Không chỉ đơn thuần là hành động thân mật giữa con người, những cái ôm đúng cách còn có thể kích hoạt hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch và thậm chí giúp chữa lành những tổn thương về cảm xúc.

Om nhau 1
(Ảnh: PR Image Factory/Shutterstock)

Tại một phòng thí nghiệm được kiểm soát nghiêm ngặt của Đại học Carnegie Mellon, các nhà nghiên cứu đã cho hơn 400 tình nguyện viên khỏe mạnh tiếp xúc với virus gây cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, trước khi tiếp xúc với virus, các nhà nghiên cứu đã dành 2 tuần để theo dõi cẩn thận một yếu tố mà phần lớn giới khoa học có thể bỏ qua: Liệu những người tham gia có được ôm mỗi ngày hay không.

Trọng tâm không nằm ở tính cảm xúc mà là nhằm xác định xem liệu một cái ôm đơn giản có thể hoạt động như một loại vắc-xin thu nhỏ chống lại bệnh tật hay không. Nghiên cứu này – cùng với nhiều nghiên cứu khác – cho thấy tần suất và thời lượng ôm phù hợp có thể kích hoạt hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch và thậm chí giúp chữa lành các tổn thương cảm xúc.

Một cái ôm có thể đánh bại virus?

Trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon, ông Sheldon Cohen đã linh cảm rằng tiếp xúc thể chất có thể là một trong những cách then chốt mà sự hỗ trợ xã hội giúp bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh do căng thẳng gây ra.

Kết quả nghiên cứu cho thấy giả thuyết của ông Cohen hoàn toàn chính xác. Những người được ôm thường xuyên:

  • Có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn khoảng 60%.
  • Hồi phục nhanh hơn và có phản ứng miễn dịch mạnh hơn khi bị nhiễm bệnh.

Các phát hiện này cho thấy rằng bên cạnh việc là một hành vi thân mật giữa con người với nhau, cái ôm còn là một hình thức phòng vệ hiệu quả đáng ngạc nhiên trước bệnh tật liên quan đến căng thẳng, góp phần tăng cường hệ miễn dịch.

Khoa học phía sau những cái ôm

Khi chúng ta ôm ai đó, một chuỗi phản ứng sẽ xảy ra trong cơ thể và não bộ, tác động nhiều cấp độ khác nhau, từ sinh học thần kinh, hóa học thần kinh đến xã hội.

Về mặt sinh học thần kinh: Việc ôm kích thích một mạng lưới dây thần kinh cảm giác dưới da, đặc biệt là nhóm dây C, đôi khi được gọi là “dây thần kinh âu yếm”.

Những dây thần kinh này đặc biệt nhạy cảm với các tiếp xúc nhẹ nhàng, trìu mến và truyền tín hiệu trực tiếp đến vỏ não đảo, trung tâm xử lý cảm xúc của não bộ. Khi được kích hoạt, các dây thần kinh âu yếm này cũng giải phóng endorphin – chất giảm đau tự nhiên của cơ thể, giúp cải thiện tâm trạng.

Ở cấp độ hóa sinh thần kinh: Khi được ôm, cơ thể sẽ phóng thích hàng loạt các hormone “tạo cảm giác dễ chịu”. Nổi bật nhất là oxytocin, thường được gọi là “hormone tình yêu”, giúp tăng cảm giác gắn kết, tin tưởng và an toàn.

Ngoài ra, việc ôm còn kích thích tiết dopamine – chất liên quan đến cảm giác vui vẻ, dễ chịu và serotonin – chất giúp ổn định tâm trạng và thúc đẩy cảm giác hạnh phúc.

Về mặt xã hội và tâm lý: Những cái ôm truyền tải sự hỗ trợ mà không cần lời nói – đóng vai trò là sự khẳng định phi ngôn ngữ về cảm xúc chung đồng thời củng cố các mối quan hệ xã hội.

Khi các nhà nghiên cứu thử nghiệm các kiểu ôm khác nhau và thời gian ôm, họ phát hiện ra một điều rất cụ thể: những cái ôm chỉ kéo dài một giây thường không mang lại cảm giác dễ chịu và hầu như không có lợi ích gì.

Ngược lại, những cái ôm kéo dài từ 5 đến 10 giây được xem là lý tưởng – đủ lâu để tạo cảm giác ấm áp và kết nối, nhưng không quá dài đến mức gây khó chịu.

Đối với các mối quan hệ thân mật, những cái ôm kéo dài 20 giây tạo ra hiệu ứng sinh lý rõ rệt và mạnh mẽ nhất .

Lợi ích sức khỏe ẩn chứa trong mỗi cái ôm

Trong một nghiên cứu năm 2023 trên hơn 100 sinh viên năm nhất đại học cho thấy: Mức độ căng thẳng vào buổi sáng hôm sau được giảm rõ rệt vào những ngày họ nhận được nhiều cái ôm hơn từ bạn bè, bạn cùng phòng và người thân – so với những ngày họ nhận được ít cái ôm hơn.

Bác sĩ y học chức năng kiêm huấn luyện viên sức khỏe Conny Wade cho biết, tiếp xúc thể chất cũng cải thiện sức khỏe tim mạch thông qua việc gia tăng biến thiên nhịp tim (HRV).

“Biến thiên nhịp tim là chỉ số quan trọng cho thấy cơ thể phản ứng với căng thẳng tốt đến mức nào. HRV càng cao thì càng tốt”, bà chia sẻ với tờ The Epoch Times.

Một nghiên cứu trước đó vào năm 2003 phát hiện ra rằng các cặp đôi nắm tay nhau trong 10 phút, sau đó ôm nhau trong 20 giây trước khi phát biểu trước đám đông, có huyết áp và nhịp tim giảm một nửa so với những cặp đôi chỉ ngồi yên lặng mà không tiếp xúc.

Những kết quả này cho thấy sự tiếp xúc trìu mến mang lại sự bảo vệ sinh lý, phần nào lý giải mối quan hệ giữa sức khỏe tim mạch và các mối quan hệ hỗ trợ.

Tiếp xúc thân mật thường xuyên mang lại những lợi ích vượt xa việc giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tim mạch. Những người thường xuyên nhận được sự an ủi về mặt thể chất – dù là từ người, thú cưng, hay thậm chí cả là chăn trọng lực – sẽ có giấc ngủ ngon hơn và thức dậy tỉnh táo hơn so với những người thiếu sự tiếp xúc này.

Bà Wade cho biết, việc ôm thường xuyên cũng có thể giúp giảm viêm: “Viêm phần lớn là do căng thẳng mạn tính gây ra và viêm mạn tính có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm trầm cảm và các bệnh tự miễn”. Thật vậy, một nghiên cứu năm 2020 phát hiện ra rằng ôm có liên quan đáng kể đến việc giảm các phân tử gây viêm.

Chữa lành tổn thương bằng tiếp xúc

Chuyên gia sức khỏe tâm thần Stacey Ross đã chứng kiến những chuyển biến sâu sắc khi những bệnh nhân của bà – mắc chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn và nghiện ngập – nhận được một cái ôm nhẹ nhàng, đầy an ủi.

“[Điều đó] có thể nhắc não bộ của họ nhớ lại cảm giác được an toàn và được yêu thương”, bà Ross chia sẻ với tờ The Epoch Times. Điều này không chỉ đơn thuần là vấn đề tâm lý. Nghiên cứu về tính dẻo dai của hệ thần kinh cho thấy rằng những trải nghiệm tích cực lặp đi lặp lại có thể tái cấu trúc các đường dẫn thần kinh.

Quá trình chữa lành diễn ra bởi vì sự an ủi về mặt thể chất đều đặn tạo ra các mô hình thần kinh mới hỗ trợ phục hồi cảm xúc.

Đối với những người từng trải qua sang chấn tâm lý, sự âu yếm về thể chất là một con đường chữa lành mạnh mẽ – giúp họ hồi phục mà không cần phải diễn đạt hết những ký ức đau buồn bằng lời nói.

Bất kể trong hoàn cảnh nào, những chiếc ôm cũng là một công cụ mạnh mẽ để nâng cao sức khỏe tinh thần ở mọi lứa tuổi. Đơn thuốc này không cần phải đào tạo đặc biệt, không cần thiết bị đắt tiền hay can thiệp bằng dược phẩm. Lần tới khi bạn cảm thấy cần uống thuốc, hãy nhớ đến loại thuốc nằm ngay trong vòng tay của bạn nhé.