Kinh tế vĩ mô

CPI 9 tháng đầu năm tăng, chủ  yếu do giá giáo dục và y tế tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 9/2016 tăng 3,34% so với tháng 9/2015 và tăng 3,14% so với tháng 12/2015. CPI từ đầu năm đến nay tăng chủ yếu do tăng giá dịch vụ công (dịch vụ y tế đóng góp 1,74 điểm %, dịch vụ giáo dục đóng góp 0,7 điểm % tăng so với đầu năm, chiếm 72% trong tổng mức tăng 3,14% của CPI kể từ đầu năm). Lạm phát cơ bản vẫn duy trì dưới 2% cho thấy lạm phát từ đầu năm đến nay tăng không phải do cầu tăng, thực tế tổng cầu trong nước còn yếu.

(Nguồn Tổng cục thống kê)

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục cải thiện. Tính đến 15/9 chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 51% dự toán, tăng 13.76% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 giảm 8.51%). Kết quả này được cho là do tác động tích cực của Nghị quyết 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

(Nguồn Bộ Tài chính)

Vốn FDI đăng ký 9 tháng đầu năm bằng 95,8% cùng kỳ năm 2015. Trong 9 tháng đầu năm 2016, 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 16,43 tỷ USD, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt 91,165 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 71,1% kim ngạch xuất khẩu.

(Nguồn Bộ Kế hoạch Đầu tư).

Tin thị trường

Bộ Công thương thừa nhận một số sai sót trong quá trình điều tra chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu của Công ty Bahru Stainless Steel Sdn.Bhd (Malaysia). Theo đó, Bộ Công thương sẽ điều chỉnh mức thuế bản phá giá cho Công ty Bahru Stainless Steel từ 9,55% xuống 9,31%. Mức thuế chênh lệch sẽ được hoàn lại cho công ty xuất khẩu theo Pháp luật thuế chống phá giá và pháp luật thuế xuất nhập khẩu. Ngày 29 tháng 4 năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1656/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia. Theo đó mức thuế bán phá giá dao động từ 9.55% đến 37.29% tùy thuộc công ty và quốc gia xuất khẩu.

Nhiều hợp đồng xuất khẩu bị huỷ vì thuỷ sản nhiễm kim loại nặng. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đại diện cho 270 doanh nghiệp trong ngành kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thiệt hại sau thảm hoạ môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. VASEP cho biết Khách hàng quốc tế quan ngại nhiễm kim loại nặng vào nguyên liệu và sản phẩm. Vì vậy, nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền trung. Các doanh nghiệp đã bị thiệt hại rất lớn”.

Lượng khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc đến Việt Nam tăng vọt.

Qua 9 tháng đầu năm đã có 7.265.380 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khách đến bằng đường không đạt hơn 6,1 triệu lượt, tăng 29,7%; khách đến bằng đường biển là 111.231 lượt, giảm 13,7% và khách đến bằng đường bộ đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 10,8%.

So với 9 tháng của năm 2015, hầu hết các thị trường đều tăng. Trong đó khu vực Đông Bắc Á có sự tăng trưởng mạnh nhất như: Hồng Kông tăng 79%; Trung Quốc tăng 57,7%; Hàn Quốc tăng 39,9% và Đài Loan tăng 15,7%.

Tin ngân hàng

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục thấp kỷ lục. Hiện nay mức lãi suất qua đêm chỉ xoay quanh 0,45%-0,5%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 5,2%-5,5%/năm thời điểm đầu năm 2016 và là mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua. Nguyên nhân do nguồn cung tiền khá dư thừa: (1) tính đến hết tháng 8/2016 tăng trưởng huy động tiền gửi (11,4%) tăng nhanh hơn tăng trưởng tín dụng (10,2%); (2) Ước tính NHNN đã mua khoảng 10 tỷ USD tính từ đầu năm, tương đương hơn 220.000 tỷ VND, trong khi hút ròng qua OMO chỉ đạt 124.000 tỷ tính đến 20/9.

Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại rục rịch điều chỉnh giảm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn dưới 1 năm giảm đến 0.7%, các kỳ hạn dài từ 1 năm trở lên điều chỉnh giảm ít hơn trong khoảng 0.1-0.2%. Đây là động thái trái chiều ngược hẳn với đợt điều chỉnh tăng lãi suất đồng loạt của các NHTM đầu tháng 9 vừa qua.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu dừng cho vay tuần hoàn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới ban hành công văn số 6960/NHNN-TTGSNH về việc chấn chỉnh cho vay mới trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện thu hồi toàn bộ nợ gốc và lãi khi hết thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng với khách hàng, không được tái tục toàn bộ hoặc một phần khoản nợ gốc đã cho vay.

(Nguồn VNEconomy)

Gói 30.000 tỷ: NHNN không gia hạn giải ngân tái cấp vốn cho nhóm khách hàng doanh nghiệp. Trả lời một số kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TPHCM về Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016 về cho vay hỗ trợ nhà ở, NHNN khẳng định không gia hạn giải ngân tái cấp vốn cho nhóm khách hàng doanh nghiệp do: i) nhóm khách hàng doanh nghiệp đã được hưởng lợi nhuận định mức, các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai khi xây dựng nhà ở xã hội; ii) tiến độ giải ngân của nhóm khách hàng doanh nghiệp diễn ra chậm; iii) việc hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn mua nhà giá rẻ là mục tiêu quan trọng hơn.

(Nguồn: Thời báo ngân hàng)

Mặc dù liên tiếp bị cảnh báo nhưng cho vay BOT, BT, BTO vẫn tăng 12,43% so với cuối năm 2015. Theo số liệu NHNN, đến 30/6/2016, tính riêng các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng dự án BOT, BT giao thông là 159.204 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối 2015. Hiện, có 19 TCTD tham gia cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT, BTO gồm 4 NHTM Nhà nước, 11 NHTMCP, 3 chi nhánh NHNNg và 1 công ty tài chính.

(Nguồn: Vneconomy)

Tin chứng khoán

Khối ngoại dừng bán ròng, Sắc xanh trở lại với các chỉ số thị trường trong tuần qua. VN-Index kết thúc tuần tăng 3.5% đứng tại 674.09 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường trên hai sàn sụt giảm. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 110.3 triệu đơn vị/phiên giảm nhẹ 0.14% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 35 triệu cổ phiếu/phiên giảm 12.21%. Khối ngoại quay đầu mua ròng mạnh trở lại. Tuy vậy, động thái mua ròng của khối ngoại được thực hiện chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận. Nếu loại bỏ giao dịch này thì họ vẫn bán ròng nhẹ trong tuần qua . Dù chưa quay đầu mua ròng thực sự nhưng việc khối ngoại thu hẹp lực bán cũng đã hỗ trợ tích cực cho xu hướng hồi phục của thị trường.

(Nguồn Vietstock)

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng mức độ kiểm soát với công ty chứng khoán không đáp ứng tỷ lệ vốn khả dụng. Ngày 21/9/2016, UBCKNN đã công bố dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 226/2010/TT-BTC và Thông tư 165/2012/TT-BTC quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Dự thảo có các thay đổi chính: (i) Tăng mức độ kiểm soát với công ty chứng khoán không đáp ứng được yêu cầu tỷ lệ vốn khả dụng; (ii) Thay đổi bổ sung các nội dung tính tỷ lệ vốn khả dụng do yếu tố sản phẩm mới (do triển khai chứng khoán phái sinh).

(Nguồn UBCKNN)

Thị trường chứng khoán phái sinh và hợp đồng tương lai dự kiến vận hành vào quý 1/2017. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố dự thảo Quy chế thành viên trên thị trường chứng khoán phái sinh và Quy chế niêm yết và giao dịch hợp đồng tương lai. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sau khi lấy ý kiến, dự kiến sẽ hoàn thiện quy chế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo có thể vận hành thị trường chứng khoán phái sinh vào quý 1/2017.

(Nguồn: Đầu tư chứng khoán)

Bộ Tài chính đề xuất chế tài phạt doanh nghiệp chậm trả cổ tức.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp phải trả cổ tức đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp nợ cổ tức quá thời hạn nói trên, gia hạn trả cổ tức nhiều lần mà không thực hiện.

(Nguồn: Đầu tư chứng khoán)

SCIC cho biết sẽ bán 9% vốn cổ phần tại Vinamilk của Nhà nước trong năm 2016. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết dự kiến sẽ bán 9% vốn cổ phần của Vinamilk trong năm 2016 để giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ 44,7% xuống 35,7%. Về đối tượng tham gia, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, SCIC sẽ chào bán công khai, không giới hạn nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước, cá nhân hay tổ chức. Dự kiến tháng 11 sẽ tiến hành xác định giá khởi điểm có sự tư vấn của các tổ chức uy tín trong và ngoài nước.

(Nguồn:CafeF)

Thị trường bảo hiểm

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP). 8 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã trúng thầu 521 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20 năm và 10.198 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 30 năm.

(Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam)

Phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới trong 7 tháng đầu năm đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 2.318 tỷ đồng, tăng 4,6%, phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 1.622 tỷ đồng, tăng 10,8%.

(Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam)

Nguyên Hương

Xem thêm: