TASS: Nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga trong tháng 12/2024 tăng vọt
- Gia Huy
- •
Hôm thứ Hai (17/2), trích dẫn dữ liệu của Eurostat, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, lượng khí đốt mà các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) mua của Nga đã tăng lên gần 2 tỷ euro trong tháng cuối cùng của năm ngoái, mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. Sự gia tăng này xảy ra trước khi Kiev đình chỉ việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đến EU.
Kiev đã từ chối gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt kéo dài 5 năm với tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga vào cuối năm 2024. Động thái này đã cắt đứt nguồn cung khí đốt từ Nga qua Ukraine đến các quốc gia EU bao gồm Romania, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Áo, Ý và Moldova.
Hồi tháng Mười Hai năm ngoái, các quốc gia EU được cho là đã chi 927,4 triệu euro để mua khí đốt qua đường ống của Nga. Cùng lúc đó, khối này cũng nhập một lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga lên đến 927 triệu euro. Cả hai con số này đều ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2023.
Hãng thông tấn TASS lưu ý, lượng nhập khẩu LNG của EU từ Nga trong tháng 12/2024 đã tăng 52% so với tháng trước đó và tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Pháp và Bỉ được cho là đã nhập khẩu lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga với trị giá lần lượt là 402,9 triệu euro và 137,9 triệu euro. Hai quốc gia này đã nổi lên là những đối tác mua nhiên liệu siêu lạnh lớn nhất của Nga. Trong khi đó, Hà Lan đã nhập khẩu lượng LNG từ Nga trị giá 98,5 triệu euro trong tháng 12/2024, giảm 15,4% so với tháng trước đó.
TASS đưa tin, vào năm 2024, EU đã chi 7,6 tỷ euro để mua khí đốt qua đường ống của Nga, giảm một chút so với mức 7,9 tỷ euro được ghi nhận vào năm 2023. Đồng thời hãng tin này còn cho biết, EU đã mua lượng LNG từ Nga trị giá lên đến 7,2 tỷ euro vào năm 2024, giảm gần 1 tỷ euro so với mức 8,1 tỷ euro vào năm 2023.
Pháp (3,1 tỷ euro), Tây Ban Nha (2 tỷ euro) và Bỉ (1,1 tỷ euro) là những quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất từ Nga trong số các quốc gia EU. Hà Lan được cho là đã mua lượng LNG từ Nga trị giá 749 triệu euro.
Các quốc gia EU vẫn tiếp tục mua cả khí đốt qua đường ống và LNG từ Nga, mặc dù đã cam kết sẽ loại bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Moskva. Mặc dù việc EU nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga đã giảm đáng kể do cuộc chiến Nga-Ukraine và vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào tháng 9/2022, nhưng các thành viên EU vẫn tiếp tục mua nhiên liệu từ Nga.
LNG của Nga chỉ bị nhắm đến một phần trong các lệnh trừng phạt của EU lên Moskva. Hồi tháng Sáu năm ngoái, Brussels đã cấm các hoạt động bốc hàng lại, chuyển hàng từ tàu sang tàu, chuyển từ tàu sang bờ với mục đích tái xuất cho quốc gia thứ ba thông qua khối này. Các biện pháp hạn chế này có thời gian chuyển tiếp là 9 tháng.
Các chuyến hàng khí đốt tự nhiên qua đường ống còn lại từ Nga hiện đang đến EU thông qua đường ống TurkStream, chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen và sau đó đến biên giới với Hy Lạp, một thành viên EU. Một trong những tuyến đường của TurkStream cung cấp khí đốt cho thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi tuyến đường còn lại cung cấp khí đốt cho các khách hàng ở miền nam và miền trung châu Âu.
Gia Huy, theo RT
Từ khóa khí LNG Liên minh Châu Âu EU khí đốt Nga
