Tròn 1 tháng niêm yết, cổ phiếu VinFast rớt về giá 17 USD
- Đức Minh
- •
Cổ phiếu VinFast (mã VFS) sau 1 tháng niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) đã rớt sâu về vùng giá 17 USD/cổ phiếu hôm 15/9. Ở thời điểm “sốt” giá, VFS có lúc lên tới 90 USD/cổ phiếu nhưng không trụ được lâu. Biến động giá gây sốc trong thời gian ngắn phần lớn đến từ việc tỷ lệ cổ phiếu VFS có thể giao dịch chỉ chiếm chưa tới 1%, do đó một vài người mua bán cũng khiến giá thay đổi chóng mặt.
Theo đó, kết thúc phiên giao dịch 15/9, VFS rớt còn 16,8 USD/cổ phiếu, giảm gần 42% so với giá niêm yết trong ngày đầu tiên giao dịch (ngày 15/8).
Giới quan sát nhận định biến động giá điên rồ của cổ phiếu VinFast đến từ tỷ lệ giao dịch tự do (free float) rất thấp, chưa tới 1%. Trong khi ông Phạm Nhật Vượng và hai doanh nghiệp khác do chính ông sở hữu (VIG và Asian Star) đang nắm tổng cộng tới hơn 99% cổ phần của hãng xe điện VinFast.
Do vậy, chỉ một vài cá nhân xoay vòng mua bán liên tục cũng khiến thị giá VFS tăng lên đỉnh và kéo xuống đáy.
Theo ghi nhận, trong 1 tháng qua, cổ phiếu VFS có lúc tăng lên hơn 90 USD, có lúc xuống đáy 14,5 USD/cổ phiếu.
Việc Bloomberg loại ông Phạm Nhật Vượng khỏi danh sách thống kê tài sản vì cho rằng giá trị cổ phiếu của VinFast chưa phản ánh đúng thực tế giá trị tài sản của ông Vượng.
Bloomberg Billionaires Index hiện tính giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng dựa trên giá trị của các cổ phiếu VIC (Tập đoàn Vingroup), VRE (Vincom Retail) và VHM (Vinhomes).
VinFast vẫn đang giới hạn việc giao dịch cổ phiếu của họ, bằng cách không phép giới đầu tư bán khống (short sale), và không cho phép giao dịch quyền chọn (option). Đây là những dịch vụ phổ biến ở thị trường chứng khoán Mỹ.
Tại Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 1 của Tập đoàn Vingroup niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Theo đó, VinGroup đã phân phối 6.924.155 trái phiếu (tương đương với mệnh giá 692, 4 tỷ đồng).
Đức Minh
Từ khóa cổ phiếu VFS Vingroup VinFast Dòng sự kiện Nasdaq