TP.HCM hơn 31.000 DN đóng cửa, thương mại điện tử như “cá gặp nước”
- Quang Minh
- •
TP.HCM bị ảnh hưởng rất nặng do đợt bùng phát dịch COVID lần thứ 4 và lệnh áp đặt giãn cách xã hội kéo dài gần 4 tháng, điều này đã khiến hơn 31.000 doanh nghiệp phải đóng cửa trong năm 2021. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) ở TP.HCM lại có thể phát triển nhanh chóng nhờ số lượng người dùng tăng nhanh.
Theo số liệu cập nhật của Cục Quản lý đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, TP.HCM có 31.660 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và giải thể, chiếm 26,4% số doanh nghiệp rút lui của cả nước trong năm 2021.
Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 15.621 doanh nghiệp, tăng 13,2% so với năm ngoái, chiếm 28,4% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước.
Cũng theo Cục Quản lý đăng ký Kinh doanh, TP.HCM đã có sự sụt giảm về cả số doanh nghiệp đăng ký thành lập và số vốn đăng ký. Cụ thể số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 32.344, giảm 21,9%, số vốn đăng ký là 505.790 tỷ đồng, giảm 55,3% so với năm 2020.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thực thi các lệnh giãn cách xã hội lại tạo điều kiện cho sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) ở TP.HCM, trong năm qua lĩnh vực này chứng kiến sự tăng trưởng rất tốt và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng 223% trong quý 2/2021. Số lượt tìm kiếm tăng 11 lần trong tháng 7 so với tháng 5 và 3,6 lần so với tháng 6 khi lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được triển khai, báo Vnexpress đưa tin.
Theo báo VOV, TP.HCM có 567 sàn TMĐT, hơn 20.680 website bán hàng và 134 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại. Tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đạt mức cao trong năm 2021. Ví dụ như sàn TMĐT Tiki duy trì mức tăng trưởng 2 con số, mảng dịch vụ giao hàng thực phẩm tươi sống đạt kỷ lục với mức tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng hội viên sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh “TikiNOW 2 giờ” tăng gấp 3 lần, danh mục hàng hóa thực phẩm tươi sống tăng gấp nhiều lần.
Còn sàn thương mại điện tử Lazada, số lượng đơn hàng cũng tăng hơn gấp đôi, riêng đơn hàng thực phẩm tươi sống tăng gấp 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Lưu Hạnh, Giám đốc truyền thông của Lazada cho biết: “Doanh nghiệp tăng cường các kênh bán hàng bình ổn giá, phối hợp đưa các hàng thực phẩm thiết yếu cung cấp rau, củ quả… đến người tiêu dùng TP.HCM thông qua gian hàng bình ổn trên nền tảng, đưa nông sản của nông dân lên sàn Lazada”, báo VOV đưa tin.
Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2021” của Google, Temasek, Bain and Company, nếu xét về quy mô thì thị trường thương mại điện tử Việt Năm năm 2021 tăng trưởng đến 53% so với 2020, lên mức 13 tỷ USD. Báo cáo này cũng thống kê Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới từ khi đại dịch bắt đầu (tính đến nửa đầu năm 2021), trong đó 55% đến từ các khu vực không thuộc cấp độ thành thị. Nguyên nhân được cho là đại dịch COVID bùng phát và các lệnh giãn cách khiến siêu thị, chợ đóng cửa, việc này khiến rất nhiều người tiêu dùng bắt buộc chuyển sang làm quen với hình thức mua sắm trực tuyến.
Quang Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa doanh nghiệp giải thể Dòng sự kiện dịch bệnh tác động đến kinh tế thương mại điện tử việt nam