Nhiều doanh nghiệp Việt bỏ cuộc do môi trường kinh doanh quá khắc nghiệt
- Nguyên Hương
- •
Các điều kiện kinh doanh trói buộc, sức ép thuế, chi phí khiến nhiều doanh nghiệp Việt lựa chọn giải pháp giải thể, chấm dứt nợ nần.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa cho biết, trong 10 tháng năm 2018, cả nước có hơn 78.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này bao gồm hơn 24.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 25%) và gần 54.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể (tăng tới 63%).
Hiện tượng đua nhau giải thể doanh nghiệp được cho là do môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, các điều kiện kinh doanh đang trói buộc các doanh nghiệp trong nước, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kinh doanh cùng lĩnh vực lại được nhiều ưu đãi hơn. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do FTA có hiệu lực cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ ngoại tràn ngập vào thị trường Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp Việt cùng hàng Việt rơi vào tình cảnh khốn đốn do lực cạnh tranh hàng nội địa còn yếu.
Môi trường kinh doanh thực chất không được cải thiện
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để kinh tế tư nhân trong nước phục hồi, thật sự cần cải cách hành chính, giảm thiểu các quy định rườm rà đang cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trước đó, Việt Nam đã từng thực thi cải cách về luật pháp, hành chính, và có nhiều nghị định mới được ban hành, song dường như mỗi lần cải cách, số văn bản, thủ tục lại không ngừng tăng lên.
Ngoài ra, sự cải cách mang tính chủ quan của những người có thẩm quyền, như các bộ, ban, ngành đều đề xuất những thay đổi theo hướng có lợi cho mình chứ chưa thực sự bám sát thực tiễn và đặt lợi ích của chủ thể kinh tế lên hàng đầu. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp phải liên tục giải trình, báo cáo, gây mất thời gian và lãng phí đáng kể nguồn lực của doanh nghiệp.
Cũng theo bà Lan, năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng trên thực tế sáu tháng vừa qua, không một cơ quan nào có kế hoạch giảm chi phí, thậm chí còn tăng thêm. Giá điện, nước, thuế, phí, lương tối thiểu rục rịch tăng theo lộ trình.
>> Chế độ BHXH từ 2018: Tăng tỷ lệ đóng, tăng số năm: Người lao động có thực sự được hưởng lợi?
Trong cuộc đối thoại doanh nghiệp với Thủ tướng tháng 5 vừa rồi, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 20 nhằm giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Nhưng từ đó tới nay, chưa có hoạt động nào giảm, mà còn tăng lên, đặc biệt là các đầu mục chi phí tuân thủ quy định, chính sách, pháp luật của doanh nghiệp.
Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nước ngoài nhưng tăng thu doanh nghiệp trong nước để đảm bảo ngân sách
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Để đạt chỉ tiêu thu thuế, các cơ quan thuế liên tục tiến hành thanh tra doanh nghiệp, ấn định lại thuế, truy thu thuế doanh nghiệp, trong đó Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện 16 cuộc; Cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 36.700 doanh nghiệp; Cơ quan Hải quan đã thực hiện gần 3.900 cuộc kiểm tra sau thông quan; các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Dự trữ Nhà nước, Chứng khoán Nhà nước, Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch.
Việc thực thi chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia cung cấp dịch vụ qua biên giới đang đẩy nhiều doanh nghiệp Việt, hàng Việt vào bờ vực phá sản. Từ cuối năm 2016, hàng loạt các doanh nghiệp vận tải taxi kêu cứu Chính phủ có những biện pháp khẩn cấp can thiệp vào thị trường vận tải taxi. Theo các công ty này, doanh nghiệp taxi phải chịu 13 điều kiện kinh doanh trong khi các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trên cùng thị trường không bị quản lý.
Việc áp dụng thuế khoán cho mô hình Grab, Uber cũng tạo điều kiện cho hai doanh nghiệp nước ngoài cùng các đối tác kinh doanh không nộp thuế đầy đủ. Cụ thể trong hai năm hoạt động, Uber nộp 40 tỷ tiền đồng thuế, còn Grab chỉ nộp con số trên dưới 10 tỷ đồng, chỉ bằng 1/30 số thuế phải nộp của một doanh nghiệp vận tải taxi cỡ trung.
Lợi ích về thuế đang giúp cho các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh khuyến mại, chiếm lĩnh thị trường, khiến nhiều doanh nghiệp vận tải taxi bên vực phá sản, giải thể. Đầu tháng 5/2017, hơn 10 ngàn lái xe taxi TP.HCM đã làm đơn xin được tuần hành phản đối sự phân biệt đối xử trong kinh doanh. Tuy vậy, tình hình vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết.
Ngoài ra, các địa phương không ngừng đưa ra các khoản thu đối với hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên địa bàn. Đầu năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu qua cảng Hải phòng đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu UBND Hải Phòng ngừng áp dụng Phí sử dụng cơ sở hạ tầng đối với các hàng hóa đi qua cảng Hải Phòng. Bởi lẽ doanh nghiệp xuất khẩu đã phải trả rất nhiều khoản phí trùng lặp, nhưng đề xuất này đã không được cân nhắc.
Lộ trình hội nhập WTO với nhiều mặt hàng có thuế nhập khẩu về 0%, đã tạo điều kiện cho hàng ngoại ồ ạt chiếm lĩnh thị trường nội địa
Năm 2017 đánh dấu là năm Việt Nam hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế, khi thời hạn mở cửa thị trường và hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ, nhiều hàng hóa nước ngoài đã ồ ạt chiếm lĩnh thị trường, tạo ra áp lực không hề nhỏ lên các doanh nghiệp trong nước.
Chỉ trong nửa đầu năm 2017, Việt Nam đã chi 655 triệu USD nhập khẩu rau quả, trong đó rau quả Thái lan chiếm đến 58%. Rau quả ngoại nhập tràn đầy các kênh bán lẻ từ siêu thị cao cấp đến các sạp hàng truyền thống. Không một lời cảnh báo, không hoạt động kiểm dịch, khiến rau quả nhập khẩu chiếm lĩnh bàn ăn Việt, đẩy hàng hóa của những người nông dân Việt khỏi khái niệm của các bà nội trợ Việt Nam. Thậm chí có những loại rau quả người Thái lấy giống ở Việt nam rồi về trồng trên đất Thái, và xuất ngược lại Việt Nam. Rất nhiều hoa quả Thái Lan, Trung Quốc đội lốt đặc sản Việt để tiêu thụ.
Trên cổng thông tin tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp của chính phủ, Hiệp hội doanh nghiệp cá Kiên Giang đang khẩn thiết yêu cầu chính phủ có biện pháp kịp thời can thiệp vào việc nhập khẩu bột cá. Bởi đây là mảng thị trường rộng lớn, gắn liền với sinh kế của nhiều ngư dân Việt Nam, và là nguồn thu nhập chính của họ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI đang làm chủ chuỗi cung ứng thức ăn – chăn nuôi – tiêu thụ đã chuyển hướng nhập khẩu bột cá do thuế suất của mặt hàng này vừa được áp dụng mức 0%. Thật kỳ lạ khi cùng một khu vực Thái Lan áp thuế 15% đối với bột cá, nhưng Việt Nam lại thả lỏng mức thuế 0%.
Nếu lần theo các bước xử lý kiến nghị doanh nghiệp trên cổng thông tin chính phủ, có thể dễ dàng nhận thấy rằng các kiến nghị của doanh nghiệp đang được xử lý vòng quanh, từ Văn phòng chính phủ sang Bộ quản lý, xuống Cục quản lý, qua nhiều lượt xem xét rà soát, rồi mới đến trả lời doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả trả lời hầu như chỉ là liệt kê lại các quy định pháp luật, mà chưa đưa ra được giải pháp nhằm giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp một cách rốt ráo, thực chất. Rất nhiều kiến nghị còn đang chờ giải quyết, chưa có hồi âm.
Nhiều doanh nghiệp đã nản chí bỏ cuộc. Nhiều doanh nghiệp không muốn dành thời gian kêu than vì biết kết quả chẳng đi đến đâu. Nhưng nhìn vào thị trường, nhìn vào số lượng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể có thể thấy niềm tin của doanh nghiệp Việt đang nằm ở đâu. Họ đang suy nghĩ gì trước một tương lai mà kết quả đã định trước.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Từ khóa Chính sách kinh tế phá sản Doanh nghiệp vỡ nợ Kinh tế Việt Nam doanh nghiệp