Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa công bố 10 biện pháp để giảm chi phí vay và giải phóng thanh khoản nhằm hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tác động của thuế quan Hoa Kỳ. Các biện pháp nới lỏng tiền tệ hướng tới kích thích tiêu dùng trong nước để bủ lại sự suy giảm của thị trường Hoa Kỳ, vốn đang chiếm 40% tăng trưởng của Trung Quốc.

GettyImages 2202956610
Ông Phan Công Thắng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tại cuộc họp báo ngày 6/5/2025. Ảnh Getty Images. 

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa công bố 10 biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của thuế quan Hoa Kỳ, trong đó có hạ lãi suất cơ bản và giảm dự trữ tiền mặt bắt buộc cho các tổ chức cho vay.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày thứ Tư, ông Phan Công Thắng, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết PBOC sẽ cắt giảm lãi suất mua lại đảo ngược bảy ngày từ 1,5% xuống còn 1,4%. Biện pháp này sẽ kéo lãi suất cơ bản (LPR) giảm khoảng 0,1 điểm phần trăm.

Ngân hàng trung ương cũng sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nửa điểm phần trăm. Việc cắt giảm dự trữ bắt buộc hứa hẹn giải phóng khoảng 1000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 139 tỷ USD) thanh khoản dài hạn.

Thông báo của Thống đốc Phan được đưa ra vài giờ sau khi Trung Quốc tiết lộ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán thương mại đầu tiên vào cuối tuần này với các quan chức Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế 145% đối với hầu hết hàng hóa Trung Quốc. Tại cuộc họp báo còn có Chủ tịch Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Ngô Thanh và Giám đốc Cục quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc (NFRA) Lý Vân Trạch .

Ông Ngô thừa nhận: “Việc Hoa Kỳ sử dụng thuế làm gián đoạn nghiêm trọng trật tự kinh tế và thương mại toàn cầu. Hoạt động sản xuất và vận hành của các công ty niêm yết chắc chắn bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp“.

PBOC tung ra 10 biện pháp giảm chi phí vay và tăng cường thanh khoản

10 biện pháp được PBOC đưa ra nhằm giảm chi phí vay, bao gồm cả việc giảm lãi suất đối với các công cụ cho vay lại và các khoản vay của ngân hàng chính sách.

  • Cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức cho vay nửa điểm phần trăm;
  • Giảm lãi suất đảo ngược bảy ngày từ 1,5% xuống 1,4%;
  • Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với công ty tài chính ô tô và công ty cho thuê tài chính sẽ cắt giảm từ 5% xuống 0%;
  • Lãi suất cho các công cụ cho vay cơ cấu danh chó các tổ chức cho vay thương mại và cho vay bổ sung thế chấp dành cho các ngân hàng chính sách sẽ giảm 0,25 điểm phần trăm;
  • Lãi suất cho vay quỹ dự phòng nhà ở sẽ giảm 0,25 điểm phần trăm;
  • Hạn ngạch cho vay tái cấp vốn công nghệ sẽ tăng thêm 300 tỷ nhân dân tệ lên 800 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ nâng cấp thiết bi – một chương trình đổi hàng tiêu dùng;
  • Thiết lập gói cho vay lại 500 tỷ nhân dân tệ cho tiêu dùng dịch vụ và chăm sóc người cao tuổi;
  • Bổ sung 300 tỷ nhân dân tệ cho gói trợ cấp cho vay lại đối với nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ;
  • Kết hợp hai công cụ hỗ trợ thị trường chứng khoán với tổng hạn ngạch 800 tỷ nhân dân tệ;
  • Thiết lập công cụ chia sẻ rủi ro nợ cho phép PBOC cung cấp các quỹ cho vay với chi phí thấp để khuyến khích mua trái phiếu của các công ty công nghệ.

PBOC cho biết việc cắt giảm lãi suất cho vay đảo ngược trong bảy ngày sẽ hiệu lực vào thứ năm, và việc giảm dự trữ bắt buộc sẽ có hiệu lực một tuần sau đó.

Cũng trong buổi họp báo, ông Lý, Giám đốc Cục quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc cam kết sẽ sớm đưa ra một loạt chính sách tài chính để ổn định thị trường bất động sản, nới lỏng các quy định về đầu tư của các công ty bảo hiểm vào cổ phiếu để hỗ trợ ổn định và phục hồi thị trường vốn. Ngoài ra, cũng sẽ có kế hoạch triển khai gói biện pháp tăng cường tài trợ các công ty tư nhân nhỏ, các công ty công nghệ.

Mất động lực tăng trưởng nhờ Hoa Kỳ, Trung Quốc xoay trục hướng chính sách kích thích tiêu dùng trong nước

Phản ứng với thông báo của PBOC và tin tức về việc đàm phán thuế quan Hoa Kỳ – Trung Quốc sắp diễn ra, đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã giảm 0,1%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng một điểm cơ bản. Cổ phiếu cũng thu hẹp mức tăng ban đầu.

Thị trường đang chuyển hướng để quan sát các diễn biến tiếp theo của cuộc đàm phán“, Jason Chan, một chiến lược gia đầu tư cao cấp tại Ngân hàng Đông Á cho biết. “Các nhà đầu tư có thể thận trọng hơn khi cả hai bên có thể không đạt được thỏa thuận trong thời gian tới và đó là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần triển khai nhiều biện pháp nới lỏng như vậy trước cuộc họp”.

Đây không chỉ là nới lỏng mà là Bắc Kinh đang đặt nền tảng cho khả năng phục hồi, cải cách và trả đũa nếu cần“, Charu Chanana, chiến lược gia đầu tư tài chính của Saxo Markets tại Singapore cho biết. “Không chỉ thúc đẩy thanh khoản và tín dụng, sự tập trung vào công nghệ, tiêu dùng và chăm sóc người cao tuổi cho thấy một động lực lớn hơn để hỗ trợ cấu trúc lại nền kinh tế”.

Lần đầu tiên Ngân hàng trung ương Trung Quốc giảm lãi suất chính sách và tỷ lệ dự trữ bắt buộc là vào tháng 9 năm ngoái khi ông Phan công bố một loạt chính sách nhằm chặn đứng đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ là dấu hiệu mới nhất cho thấy ý chí của Bắc Kinh thúc đẩy tiêu dùng.

Trung Quốc cam kết chuyển sang nhu cầu trong nước để tăng trưởng, vì thuế quan của Chính quyền Trump đe dọa làm tê liệt thương mại với Hoa Kỳ. Xuất khẩu có thể giảm trong năm nay, sau khi đóng góp vào 40% tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent và Đại diện thương mại Jamieson Greer sẽ đến Thụy Sĩ vào cuối tuần này để đàm phán thương mại với đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng He Lifeng dẫn đầu. Kế hoạch đã được chính phủ hai bên công bố thứ Ba.

Các bước đi của PBOC đánh dấu sự thay đổi hướng đi sau vài tháng gần đây tập trung vào bảo vệ đồng nhân dân tệ và hạn chế đầu cơ thay vì nới lỏng tiền tệ.

Nếu không có biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn, tăng trưởng của Trung Quốc có thể chậm lại từ quý 2, khiến mục tiêu tăng trưởng 5% của nước này gặp rủi ro.