Ông Trump tăng áp lực đàm phán thuế, nhưng có thể gia hạn thời gian
- Phạm Duy
- •
Chính quyền Trump đang gia tăng áp lực lên các đối tác thương mại nhằm nhanh chóng đạt được các thỏa thuận mới trước hạn chót vào thứ Tư (9/7), với kế hoạch bắt đầu gửi thư vào trưa thứ Hai (7/7) cảnh báo các quốc gia rằng mức thuế cao hơn có thể được áp dụng từ ngày 1 tháng 8.
Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp: những quốc gia nào sẽ nhận được thông báo, liệu có điều gì thay đổi trong vài ngày tới hay không, và liệu Tổng thống Trump có tiếp tục hoãn áp dụng các mức thuế hay không. Ông Trump và các cố vấn thương mại hàng đầu của mình nói rằng ông có thể gia hạn thời gian đàm phán, nhưng khẳng định chính quyền đang áp dụng áp lực tối đa lên các quốc gia khác.
Ông Kevin Hassett, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, nói trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS hôm Chủ Nhật (6/7) rằng ông Trump sẽ quyết định khi nào nên từ bỏ đàm phán.
“Mỹ luôn sẵn sàng nói chuyện với tất cả mọi người về mọi vấn đề. Có những hạn chót, và có những vấn đề đang gần được giải quyết, vì vậy có thể một số việc sẽ được đẩy lùi quá hạn chót, hoặc có thể không. Cuối cùng, tổng thống sẽ đưa ra quyết định đó“, ông Hassett tuyên bố.
Ông Stephen Miran, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, cũng nói rằng các quốc gia đàm phán thiện chí và đưa ra nhượng bộ, có thể “phần nào được gia hạn thời hạn“.
Các mức thuế cao hơn được ông Trump công bố hôm 2 tháng 4. Một tuần sau đó, chính quyền Trump đã tạm hoãn trong 90 ngày phần lớn các mức thuế nhập khẩu cao ngay trước khi chúng có hiệu lực. Thời gian đàm phán đến ngày 9 tháng 7 chỉ mới dẫn đến thỏa thuận với Vương Quốc Anh và Việt Nam.
Ông Trump đã áp mức thuế cao đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, cùng với mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu để phản ứng với cái mà ông gọi là tình trạng khẩn cấp kinh tế. Ngoài ra còn có mức thuế riêng biệt 50% đối với thép và nhôm, và 25% đối với ô tô.
Ông Trump nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (4/7) rằng chính quyền của ông có thể sẽ gửi thư sớm nhất vào thứ Bảy (5/7) tới các quốc gia, để nêu rõ mức thuế nếu không đạt được thỏa thuận, nhưng Mỹ sẽ không bắt đầu thu các khoản thuế này cho đến ngày 1 tháng 8. Hôm Chủ Nhật (6/7), ông Trump cho biết sẽ bắt đầu gửi thư vào thứ Hai (7/7)– “có thể là 12 giờ trưa, có thể là 15 giờ chiều” – đến các chính phủ nước ngoài, phản ánh mức thuế dự kiến áp dụng cho từng nước.
“Chúng tôi cũng đã đạt được một số thỏa thuận”, ông Trump nói với các phóng viên trước khi rời khỏi nhà riêng ở New Jersey để quay về Nhà Trắng. “Vì vậy, chúng tôi sẽ có một số thư, và một số thỏa thuận đã được ký kết”.
Ông Trump và các cố vấn của mình từ chối tiết lộ những quốc gia nào sẽ nhận được thư.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent bác bỏ ý kiến cho rằng ngày 1 tháng 8 là hạn chót mới, và từ chối nói điều gì sẽ xảy ra vào thứ Tư (9/7).
“Chúng ta sẽ xem”, ông Bessent nói trong chương trình “State of the Union” của CNN. “Tôi sẽ không tiết lộ bí quyết đâu”.
Ông Bessent nói rằng Mỹ “đang tiến gần đến một số thỏa thuận”, và dự đoán sẽ có một vài thông báo lớn trong những ngày tới. Tuy nhiên, ông không đưa ra chi tiết.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy rất nhiều thỏa thuận được ký kết rất nhanh chóng”, ông Bessent chia sẻ.
Ông Trump đã công bố một thỏa thuận với Việt Nam, cho phép hàng hóa Mỹ vào nước này mà không phải chịu thuế, trong khi hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 20%.
Đây là mức giảm so với mức thuế 46% mà ông Trụmp đề xuất vào tháng 4 đối với hàng hóa Việt Nam – một trong những loại thuế đối ứng nhằm vào hàng chục quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại.
Khi được hỏi liệu ông có kỳ vọng đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) hoặc Ấn Độ hay không, ông Trump nói hôm thứ Sáu (4/7) rằng “thư từ thì tốt hơn cho chúng tôi” vì có quá nhiều quốc gia tham gia.
“Chúng tôi sắp có Ấn Độ và với Việt Nam, thì chúng ta đã xong rồi, nhưng việc gửi một bức thư thì dễ dàng hơn nhiều, thư sẽ nói rằng: ‘Nghe này, chúng tôi biết chúng tôi đang bị thâm hụt, hoặc trong một số trường hợp là thặng dư, nhưng không nhiều. Và đây là mức quý vị sẽ phải trả nếu muốn kinh doanh tại Hoa Kỳ’”, ông Trump nói.
Tuy nhiên, Canada sẽ không nằm trong số các quốc gia nhận được thư, đại sứ của ông Trump tại Canada, ông Pete Hoekstra, cho biết hôm thứ Sáu (4/7) sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước vừa được nối lại.
“Canada là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi”, ông Hoekstra nói với mạng truyền hình CTV News trong một cuộc phỏng vấn tại Ottawa. “Chúng tôi sẽ có một thỏa thuận được nêu rõ ràng”.
Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố ông muốn có một thỏa thuận mới được ký trước ngày 21 tháng 7, nếu không Canada sẽ tăng cường các biện pháp đối phó thương mại.
Ông Hoekstra không cam kết thời hạn cho một thỏa thuận thương mại và cho biết ngay cả khi có thỏa thuận, Canada vẫn có thể phải chịu một số mức thuế. Nhưng ông nói: “Chúng tôi sẽ không chỉ gửi cho Canada một bức thư.”
Từ khóa Donald Trump Cuộc chiến thuế quan Thuế quan đối ứng
