Yêu cầu không được để thiếu điện cho năm 2025, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển điện hạt nhân; tiếp tục hoàn thiện các quy định, thể chế và cập nhật, điều chỉnh quy hoạch điện VIII; nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc… 

thu tuong viet nam yeu cau nghien cuu phat trien dien hat nhan
Ông Chính yêu cầu không được để thiếu điện cho năm 2025. (Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn)

Đây là yêu cầu của ông Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực (EVN) diễn ra trong ngày 19/10.

Tại cuộc họp, ông Phạm Minh Chính khẳng định năm 2024 sẽ không thiếu điện dù mức tiêu thụ tăng khoảng 11-13% so với năm 2023. Việc đảm bảo đủ điện rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm.

Thủ tướng Việt Nam cho biết năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 7%. Theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1% thì nhu cầu điện tăng 1,5%, nghĩa là nhu cầu điện phải tăng ít nhất khoảng 10%.

Việc cung ứng điện trong năm 2025 về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, còn tiềm ẩn rủi ro ở khu vực miền Bắc khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến trong cuối mùa khô.

Để đảm bảo không thiếu điện trong năm 2025 (theo tính toán nhu cầu tăng khoảng 12-13%), người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện các giải pháp như:

Thực hiện hiệu quả Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được Chính phủ ban hành; đẩy mạnh khai thác than nội địa với kế hoạch dài hạn, đồng thời các bộ ngành cần nghiên cứu việc nhập khẩu than từ Lào, giảm nhập khẩu từ các nguồn khác; nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đường dây tải điện từ Lào và Trung Quốc về Việt Nam.

Ngoài ra, ông Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam cần hình thành và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, khắc phục, xử lý các vấn đề liên quan các dự án điện tái tạo đang gặp vướng mắc. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển điện hạt nhân…

Tháng trước, hãng tin Reuters đưa tin tập đoàn năng lượng Enel của Italia đang chuẩn bị rời khỏi Việt Nam. Trước đó, một số công ty như Equinor của Na Uy hay Orsted từ Đan Mạch cũng đã hủy các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Enel là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới ở mảng năng lượng tái tạo. Enel từng tuyên bố vào năm 2022 họ muốn đầu tư các nhà máy có thể tạo ra 6GW năng lượng tái tạo. Hiện vẫn chưa rõ thời gian cụ thể về việc Enel rút khỏi Việt Nam. Enel và Bộ Công Thương từ chối bình luận về thông tin này.

Trong tháng 8, Tập đoàn năng lượng quốc doanh Equinor (Na Uy) xác nhận hủy kế hoạch đầu tư vào điện gió ngoài khơi của Việt Nam, theo Reuters. Năm ngoái, Orsted của Đan Mạch cho biết họ sẽ tạm dừng kế hoạch đầu tư vào các trang trại điện gió lớn ngoài khơi tại quốc gia này.

Về điện hạt nhân, hiện tại Việt Nam chưa có nhà máy điện hạt nhân nào. Trước đó, năm 2016, Việt Nam từng tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhưng dự án này đã phải dừng lại ngay sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukuskhima ở Nhật Bản và vì lý do khó khăn về vốn.

Phan Vũ (t/h)