Trăm tấn thanh long xuất khẩu hư hỏng vì không cơ quan nào cấp giấy chứng nhận ATTP sau 1/7
Sau gần 1 tháng chờ đợi, cuối cùng doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận cũng xin được giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo phân công nhiệm vụ mới của Bộ Nông nghiệp và Môi trường để xuất khẩu đi EU. Hơn 100 tấn thanh long đã bị hư hỏng, không thể xuất khẩu. Đáng buồn hơn, khách hàng EU đã hủy đơn hàng, chuyển sang nhập thanh long từ Ecuador và Thái Lan.
Cách đây 1 tuần, sau hơn 20 ngày chờ đợi và gõ cửa các nơi, ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận trao đổi với báo chí về tình hình đình trệ nghiêm trọng của hoạt động xuất khẩu thanh long
Từ 1/7 đến 21/7, hơn 20 ngày không có một cơ quan nhà nước nào ký Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực vật xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Trong khi Giấy chứng nhận này là bắt buộc để chứng minh lô hàng đáp ứng yêu cầu kiểm dịch của nước xuất khẩu.
Ông Cảnh cho biết, sự cố xuất hiện từ Thông tư 12/2025/TT-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ký ngày 19/6 và có hiệu lực từ ngày 1/7 (11 ngày sau khi ký) đã chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực vật xuất khẩu từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc bộ về UBND cấp tỉnh.
Thông tư nêu rõ, trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn được Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao giải quyết thủ tục hành chính phải kiểm tra hồ sơ lô hàng.
Trong 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của cơ quan chuyên môn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành thông báo kết quả kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu.
Tuy nhiên, một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long cho biết, từ ngày 1/7, doanh nghiệp thường xuyên có mặt tại Sở An toàn thực phẩm TP.HCM (cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo Thông tư 12). Tuy nhiên, cơ quan mới không tiếp nhận hồ sơ vì cho rằng cần phải làm văn bản xin hướng dẫn cụ thể.
“Các doanh nghiệp chúng tôi thường xuyên có mặt ở Sở An toàn thực phẩm TPHCM và chờ đợi từ ngày 1/7 đến nay. Nhưng đây là lần đầu tiên cấp sở thực hiện thủ tục này nên còn vướng mắc. Các doanh nghiệp đã kiến nghị cơ quan chức năng cho phép tạm thời xuất khẩu thanh long trước khi có quy trình chính thức”, vị này chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận cho biết hiệp hội đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng (sau sáp nhập) từ 15/7, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi. Về phía khách hàng, do phải đợi quá lâu nên đã gửi thông báo cắt đơn hàng từ Việt Nam và chuyển qua mua thanh long từ Thái Lan, Ecuador.
Ông Cảnh nói “thiệt hại bằng tiền không quan trọng bằng thiệt hại về lòng tin”.
Theo Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận, uớc tính 450 ha diện tích thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGap có khả năng phải bỏ hoặc chỉ có thể dùng làm quà từ thiện. Riêng 20 ngày đầu tháng 7 đã có khoảng 100 tấn thanh long hư hỏng, trong khi lượng hàng tồn kho vẫn còn khoảng 50-70 tấn.
“Nông dân thấy doanh nghiệp ngừng thu mua nên cũng dừng sản xuất. Khách không có lòng tin để mua hàng vì mãi không thấy hàng đâu.” ông Cảnh chia sẻ.
Trong tình cảnh tương tự, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), cũng bị tồn kho lượng hàng có giá trị khoảng 2,4 triệu USD không thể xuất khẩu.
Doanh nghiệp chỉ có thể khóc ròng khi cơ quan nhà nước chờ hướng dẫn vòng quanh
Lý do Sở An toàn thực phẩm TPHCM biện giải việc chưa thực hiện cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp là vì Sở này cho rằng cần xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo mẫu của nước nhập khẩu. Khi đó, Sở mới có căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết cơ quan này trước đó đã có công văn hướng dẫn gửi các địa phương. Nhưng các sở địa phương cho rằng hướng dẫn đó chỉ áp dụng tại Việt Nam, cần bổ sung quy định theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Do đó, Cục đang đề nghị sửa lại công bố thủ tục hành chính cho phù hợp. Việc điều chỉnh đang được gấp rút hoàn tất để đảm bảo hoạt động xuất khẩu không bị ảnh hưởng.
Hậu quả của các đơn vị chờ hướng dẫn khiến cho doanh nghiệp, người nông dân chỉ biết chờ đợi và vứt bỏ hàng chục tấn thanh long.
Ngày 24/7, nhận được kiến nghị của hiệp hội, các doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ gửi công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chỉ đạo các cơ quan đơn vị chuyên môn giải quyết ngay việc xuất khẩu thanh long, hồ tiêu sang EU.
Ngay trong chiều ngày 25/7, Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết 5 lô hàng đã được ký giấy chứng nhận với khối lượng khoảng 5 tấn thanh long.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội cho biết lượng thanh long sẽ phải bỏ đi chiếm hơn 50%. Đáng buồn hơn, trong thời gian đợi nguồn hàng từ Việt Nam, các đối tác nhập khẩu tại châu Âu đã lấy nhiều thanh long từ Ecuador và Thái Lan, mà trong cùng thời gian Thái Lan lại đang mua thanh long từ Việt Nam.
“Họ mua khoảng 5 tấn/tuần. Thời gian qua, lượng mua khoảng 20-30 tấn”, ông Cảnh – Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận cho hay.
Từ khóa xuất khẩu thanh long đình trệ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
