn ra theo đúng dự tính, sự hợp tác này sẽ giúp Trung Quốc và Nga tăng cường trao đổi thương mại và ít phụ thuộc vào đồng USD. Tuy vậy, trên thực tế, các quốc gia này vẫn phải giao thương với các nước còn lại và tỷ giá các đồng tiền này vẫn chịu tác động của đồng USD.
Kịch bản giảm phụ thuộc vào đồng USD liệu có thành?
Trong gần một thế kỷ nay, đồng USD đã soán ngôi đồng Bảng Anh để trở thành đồng tiền đóng vai trò là đồng tiền dự trữ quan trọng của thế giới. Hiện tại, tỷ lệ nắm giữ đồng USD trong dự trữ quốc tế chiếm khoảng 62%, tiếp theo là đồng Euro, Yên Nhật, Franc Thụy Sĩ, đồng Bảng Anh; đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm khoảng 1,84%.
Đồng tiền đóng vai trò là đồng dự trữ quốc tế thì phải có tính thanh khoản cao và ổn định. Để một đồng tiền của một quốc gia trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế thì quốc gia phát hành đồng tiền đó phải có nền kinh tế mạnh, cho phép luồng vốn dịch chuyển tự do, hệ thống ngân hàng vững chắc để có thể đảm đương vai trò là chủ nợ. Những yếu tố trên đảm bảo cho một đồng tiền được ưa chuộng và được nắm giữ nhiều.
Đối với Trung Quốc, mặc dù là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đang phát triển nhanh chóng, đồng Nhân dân tệ đã được đưa vào rổ tiền tệ của IMF từ tháng 10/2016, nhưng con đường để đồng tiền nước này trở thành đồng tiền dự trữ quan trọng toàn cầu sẽ còn xa vời.
Trước hết, đồng CNY vẫn bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ và được neo vào đồng USD. Thứ hai, Trung Quốc hạn chế lượng trái phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ trong khi dự trữ ngoại hối thường có xu hướng nắm giữ dưới dạng trái phiếu chứ không phải tiền tệ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thường xuyên bị cáo buộc là đánh cắp công nghệ và tài trợ cho các công ty xuất khẩu trong nước, chưa thể là một nền kinh tế tự do hoàn toàn. Ngoài ra, dự án Vành đai, Con đường của Trung Quốc đang có xu hướng bị xem xét và dừng lại do hậu quả về nợ quốc gia mà nó để lại. Thực chất, đó chính là bẫy nợ khiến các nước tham gia phụ thuộc vào Trung Quốc.
Một điều đáng lưu ý là giới nhà giàu và các ông lớn Trung Quốc có xu hướng chuyển vốn ra nước ngoài trong bối cảnh bất ổn kinh tế Trung Quốc gia tăng trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và Trung Quốc vẫn đang cố gắng kiểm soát tình trạng này.
Về phía Nga, nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, đồng Rup của nước này cũng tương đối biến động do Nga là quốc gia phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu năng lượng và đồng tiền nước này chịu tác động của giá dầu, do đó không có tính ổn định và linh hoạt. Trong một thập kỷ qua, giá trị đồng Rúp đã giảm tới 50%.
Hiện vai trò chủ đạo trong dự trữ toàn cầu của đồng USD vẫn được phần đông quốc gia thừa nhận. Việc Nga – Trung có thể tạo nên một sự đột phá trong việc từ bỏ đồng USD trong thanh toán quốc tế hay không vẫn còn là điều để ngỏ.
Minh Hà (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa nga trừng phạt thương chiến Mỹ-Trung đồng USD