Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến ‘Vành đai và con đường’ của TQ
- Minh Sơn
- •
Nếu như sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc đã gieo rắc nỗi ám ảnh tại nhiều quốc gia mới nổi khi họ nhận ra cái giá phải trả cho các khoản tín dụng ưu đãi từ Trung Quốc là mất đất đai, cảng biển rơi vào tay nước ngoài… thì đâu đó vẫn còn một số quốc gia sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi đảm bảo cho kế hoạch của Trung Quốc thành công, ít nhất là tại Việt Nam.
Theo nguồn tin từ đặc phái viên TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc gặp với lãnh đạo tối cao của Chính quyền Bắc Kinh ông Tập Cận Bình nhân chuyến tham dự hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc CIIE 2018 hôm 4/11.
Tại đây, Thủ tướng đánh giá cao các sáng kiến của Trung Quốc đang “đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới”, nguồn tin cho biết.
Đồng thời, ông hoan nghênh sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi và hỗ trợ các nước đang phát triển trong xây dựng kết cấu hạ tầng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng ủng hộ việc kết nối sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt – Trung” tại Việt Nam. (1)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam ủng hộ cơ chế hợp tác Lan Thương – Mekong (2) gắn với khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). (3)
- Các con đập Trung Quốc làm gia tăng nợ nước ngoài của Lào
- Xu thế chống lại “Vành đai và Con đường”: Từ Nam Á sang Đông Nam Á
Bên cạnh đánh giá cao các sáng kiến và cơ chế hợp tác vùng của Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh luôn coi trọng phát triển quan hệ bền vững với Trung Quốc và xem đó là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, theo nguồn tin TTXVN.
Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng tiếp tục hoan nghênh những “kết quả tích cực” đạt được trong đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc vừa qua. Đồng thời ông kêu gọi hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó trong buổi tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng bày tỏ hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, và khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư thành công tại Việt Nam.
Trong khi đó, cùng với xu hướng quốc tế mà phát khởi đầu tiên là Mỹ đang xem xét lại các thỏa thuận hợp tác thương mại với ĐCSTQ, nhiều quốc gia mới nổi như Malaysia, Úc, Myanmar, Sri Lanka, Pakistan, Nepal… sau khi nếm vị đắng từ các khoản tín dụng cho vay dễ dãi của Trung Quốc – thường gắn liền với quyền tiếp quản dự án cảng biển, đất đai khu vực dự án hay quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên các quốc gia đi vay – đã và đang lần lượt hủy bỏ dự án hợp tác với Trung Quốc.
Chẳng hạn, tân thủ tướng Malaysia Mahathir mới đây đã công khai hủy 3 dự án do Trung Quốc tài trợ với tổng trị giá 22 tỷ USD. Trước đó vào tháng Mười Một năm ngoái, chỉ trong vài tuần, cả Pakistan, Nepal và Myanmar đã đồng loạt hủy bỏ dự án thủy điện lớn của các công ty Trung Quốc. Hay như một đồng minh thân cận của Trung Quốc là Philippines – Tổng thống Duterte của quốc gia này mới đây cũng đã không dưới một lần lên án ĐCSTQ, kêu gọi Bắc Kinh “tái định hình” và “hành động ôn hòa” về vấn đề Biển Đông đang gây tranh cãi.
Nếu như sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc – gieo rắc nỗi ám ảnh và đẩy nhiều quốc gia lún sâu vào bẫy nợ của Bắc Kinh – đã được các nước nhận diện và có biện pháp đề phòng, thì đâu đó vẫn còn một số quốc gia sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi đảm bảo cho kế hoạch của Trung Quốc thành công, ít nhất là tại Việt Nam.
Chú thích:
(1) Hợp tác phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc bao gồm hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng, và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ đã được lãnh đạo cao cấp hai nước thỏa thuận xây dựng.
(2) Cơ chế hợp tác Lan Thương – Mekong (LMC) nhằm thúc đẩy kết nối giữa Trung Quốc với 5 nước Mekong (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam). Kết thúc hội nghị thượng đỉnh LMC lần thứ 2, nhà lãnh đạo các nước đã đồng ý xem xét một loạt các dự án do Trung Quốc tài trợ. Tổng các khoản vay và trợ cấp mà Trung Quốc cam kết là gần 12 tỷ USD cho cho 5 nước Mekong.
(3) Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) là khu vực rộng lớn với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia Mekong và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng. Đây là sự mở rộng của Tiểu vùng sông Mekong vốn không có các tỉnh của Trung Quốc. Hiện, GMS có hơn 222 dự án với trị giá 65 tỷ USD đã được thông qua.
Minh Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Đầu tư của Trung Quốc hợp tác Mekong hợp tác với Trung Quốc