Kết thúc năm 2016, dù doanh thu giảm nhưng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (PLX) lại đánh dấu một năm kinh doanh có lãi nhất trong lịch sử. Đáng nói là kết quả này có được trong bối cảnh ngành năng lượng, đặc biệt là khai thác dầu khí của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang hết sức khốn đốn và đã lây nhiễm rủi ro sang hệ thống tài chính.

petrolimex 3
(Ảnh: Khánh Minh)

Petrolimex lãi lớn dù các doanh nghiệp khác trực thuộc PVN đều rất khó khăn

Xu thế giá dầu duy trì mức thấp suốt thời gian dài khiến cho các doanh nghiệp khai thác, dịch vụ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2016 của PVN chỉ đạt 18.000 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước. Các tổng công ty thành viên chủ chốt cũng ghi nhận lợi nhuận giảm rất sâu như PVD giảm 90%, PTSC giảm 43%, PV GAS giảm 18%, PV DMC giảm 117% khi báo lỗ 34 tỷ đồng.

Đây cũng là tình trạng chung của các hãng năng lượng trên toàn cầu. Khó khăn của các hãng năng lượng trên thế giới thậm chí đã lây nhiễm sang hệ thống tài chính; các ngân hàng lớn của Mỹ, EU đều đang gánh nợ xấu ngày một lớn, được cho là khó thu hồi, từ các hãng này.

>> Giá dầu giảm dù sản lượng khai thác giảm, ngành ngân hàng gánh thêm nhiều nợ xấu

Nhưng nằm ngoài xu thế chung của ngành, Petrolimex – Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vẫn có thể ngược dòng và tìm được mức lợi nhuận khủng dù doanh thu của Tập đoàn này giảm mạnh;  doanh thu năm 2016 của tập đoàn này giảm 16% (tương ứng giảm 23.800 tỷ so với năm 2015) xuống còn 123.100 tỷ đồng.

petrolimex-1

Về mặt cấu trúc số liệu, lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đến từ hai yếu tố chính là: giá vốn hàng bán giảm tốc độ cao hơn doanh thu (tức là giá bán) khiến lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 8,7% lên đến 11,5% (so với cùng kỳ năm trước tại thời điểm 31/12/2016), trong khi doanh thu tài chính của tập đoàn này tốt hơn, đạt 274 tỷ đồng trong quý IV và 935 tỷ đồng trong cả năm 2016, tăng lần lượt 3,4% và 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2016, Petrolimex đạt 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2.000 tỷ đồng (49%) so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 5.166 tỷ đồng, tăng 50% so với 2015. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 4.665 tỷ đồng, tương ứng với EPS đạt 4.050 đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của tập đoàn này.

Điều gì làm nên kết quả kinh doanh ngoạn mục của Petrolimex?

Có hai yếu tố chính góp phần tạo ra lãi “khủng” cho Petrolimex là:

(i) tỷ lệ lợi nhuận gộp/doanh thu tăng mạnh, điều này có nghĩa tốc độ giảm giá bán thấp hơn nhiều so với tốc độ giảm chi phí giá vốn hàng bán mua vào;

(ii) chi phí tài chính giảm đáng kể do rủi ro tỷ giá thấp hơn năm 2015. Chi phí tài chính giảm 66% cả năm, chỉ ở mức 875 tỷ so với mức hơn 2.577 tỷ của năm 2015. Năm 2015 công ty hạch toán khoản lỗ tỷ giá lên tới hơn 1.075 tỷ đồng trong khi năm nay con số này chỉ ở mức 276 tỷ.

Nhìn lại chính sách điều hành, quản lý giá xăng dầu trên thị trường

Câu chuyện về quản lý giá xăng dầu vẫn luôn là đề tài “nóng” trong nhiều năm qua bởi quá nhiều bất cập do tính phi thị trường và các yếu tố độc quyền vẫn xen lẫn và hiện hữu.

Trước 2008, Nhà nước độc quyền kinh doanh xăng dầu, nhưng nhiều khi ngân sách Nhà nước phải trích bù hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí có thời điểm, ngân sách Nhà nước phải gánh con số lỗ lên tới trên 20.000 tỷ đồng. Là một Tập đoàn Nhà nước, kinh doanh lãi, lỗ của Petrolimex không phải là vấn đề lớn khi được bao bọc bởi ngân sách.

Giai đoạn 2018 – 2014, Petrolimex có lợi thế “độc quyền” xác định giá xăng dầu. Giai đoạn này điều hành xăng dầu được định hướng vận hành theo cơ chế thị trường, được quyết định bởi các doanh nghiệp phân phối xăng dầu.

Tuy nhiên, việc trao quyền quá lớn cho doanh nghiệp quyết định giá cả thị trường trong bối cảnh thị trường có mức rủi ro tập trung cao, tức là tồn tại doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (Petrolimex lúc này chiếm tới 60% thị phần) đã tạo ra cơ chế độc quyền về giá, tạo ra “vùng trũng” lợi ích quá lớn do “độc quyền” mang lại.

Thực tế, cơ chế này đi ngược lại với Luật Cạnh tranh và tạo ra một thị trường méo mó về cung – cầu, giá cả. Quyền được điều chỉnh giá xăng hay định hướng kinh doanh lại gần như rơi vào tay Petrolimex nhờ hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới phân phối rộng khắp, vốn đầu tư ưu thế hơn. Điều này không khác nhiều so với thời kỳ độc quyền xăng nhà nước, và người tiêu dùng cũng không có thêm lựa chọn nào về sản phẩm, chất lượng hay giá cả.

Giai đoạn này, mặc dù điều hành giá xăng dầu thông qua sự giám sát của Bộ Tài chính nhưng cơ chế “độc quyền giá” đã khiến giá xăng dầu trong nước đi ngược lại với giá xăng dầu thế giới, tình trạng “tăng giá nhanh hơn giá thế giới nhưng giảm giá chậm và ít hơn nhiều với mức giảm của thế giới” duy trì trong thời gian dài, người tiêu dùng chịu tổn thất lớn nhất.

Giai đoạn 2014 đến nay, Bộ Công thương giám sát giá, nhưng lại đồng thời quản lý xuất, nhập khẩu xăng dầu và quản lý Petrolimex – Nguyên tắc “độc lập” trong giám sát và quản lý bị vi phạm.  

Ngày 1/11/2014, để giảm bớt tình trạng “độc quyền” về giá xăng dầu và bình ổn giá xăng dầu trên thị trường, Chính phủ đã có Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP.

Theo đó, giá bán xăng dầu được định hướng theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn. Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về: Giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành; thời điểm sử dụng, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý; các biện pháp điều hành khác. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu; giám sát việc trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của thương nhân đầu mối.

Thực tế, các tồn tại, bất cập về giá xăng dầu mặc dù được liên Bộ giám sát nhưng không thể giải quyết rốt ráo. Bởi lẽ về bản chất giá xăng dầu vẫn không được điều hành, kiểm soát dựa trên quan hệ cung – cầu, quy luật của thị trường, trên cơ sở các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh với nhau. Nếu làm được điều đó, bộ quản lý (dù là bộ nào) chỉ cần chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo một khuôn khổ pháp lý minh bạch.

Cơ chế hiện nay thực tế chỉ khác với cơ chế giai đoạn 2008-2014 ở điểm “quy” về một đầu mối quản lý (là Bộ Công thương) nhưng lại vi phạm nguyên tắc “độc lập” tối cơ bản trong công tác quản lý và giám sát.

Bộ Công thương vừa chịu trách nhiệm về xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, vừa quản lý Petrolimex và quản lý giá cả trên thị trường. Khi vừa là Bộ chủ quản, đại diện vốn, vừa làm chính sách và giám sát giá (vốn nên được quyết định bởi cung – cầu thị trường) thì khả năng minh bạch thông tin, minh bạch chính sách khó có thể duy trì lâu dài. Bởi vậy, các vấn đề bất cập của giá xăng dầu khó có thể xử lý rốt ráo.

Minh Ngọc – Phương Nga (T/H)

Xem thêm: