Tại thời điểm 15h ngày 8/10, chênh lệch giá mua bán của vàng SJC đã cao hơn vàng nhẫn 1 triệu đồng/lượng. Các cửa hàng vàng cũng không mặn mà với việc nhập vàng SJC, nhiều người còn lo ngại vàng SJC cũng giống như vàng nhẫn, mua đâu bán đó.

vang sjc
Chênh lệch giá mua bán của vàng SJC gấp 2 lần vàng nhẫn thường (Ảnh: baochinhphu.vn)

Chênh lệch giá mua bán Vàng SJC đang cao hơn Vàng nhẫn 1 triệu đồng

Tại thời điểm 15h00 ngày 8/10, giá vàng nhẫn, vàng miếng thương hiệu Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại hệ thống cửa hàng này ở mức 82,68-83,58 triệu đồng/lượng (mua – bán). Tương tự cùng thời điểm, vàng Phú Quý cũng cập nhật giá mua – bán vàng nhẫn ở mức 82,7-83,6 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch giá mua bán là 900 ngàn đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC được 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty Vàng bạc đã quý SJC niêm yết ở mức 83-85 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch là 2 triệu đồng/lượng giữa hai chiều mua và bán.

Như vậy, người ôm vàng SJC đang phải chịu chi phí thanh khoản cao hơn vàng nhẫn 1,1 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, chênh lệch giá mua giá bán cao cũng phản ánh mức độ e dè của đơn vị kinh doanh khi nhập vào mặt hàng này.

Nhiều cửa hàng vàng từ chối mua lại vàng SJC

Khảo sát của Tờ Thanh niên cho biết tại thị trường vàng Đà Nẵng xuất hiện hiện tượng các cửa hàng vàng từ chối mua lại vàng SJC. Sự việc bắt đầu từ việc hai cửa hàng vàng SJC tại Đà Nẵng đóng cửa hồi cuối tháng 9. Khách hàng của các cửa hàng này buộc phải chạy đi các nơi để bán vàng và phát hiện ra sự phân biệt đối xử với vàng SJC.

Phản ánh với Tờ Thanh Niên, bà B.S (TP.Đà Nẵng) cho biết cả tuần qua bà đi bán vàng nhẫn trước mua ở Công ty SJC miền Trung nhưng cửa hàng tạm ngưng hoạt động. Bà mang 5 chỉ vàng nhẫn PNJ qua công ty PNJ thì bán được nhưng công ty này lại không mua vào vàng nhẫn của SJC. Qua cửa hàng Doji cũng gặp cảnh tương tự, Doji cũng không mua vàng nhẫn của SJC. Mang 11 chỉ vàng nhẫn SJC ra tiệm vàng bên ngoài bán thì họ cho biết chỉ thu lại 1 – 2 chỉ với giá thấp hơn trong Công ty SJC, chứ không thu hết số lượng trên.

Ông T.C (chủ tiệm vàng tại TP.HCM) giải thích với Tờ Thanh niên, “các tiệm vàng không có giấy phép mua bán của Ngân hàng Nhà nước nên không dám mua lại vàng miếng SJC từ người dân. Bởi theo quy định của nhà nước từ hơn 10 năm nay, các đơn vị được cấp phép mới được mua bán vàng miếng SJC. Những năm trước, việc mua bán lén lút vẫn diễn ra.”

“Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng quản lý chặt về vấn đề này nên các tiệm vàng “rén”, không dám mua vào nên cũng chẳng có mà bán ra. Do đó, những khách hàng mua vàng miếng tại các tiệm vàng cách đây nhiều năm, nay mang ra bán thì bị từ chối là điều dễ hiểu”, ông T.C cho biết.

Ông T.C quan ngại rằng tình trạng mua bán vàng miếng SJC có thể giống như vàng nữ trang, mua đâu bán đó.

Mất cân đối chợ Vàng – 5 người bán ra chỉ 1 người mua lại

Gốc rễ của việc khó mua khó bán vàng SJC manh nha từ thời điểm tháng 6 khi Ngân hàng Nhà nước thiết lập hệ thống phân phối vàng SJC đến trực tiếp người dân. Cụ thể, 4 NHTM quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và Công ty SJC được giao nhiệm vụ phân phối vàng. Nhà nước công bố giá bán tối thiểu và các đơn vị trên không được bán cao hơn giá công bố 1 triệu đồng. Trong 5 đơn vị trên, chỉ có duy nhất Công ty SJC thực hiện mua lại vàng miếng SJC từ cá nhân, tổ chức, còn 4 ngân hàng thương mại chỉ bán ra không mua vào.

Từ lúc này thị trường phân hai cực: Người dân muốn mua vàng SJC sẽ đến 5 đơn vị NHNN chỉ định, còn mua vàng nhẫn sẽ tới hệ thống các cửa hàng. Hệ thống các cửa hàng vàng từ đó cũng không mặn mà với kinh doanh vàng SJC nữa, mà tập trung vào đẩy mạnh vàng nhẫn, vàng nguyên liệu thương hiệu của mình.

Về kênh phân phối vàng SJC, bốn ngân hàng thương mại cũng không hứng thú với mảng kinh doanh vàng SJC nên chỉ thực hiện việc bán vàng cho người dân theo chỉ định của NHNN chứ không mua vào.

Chỉ có Công ty SJC là đơn vị duy nhất phải thực hiện việc thu mua lại vàng SJC từ người dân, nhưng đơn vị này cũng không mặn mà. Ngoài động thái đóng cửa một số cửa hàng tại Đà Nẵng khiến nhiều người dân không bán lại được vàng, Công ty SJC còn có những thời điểm cũng không muốn nhập lại vàng SJC đã bán ra.

Có thể nói, trong một thời gian ngắn, bằng việc sắp xếp lại kênh phân phối vàng, NHNN đã thực hiện được mục tiêu “hạ nhiệt” thị trường, khiến người dân không còn đổ xô tích trữ vàng nữa. Thương hiệu SJC đang nhạt dần cả về tên tuổi và giá trị. Còn lại là hệ thống các cửa hàng vàng trang sức, vàng nguyên liệu hoạt động nương theo điều tiết ngầm gắn với biến động của giá vàng thế giới.

Nguyên Hương (t/h)