Thái Lan cùng hàng loạt nước châu Á tăng cường chống hàng giá rẻ Trung Quốc
- Ngô Hương Liên
- •
Nhiều nước châu Á đang hứng chịu hàng hóa giá rẻ chất lượng thấp của Trung Quốc tràn ngập thị trường, làm dấy lên lo ngại ảnh hưởng xấu đối với sản xuất của các doanh nghiệp bản địa, buộc các nước phải tìm cách chống lại tác động – và một trong số đó có thể kể như Thái Lan.
Theo Sở Công trình Công nghiệp (Department of Industrial Works) của Thái Lan, các ngành công nghiệp chính của nền kinh tế Thái Lan là sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ đều hứng chịu tình trạng suy thoái, năm 2023 có 2000 nhà máy đóng cửa và hàng ngàn việc làm bị mất.
Các chủ doanh nghiệp Thái Lan từ lâu đã tức giận vì hàng hóa giá rẻ chất lượng thấp của Trung Quốc làm giảm giá sản phẩm của họ.
Việc năm nay các doanh nghiệp sản xuất Thái Lan bị đình trệ đã khiến kinh tế của nước này đi xuống theo. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm nay chỉ từ 2,3% – 2,8%, thấp hơn so với các khu vực lân cận. Mặc dù Ngân hàng Thái Lan dự báo tăng trưởng 3% vào năm 2025, nhưng các chủ doanh nghiệp Thái vẫn lo lắng.
Ngày 9/12 người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Sasikarn Wattanachan cho biết đã áp đặt kiểm tra chặt chẽ hơn đối với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ, tập trung vào nông sản, hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp, theo đó hàng hóa nhập khẩu kém chất lượng của Thái Lan kể từ tháng 7 đến nay đã giảm 20%. Theo tờ Bangkok Post, Thái Lan áp thuế giá trị gia tăng 7% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá dưới 1500 baht hoặc 43,77 USD.
Tình hình tương tự tại nhiều nước
Trong khi đó ngày càng nhiều nước châu Á đang tìm cách bảo vệ ngành sản xuất và thương mại của họ.
Hãng tin Reuters ngày 17/12 đưa tin, Ấn Độ có thể áp thuế tạm thời 25% đối với thép nhập khẩu để ngăn chặn thép giá rẻ từ Trung Quốc, qua đó giúp tăng năng lực sản xuất của ngành tại Ấn Độ.
Tại Indonesia, để chống hàng nhập khẩu của Trung Quốc giúp bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của họ, nhà chức trách Jakarta đã đề xuất mức thuế 200% đối với một số mặt hàng quần áo và gốm sứ nhập khẩu.
Tại Việt Nam, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội với kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2023 đạt hơn 171 tỷ USD. Mặc dù Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng đã có động thái chống lại hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Vào cuối tháng 11 Hà Nội đã cấm các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc Shein và Temu vì họ không hoàn thành đăng ký kinh doanh trong thời hạn do Chính phủ Việt Nam quy định.
“Hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc từ các nền tảng như Shein và Temu đang tràn ngập thị trường Việt Nam, gây vấn đề lớn đối với các nhà sản xuất Việt Nam và khiến nhiều người tức giận về cạnh tranh không lành mạnh”, ông Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Quốc tế Việt Nam (ISEAS) cho biết.
Ông nói thêm: “Để ứng phó, cơ quan chức năng Việt Nam phải hủy chính sách miễn thuế VAT, tăng cường quy định và cấm các nền tảng không đăng ký tại Việt Nam. Đây là động thái táo bạo để kiềm chế những ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử Trung Quốc và bảo vệ các doanh nghiệp địa phương Việt Nam, nhưng cuộc chiến này sẽ vẫn tiếp tục kéo dài”.
Từ khóa Thái Lan Hàng hóa Trung Quốc Made in China Dòng sự kiện Hàng giá rẻ