Tác dụng kỳ diệu trong dưỡng sinh và tăng sức miễn dịch của máy sấy tóc
- Mộc Lan
- •
Ngoài việc sấy khô tóc, máy sấy tóc còn là một công cụ để trị liệu các bệnh mãn tính, điều dưỡng cơ thể. Ông Tôn Mậu Phong (Sun Maofeng), chuyên gia về châm cứu ở Đài Loan và là Viện trưởng của Viện Y học cổ truyền Trung Quốc thuộc Đại học Y khoa Trung Quốc, sẽ chia sẻ với bạn cách sử dụng máy sấy tóc để trị liệu bằng nhiệt một cách đơn giản và dễ dàng.
Nhiệt trị liệu bằng máy sấy tóc có 4 điểm chính
Nhiệt trị liệu là một nhóm những phương pháp vật lý trị liệu sử dụng các tác nhân gây nhiệt để mang lại hiệu quả điều trị.
Nhiệt trị liệu trong Trung Y và các phương pháp làm ấm huyệt khác có thể khơi thông khí huyết của kinh mạch, đạt được tác dụng dưỡng sinh và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, người không có chuyên môn sẽ khó tìm được huyệt chính xác để thực hiện khiến cho thao tác rắc rối, như vậy sẽ rất khó để kiên trì lâu dài. Nhưng nếu sử dụng máy sấy tóc thổi nhiệt các huyệt đạo, không chỉ dễ dàng thực hiện, mà còn có phạm vi làm ấm lớn hơn, chỉ cần bạn biết vị trí gần đúng của các huyệt đạo là đã có thể dễ dàng bắt đầu.
Ông Tôn Mậu Phong cho biết, sử dụng máy sấy tóc để thực hiện nhiệt trị liệu phù hợp với những người có cơ địa lạnh và các triệu chứng của chức năng suy giảm. Ông giải thích rằng Trung y chú ý người lạnh thì tăng nhiệt, người nhiệt thì tăng lạnh, người yếu nhược thì tăng sức mạnh, nghĩa là: Nếu không đủ thì bồi bổ thêm vào. Nhiệt trị liệu không nên dùng cho người có cơ địa nóng, hay bị nhiễm trùng, viêm nhiễm, bệnh tăng động.
Bộ phận nào của cơ thể thích hợp để làm ấm? Điều này liên quan đến thuyết âm dương trong Trung Y, dương là sinh sôi, phát triển, âm thì u ám, vô hình, ví dụ lưng là dương, bụng là âm. Do đó, các bộ phận và huyệt đạo ở vùng âm thích hợp cho phương pháp nhiệt trị liệu, ví dụ như vùng Đan Điền dưới rốn và huyệt Dũng Tuyền trên lòng bàn chân. Tuy nhiên, phần mặt dương không có nghĩa là không thổi được mà vẫn còn tùy thuộc vào triệu chứng, ví dụ như chườm ấm một số huyệt đạo trên lưng người bị hư hàn (suy nhược, thiếu dương khí) thì có thể làm tăng dương khí.
Khi thổi nhiệt bằng máy sấy tóc, trước tiên cần đo nhiệt độ và khoảng cách với da, ông Tôn Mậu Phong nhấn mạnh: “Máy sấy tóc có nhiệt độ cao, sợ nhất là gây bỏng cho cơ thể.”
Một số người có thể nghĩ rằng chỉ cần di chuyển máy sấy tóc khi cảm thấy nóng là được, thực tế có một số trường hợp đặc biệt: Ví dụ bệnh nhân đái tháo đường, cảm giác của họ không bén nhạy, hoặc người nhà giúp bệnh nhân bằng cách thổi nhiệt bằng máy sấy tóc nhưng không biết bệnh nhân cảm thấy như thế nào, nó cũng có thể dẫn đến nhiệt độ quá cao.
Trước khi sử dụng máy sấy tóc để nhiệt trị liệu, cần lưu ý 4 điểm quan trọng:
- Không nên chườm ấm những vùng da yếu như mặt, mắt, mũi.
- Mỗi người có khả năng chịu nhiệt khác nhau, công suất của máy sấy tóc cũng khác nhau, do đó, thời gian và khoảng cách thổi nên được điều chỉnh theo cảm nhận của cá nhân. Sẽ an toàn hơn khi để máy sấy tóc ở xa một chút khi giúp người khác làm ấm.
- Các trường hợp dùng thích hợp: Bệnh mãn tính, suy nhược một phần và lạnh một phần, các vị trí thuộc phần âm.
- Các trường hợp tuyệt đối không thích hợp: Nhiễm trùng và các bệnh viêm nhiễm, vết thương, bệnh tăng động, thể chất khô nóng (sợ nóng, dễ khô miệng khô lưỡi, da đỏ, phân khô, khó chịu và cáu gắt).
Sử dụng máy sấy tóc để tăng cường miễn dịch và trị liệu các bệnh mãn tính
Sử dụng máy sấy tóc để thổi nhiệt từ đầu đến chân, làm ấm một số bộ phận có thể cải thiện tình trạng đau nhức mãn tính, dị ứng…. Thổi nhiệt tại một số bộ phận có thể giảm đau thể chất và cải thiện chức năng đường tiêu hóa, ở một số bộ phận khác có thể cải thiện khả năng miễn dịch.
- Đầu
- Huyệt Bách Hội: Nằm ở trung tâm của đỉnh đầu.
Nếu người thể chất hư hàn, đau đầu chóng mặt, thích hợp thổi nhiệt huyệt Bách hội, sau đó thổi phía sau ót gối đầu để tăng dương khí.
Tuy nhiên, những cơn đau đầu, chóng mặt do cảm đang trong tình trạng viêm nhiễm thì không thể áp dụng phương pháp này. Ngoài ra, đầu là nơi tụ hợp của nhiều bộ phận dương, nếu bạn có thể chất mắc chứng cao huyết áp hoặc chứng thực nhiệt (thừa nhiệt) thì thường hay mặt đỏ tía tai, Trung Y gọi là gan dương thượng cang, tránh thổi nhiệt đỉnh đầu, nếu không chẳng khác nào châm dầu vào lửa.
Vai và cổ
- Huyệt Đại Chùy: Khi cúi đầu xuống, có chỗ lồi xương rõ ràng ở phía sau cổ, huyệt này nằm ở chỗ lõm bên dưới.
Làm ấm ở đây có thể làm tăng dương khí và tăng cường khả năng miễn dịch. Phù hợp với những người có thể trạng yếu và lạnh, cảm mạo hoặc các bệnh dị ứng, có tác dụng làm giảm các triệu chứng.
- Huyệt Kiên Tỉnh ở chỗ lõm trên vai và huyệt Thiên Trụ ở hai bên cơ thang
Đối với chứng đau mỏi vai gáy mãn tính do cúi đầu trước máy tính và điện thoại di động trong thời gian dài, có thể dùng máy sấy tóc thổi vào các huyệt Kiên Tỉnh và Thiên Trụ để thư giãn các cơ.
Ông Tôn Mậu Phong nhắc nhở rằng nếu là chứng sái cổ, bong gân cấp tính, căng cơ và các cơn đau đột ngột khác, thì đó cũng là tình trạng viêm cấp tính, không thích hợp để sử dụng.
- Huyệt Thiên Đột: Nằm ngay tại phần lõm trên của xương ngực, sát với xương ức, ngang với phần xương đòn ở cả 2 bên.
Nếu là ho mãn tính, ho dị ứng, có thể dùng máy sấy tóc để thổi vừa phải huyệt Thiên Đột trên cổ họng để giúp giảm bớt các triệu chứng. Bạn cũng có thể thổi huyệt Thiên Trung trên ngực, Huyệt Đại Chùy ở sau cổ, huyệt Phong Môn và huyệt Phế Du trên lưng để có kết quả tốt hơn.
Nếu là bệnh cấp tính, truyền nhiễm và các cơn ho, sốt đột ngột khác thì không nên dùng máy sấy tóc, nếu không sẽ làm các triệu chứng nặng hơn.
- Ngực
- Huyệt Thiên Trung: Nằm chính giữa ngực, khoảng giữa hai núm vú.
Huyệt Thiên Trung là nơi tụ khí, là huyệt điều hòa khí. Khi áp lực trong cuộc sống quá lớn, gây đau ngực, hoặc gặp các triệu chứng như thở kém, tức ngực…thì có thể dùng máy sấy tóc để thổi nhiệt tại huyệt này.
“Tức ngực và đau ngực đôi khi là dấu hiệu của các bệnh quan trọng, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim”, ông Tôn Mậu Phong nhấn mạnh. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không thể tự chẩn đoán được nên có thể thử thổi nhiệt xem sao, nếu cảm thấy tức ngực và khó thở vẫn chưa được cải thiện thì bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
- Eo và lưng
- Huyệt Thận Du: 2 ngón tay ngang mở rộng bên trái và bên phải của rốn (huyệt Mệnh Môn).
- Huyệt Đại Trường Du: Dưới gai sống thắt lưng 4, mở rộng 2 ngón tay ngang.
- Huyệt Hoa Đà Giáp Tích: 17 cặp huyệt dọc theo cạnh cột sống.
Hầu hết những người trung niên và cao tuổi đều bị đau thắt lưng mãn tính, nguyên nhân là do căng cơ, cúi gập người và di chuyển đồ vật trong thời gian dài. Theo quan điểm của Trung Y, nó thuộc về thiên hư, thiên hàn (nghĩa là thể chất suy yếu hoặc lạnh), rất thích hợp liệu pháp nhiệt ấm để thư giãn cơ bắp. Những người gặp vấn đề như vậy có thể làm ấm huyệt Thận Du, Đại Trường Du và Hoa Đà Giáp Tích bằng máy sấy tóc, họ sẽ cảm thấy rất thoải mái.
Có rất nhiều huyệt Hoa Đà Giáp Tích, nên sử dụng cái nào? Ông Tôn Mậu Phong nói, phần nào bị đau thì hãy dùng máy sấy tóc để thổi nhiệt cho huyệt ở phần đau đó. Ví dụ, đối với đau thắt lưng thì thổi nhiệt cho huyệt Hoa Đà Giáp Tích tại cột sống thắt lưng.
Tuy nhiên, liệu pháp thổi nhiệt này sẽ không thích hợp trong trường hợp đó là cơn đau do ngã, va đập và viêm do bong gân cấp tính và căng cơ.
- Bụng
- Đan Điền ở dưới rốn: Bao gồm huyệt Khí Hải và huyệt Quan Nguyên
Sử dụng máy sấy tóc để làm ấm vùng Đan Điền có thể cải thiện tình trạng đau đớn về sinh lý. Ông Tôn Mậu Phong chỉ ra rằng 90% các cơn đau sinh lý có tính hư hàn, biểu hiện là tay và chân lạnh. Những người phụ nữ gặp vấn đề đau đớn sinh lý có thể dùng máy sấy tóc khi đau hoặc trước khi đi ngủ.
Một số rất ít đau bụng kinh là tính nóng, thường sợ nóng, muốn uống nước lạnh khi đến kỳ kinh, trường hợp này thì không phù hợp dùng máy sấy tóc để thổi nhiệt. Trường hợp đau bụng dưới do nhiễm trùng vùng chậu hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, cũng không thể dùng máy sấy tóc để làm ấm.
- Phần trên và phần dưới của rốn: Đường tiêu hóa được chia theo vị trí so với rốn, phía trên rốn là đường tiêu hóa trên (thực quản và dạ dày), dưới rốn là đường tiêu hóa dưới (ruột non, ruột già).
Thường bị đầy bụng, phân lỏng, kém ăn, đó là do chức năng tiêu hóa thấp, thiên hư hàn, vậy có thể dùng máy sấy tóc thổi nhiệt thẳng vào hai vị trí trên.
Nếu là nhiễm trùng đường tiêu hóa cấp tính như đau bụng đột phát, tiêu chảy… thì không được dùng.
- Hai tay
- Huyệt Hợp Cốc: Khi xòe bàn tay, sờ sẽ thấy vùng lõm của điểm giao kết giữa ngón trỏ và ngón cái, huyệt Hợp Cốc nằm ở phần lõm sâu sát với xương nối.
Đối với bệnh viêm mũi dị ứng cơ thể suy nhược, cảm lạnh, thường xuyên nghẹt mũi, dùng liệu pháp làm ấm sẽ có cải thiện. Bạn có thể dùng tay xoa bóp huyệt Nghinh Hương (mép ngoài của mũi), sau đó dùng máy sấy tóc làm ấm huyệt Hợp Cốc.
Đồng thời, chườm ấm huyệt Túc Tam Lý (hình bên dưới) và Đại Chùy có thể làm dịu các triệu chứng và cải thiện tình trạng nghẹt mũi khiến bạn không thể ngủ được.
- Chân và bàn chân
- Huyệt Túc Tam Lý: Lấy lòng bàn tay che đầu gối, giữa hai đầu ngón tay út và ngón đeo nhẫn chính là huyệt Túc Tam Lý, giống như một vết xước nhỏ giữa hai xương.
Huyệt Túc Tam Lý là một huyệt đạo mạnh, thường xuyên kích thích huyệt này có thể tăng cường hệ thống miễn dịch.
- Huyệt Tam Âm Giao: Phía trong của bắp chân, nằm ở vị trí cách mắt cá chân khoảng 4 ngón tay, tại phần lõm sau xương chày.
Huyệt Tam Âm Giao thuộc kinh Tỳ, có lợi cho hệ tiêu hóa và hệ sinh dục nữ, cả nam và nữ đều có thể dùng máy sấy tóc để làm ấm huyệt này để dưỡng thân. Đặc biệt đối với phụ nữ, giúp ích cho thời kỳ kinh nguyệt và cơ thể lạnh.
Ông Tôn Mậu Phong cho biết hai huyệt Túc Tam Lý và Tam Âm Giao nên thường xuyên được dưỡng bằng máy sấy tóc, đương nhiên, nếu có thể tìm được vị trí chính xác thì tốt hơn hết là dùng ấm hoặc ép trực tiếp.
- Huyệt Dũng Tuyền: Nằm ở giao điểm của các đường xương cá trên lòng bàn chân, gập các ngón chân xuống, một chỗ lõm sẽ xuất hiện, đó là huyệt Dũng Tuyền.
Người già tuần hoàn ngoại vi kém dễ bị lạnh tay chân, làm ấm huyệt Dũng Tuyền sẽ làm giãn nở mạch máu ngoại vi.
Những phụ nữ bị đau sinh lý và không có vấn đề nghiêm trọng về nội tạng cũng có thể dùng máy sấy tóc thổi nhiệt huyệt Tam Âm Giao và Dũng Tuyền để dưỡng thân, có thể giúp giảm các triệu chứng về lâu dài.
Mộc Lan/ theo Epoch Times
Từ khóa tăng cường miễn dịch dương khí Bệnh mạn tính Máy sấy tóc Huyệt đạo đông y Trung y