Khoản vay do ngân hàng Nhật Bản vừa công bố đẩy thêm một bước dài đối với kế hoạch hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản với dự án nhiệt điện than của Việt Nam, bất chấp nhiều lo ngại, phản đối trước các nguy cơ về môi trường của dự án.

tro xi nhiet dien than 1
Người dân tại xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tập trung phản đối việc chính quyền dùng tro xỉ thải than của nhà máy Nhiệt Điện Vũng Áng 1 để san lấp, thi công mặt bằng sân vận động xã, tháng 4/2020. (Ảnh: Nguyễn Thùy Dương/Facebook)

Công ty luật quốc tế Pinsent Masons ngày 13/1 cho biết Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã đồng ý cho Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO) vay 636 triệu USD để tài trợ xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.

Thông báo cho biết khoản vay được đồng tài trợ với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) và các tổ chức cho vay tư nhân, với tổng số tiền đồng tài trợ ước tính là 1,8 tỷ USD.

Dự án dự kiến là nhà máy nhiệt điện than có công suất 1.200 MW (MW), đặt tại huyện Vũng Áng, tỉnh Hà Tỉnh, Việt Nam, do VAPCO xây dựng, sở hữu và vận hành. Điện do nhà máy sản xuất sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong 25 năm, theo thông báo của JBIC ngày 29/12/2020.

Chuyên gia cơ sở hạ tầng John Yeap của Pinsent Masons nói: “Mặc dù ưu tiên chính sách về khí đốt và năng lượng tái tạo [của Việt Nam] rất phù hợp với các chính sách năng lượng quốc tế, nhưng các thỏa thuận nhiệt điện than kế thừa này sẽ giúp Việt Nam đạt được đa dạng hóa năng lượng và nhiên liệu”. 

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam), năm 2019, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 59,3 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn FDI, 4.385 dự án. Khoảng tháng 9/2020, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp nước này (trong tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hóa chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.

Vào tháng 10/2020, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, hai nước đã ký 12 thỏa thuận hợp tác để cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Tiếp đến tháng 12, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết sẽ có nhiều vốn đầu tư của Nhật Bản đổ vào Việt Nam khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực.

Nhiệt điện Vũng Áng 2 và sự phản đối từ cộng đồng quốc tế

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 có công suất dự kiến 1.200MW, xây dựng tổng trên diện tích hơn 42ha với mức đầu tư gần 2,2 tỷ USD. Dự án do Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 làm chủ đầu tư, đầu tư theo hình thức BOT.

Đáng nói, Nhà máy Vũng Áng 2 sẽ nằm sát bên Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đang hoạt động và trong Khu Kinh tế Vũng Áng – khu vực bị báo động đỏ về môi trường.

Ngay trong giai đoạn gọi vốn, dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 đã vấp phải nhiều phản đối từ các tổ chức bảo vệ môi trường của Nhật Bản và trên thế giới.

Tháng 4/2020, một báo cáo phân tích độc lập do Liên minh Luật Môi trường Toàn cầu (Environmental Law Alliance Worldwide – ELAW) công bố kết luận báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Vũng Áng 2 (được Bộ TN-MT Việt Nam phê duyệt năm 2018) có rất nhiều vấn đề cần xem xét lại, như lựa chọn sai mô hình phân tán chất ô nhiễm không khí, áp dụng tiêu chuẩn khí thải, nước thải yếu hơn tiêu chuẩn quốc tế, bỏ qua giải pháp thay thế cho nhiệt điện than…

Tháng 5/2020, tổ chức phi lợi nhuận – Oil Change International cho biết các tổ chức phi chính phủ về môi trường của Nhật Bản đã đệ trình đơn kiến ​​nghị tới Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và ba ngân hàng lớn đang xem xét tài trợ cho dự án, Tập đoàn Mitsubishi và Thủ tướng Shinzo Abe, yêu cầu hủy bỏ Dự án phát điện than Vũng Áng 2 tại Việt Nam. Bản kiến ​​nghị được ký bởi 127 tổ chức từ hơn 40 quốc gia và khu vực.

Bản kiến nghị nhận định nồng độ phát thải các chất ô nhiễm không khí từ Vũng Áng 2 cao hơn nhiều lần so với các nhà máy điện được xây dựng ở Nhật Bản. “Các vấn đề khác nhau trong Đánh giá tác động môi trường cũng đã được chỉ ra trong một nghiên cứu phân tích của Liên minh Luật Môi trường Toàn cầu,” Ayumi Fukakusa của tổ chức Friends of the Earth Japan cho biết.

Bà Kimiko Hirata, Giám đốc Quốc tế của Mạng lưới Kiko và Chủ tịch Mạng lưới Hành động Khí hậu Nhật Bản, cho biết thêm: “Vũng Áng 2 là một trong những dự án mang tính biểu tượng cho thấy Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ các dự án đốt than ngay cả bây giờ. Các ngân hàng tư nhân và các nhà phát triển có liên quan theo đuổi các dự án trái với chính sách của họ cam kết rời khỏi các dự án than mới…”

Nhật báo Nikkei Asia (Nhật Bản) ngày 29/11/2020 cho biết hồi tháng 10, Nhóm quản lý đầu tư Nordea và các đối tác đã gửi thư đến được gửi tới 12 công ty tham gia vào dự án điện than, thúc giục rút khỏi các dự án nhà máy điện nhiệt than ở Việt Nam.

8 công ty trong số đó là của Nhật Bản, bao gồm Tập đoàn Mitsubish., Chugoku Electric Power và 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản Mizuho Financial Group, Mitsubishi UFJ Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial. Nhóm.

Thư ngỏ khuyến cáo các công ty này không liên kết và không tham gia vào dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 vì các rủi ro cao liên quan đến khí hậu, tài chính và uy tín.

Một báo cáo nghiên cứu do tổ chức Greenpeace Đông Nam Á và Greenpeace Nhật Bản công bố hồi tháng 8/2019 đã chỉ ra: “Phần lớn các dự án điện than do Nhật Bản đầu tư ở nước ngoài đều áp dụng công nghệ kiểm soát phát thải của nước sở tại thấp hơn nhiều so với công nghệ kiểm soát phát thải áp dụng tại Nhật Bản”.

Kết quả nghiên cứu cho biết nếu áp dụng giới hạn phát thải trung bình của Nhật Bản tại tất cả các nhà máy điện than do Nhật Bản đầu tư ở nước ngoài, thì ước tính mỗi năm có thể tránh được khoảng 5.000-15.000 ca tử vong sớm. Nếu tính trong cả vòng đời 30 năm của 17 nhà máy điện than Nhật Bản đang đầu tư với giới hạn phát thải kém, thì con số tử vong sớm có thể tránh được lên đến 148.000-410.000 ca.

Phần lớn số ca tử vong sớm sẽ xảy ra ở Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Bangladesh, các quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí vốn rất đáng quan ngại – báo cáo nhận định.

Từng có tiền lệ cho việc ngừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than. Năm 2016, ngân hàng Standard Chartered đưa ra chính sách thắt chặt tài chính cho nhiệt điện than. Đến tháng 4/2018, ngân hàng này đã rút khỏi dự án nhiệt điện than Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa, Việt Nam) vì lượng phát thải CO2 của dự án vượt ngưỡng cho phép của ngân hàng. Tháng 12/2019, ngân hàng này cùng với 2 ngân hàng DBS, OCBC (cùng của Singapore) tiếp tục rút khỏi dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh, Việt Nam).

Vĩnh Long

Xem thêm:

Nhiệt điện than: Cứ 9 người tử vong thì 8 người do giới hạn phát thải của Việt Nam