Trong báo cáo công bố hôm 26/8, Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2024; đồng thời cảnh báo rủi ro do nợ xấu gia tăng.

thu phi via he long duong tphcm
Đường phố TP.HCM với các biển hiệu trên cao, vỉa hè để xe máy và lòng đường nhiều xe máy, ô tô đi lại, tháng 2/2023. (Ảnh minh hoạ: Andrey_Vasiliskov/Shutterstock)

Mức dự báo mới này cao hơn so với mức dự báo được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra vào tháng tư vừa qua là 5,5%. WB cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% trong 2 năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% của năm 2023.

Các yếu tố dẫn đến dự báo này bao gồm sự phục hồi xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, du lịch, tiêu dùng và đầu tư.

Với tiêu đề “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn”, báo cáo ghi nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch. Do đó cần đẩy mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng – đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và logistics – vốn đang là những nút thắt cản trở tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần theo dõi sát sao chất lượng tài sản của các ngân hàng do nợ xấu gia tăng.

Ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trong thị trường tài chính”.

Theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới, tình trạng nợ xấu và mất vốn vẫn đáng ngại. Tỷ lệ nợ xấu được xác định đã gia tăng từ mức 1,9% trong năm 2022 lên mức 4,6% trong năm 2023.

Báo cáo cho biết, tỷ lệ tổng số vốn vay có vấn đề có thể lên đến mức 7,2% nếu cơ cấu lại bao gồm cả các khoản nợ của Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) của Nhà nước.

Trước đó, tại họp báo thông tin về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước sáng 23/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu là một vấn đề cần lưu ý, thách thức không nhỏ với ngành ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý, mức độ tăng cũng khá cao. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC,… thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%.

Báo cáo của WB cũng chỉ ra những thách thức chính của thị trường vốn, bao gồm tỉ trọng thấp của các nhà đầu tư tổ chức trong cơ cấu nhà đầu tư và đầu tư từ quỹ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) chưa được khai thác đúng mức.

Báo cáo khuyến nghị cần có khung chính sách mạnh mẽ hơn, trong đó BHXH sẽ trở thành một nhân tố chính đẩy mạnh sự phát triển của thị trường vốn.

Các chính sách nhằm tạo điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, kết hợp với những cải cách nhằm nâng cao minh bạch thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư, sẽ giúp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.

“Hàng tỷ đô-la của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi”, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của Ngân hàng Thế giới nói. “Đồng thời, cần từng bước đa dạng hóa kênh đầu tư quỹ của BHXH để cải thiện lợi nhuận dài hạn đồng thời tăng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào khu vực doanh nghiệp”.

WB cũng dự báo thương mại sẽ chậm lại từ năm sau do các đối tác chính là Mỹ và Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đồng thời dự báo lạm phát giảm từ 4,5% trong năm nay xuống mức 4% và 3,5% trong hai năm tới.

Phan Vũ