Nghịch lý USD suy yếu toàn cầu, tỷ giá USD/VND tăng đỉnh lịch sử
Trái ngược với sự suy yếu của đồng đô la trên toàn cầu (USD Index giảm gần 13%), tỷ giá USD/VND đã tăng 3% so với thời điểm đầu năm. NHNN đang có động thái can thiệp, ổn định tỷ giá bằng cách nâng lãi suất cho vay qua đêm tới 6,45% và bơm ròng hơn 90.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở.
Ngân hàng Nhà nước liên tiếp tăng tỷ giá trung tâm, NHTM điều chỉnh kịch trần
Ngày 2/7, NHNN tiếp tục thông báo tăng Tỷ giá trung tâm thêm 12 đồng so với ngày hôm trước, lên mức 25.070 VND/USD.
Với biên độ +/-5%, tỷ giá ngân hàng thương mại được giao dịch trong ngưỡng 23.816 – 26.323 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN niêm yết ở mức 23.867 – 26.273 VND/USD (mua vào – bán ra)
Tại thời điểm 9h30 ngày 2/7, Tỷ giá tại các Ngân hàng Thương mại được điều chỉnh lên kịch trần biên độ. Cụ thể:
Tại Vietcombank, tỷ giá mua vào – bán ra được niêm yết ở mức 25.933 – 26.323 VND/USD
Tại BIDV, tỷ giá mua vào – bán ra được niêm yết ở mức 25.963 – 26.323 VND/USD
Tại VietinBank, tỷ giá mua vào – bán ra được niêm yết ở mức 25.953 – 26.313 VND/USD
Tại Techcombank, tỷ giá mua vào – bán ra được niêm yết ở mức 25.949 – 26.323 VND/USD
Tại Eximbank, tỷ giá mua vào – bán ra được niêm yết ở mức 25.950 – 26.323 VND/USD
Tỷ giá USD/VND liên tục tăng mạnh, trong khi đồng USD suy yếu toàn cầu. Chuyện gì đang xảy ra?
Tính từ đầu năm, chỉ số USD index – thước đo sức mạnh của USD so với rổ 6 loại tiền tệ mạnh khác (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã giảm gần 13%. Tại cùng thời điểm 9h30 sáng 2/7, USD Index chỉ còn 96,7, giảm 12,9% so với mức 109,25 của ngày giao dịch đầu tiên năm 2025.
Nguyên nhân chính được chỉ ra là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế, sau khi lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt. Đồng thời, các nền kinh tế lớn như EU và Nhật Bản duy trì chính sách tiền tệ ổn định, giúp đồng euro và yen lấy lại vị thế trước USD.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế quan mới của Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Trump (áp thuế 10% phổ thông từ tháng 4/2025), đã làm suy giảm niềm tin vào sức mạnh dài hạn của USD. Các nhà đầu tư quốc tế cũng chuyển hướng sang các tài sản an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ châu Âu, đẩy USD vào thế bất lợi trên thị trường toàn cầu.
Trái ngược với xu thế toàn cầu, tỷ giá USD/VND liên tục được điều chỉnh tăng. Tỷ giá trung tâm tăng 728 VND/USD, tương ứng mức tăng 2,99%. Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại tăng tương ứng 772 VND/USD so với hồi đầu năm.
Sự mất giá của VND không chỉ phản ánh áp lực từ bên ngoài mà còn đến từ những thách thức nội tại nền kinh tế
Nhu cầu nhập khẩu tăng cao:
Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2025 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2025 của Tổng cục Thống kê. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 62,04 tỷ USD, tăng 12,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 113,52 tỷ USD, tăng 20,2%.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ lực như máy móc, linh kiện điện tử và nguyên liệu sản xuất đòi hỏi thanh toán bằng USD, tạo áp lực lớn lên nguồn cung ngoại tệ trong nước.
Chính sách thương mại Mỹ: Chính sách áp thuế quan mới của Mỹ không chỉ làm giảm nhu cầu USD trên toàn cầu mà còn gây ra lo ngại về xuất khẩu của Việt Nam – quốc gia phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ (chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024). Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang tăng dự trữ USD để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đẩy cầu USD nội địa tăng mạnh.
Lạm phát nội địa và tâm lý thị trường: Lạm phát tại Việt Nam, dù được kiểm soát ở mức 3,1% trong nửa đầu năm 2025, vẫn tạo áp lực lên giá cả hàng hóa nhập khẩu. Tâm lý tích trữ USD của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất giá của VND.
Động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước
Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cân nhắc các biện pháp như tăng cung ngoại tệ thông qua dự trữ ngoại hối (hiện ở mức 110 tỷ USD vào tháng 5/2025) hoặc điều chỉnh lãi suất để ổn định tỷ giá.
Riêng trong tháng 6, NHNN đã bơm ròng 90.000 tỷ đồng ra thị trường và điều chỉnh lãi suất liên ngân hàng lên tới 6,45%.
Sự tăng vọt của USD/VND trong bối cảnh USD suy yếu toàn cầu không chỉ là một nghịch lý kinh tế mà còn là lời cảnh báo về những biến động tiềm tàng. Trong ngắn hạn, tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục chịu áp lực do nhu cầu ngoại tệ tăng và bất ổn thương mại toàn cầu. Doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần linh hoạt điều chỉnh chiến lược, bám sát các diễn biến tỷ giá để bảo vệ dòng tiền, phòng ngữa các rủi ro từ tỷ giá.
