Trump trở lại Nhà Trắng, công ty nước ngoài tăng tốc rút khỏi Trung Quốc
- Lý Ngôn
- •
Tuần này, ông Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ và các công ty nước ngoài đẩy nhanh kế hoạch rút khỏi Trung Quốc. Steven Madden Ltd. đang tăng tốc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh bị áp thuế 60%.
Theo Bloomberg, Steven Madden Ltd., nhà bán lẻ giày dép đã niêm yết có trụ sở tại thành phố Long Island, New York, hiện đặt mục tiêu giảm 40% hàng hóa do Trung Quốc sản xuất trong năm tới, đây là mức giảm đáng kể so với 10% trước đó.
Trong cuộc gọi báo cáo tài chính vào thứ Năm (7/11), Giám đốc điều hành Edward Rosenfeld nói với các nhà phân tích rằng họ đã bắt đầu thực hiện kế hoạch này từ sáng hôm trước (6/11).
Các công ty hàng tiêu dùng đang gấp rút ứng phó với mức thuế tiềm ẩn, và cảnh báo về tác động mà chúng có thể gây ra đối với giá của các nhu yếu phẩm hàng ngày.
Trong cuộc bầu cử, ông Trump hứa sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và sẽ áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.
Động thái này nhằm đáp trả các hoạt động thương mại không công bằng của ĐCSTQ, đồng thời thúc đẩy sản xuất nội địa ở Hoa Kỳ, và thoát khỏi sự phụ thuộc vào hàng giá rẻ “sản xuất tại Trung Quốc” (Made in China).
Ông Rosenfeld nói với các nhà phân tích, rằng việc thực hiện các mức thuế đáng kể đối với Trung Quốc sẽ có tác động sâu sắc đến chuỗi cung ứng và nền kinh tế tổng thể.
Gần một nửa hoạt động kinh doanh hiện tại của Steven Madden có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu kế hoạch giảm thiểu rủi ro của công ty này thành công, tỷ lệ đó sẽ giảm xuống còn khoảng 25% vào năm tới.
Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, Steven Madden đang dần chuyển chuỗi cung ứng sang Campuchia, Việt Nam, Mexico và các nước khác.
Cách đây vài năm, nhà bán lẻ này đã nhập khẩu gần 95% sản phẩm từ Trung Quốc để bán tại Hoa Kỳ. Trước đó, ông Rosenfeld từng nói, Steven Madden sẽ khó có thể giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc hơn 10% mỗi năm.
Ông nói với các nhà phân tích rằng họ có kế hoạch để thực hiện điều đó.
Church & Dwight Co. đã chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động kinh doanh chăm sóc răng miệng Waterpik.
Vào tuần trước, khi trả lời câu hỏi về thuế quan, Giám đốc tài chính Rick Dierker cho biết, giống như những doanh nghiệp khác, họ đã có kế hoạch và hành động nhằm giảm thiểu tác động này và rất ý thức được những ảnh hưởng trong tương lai.
Hỗ trợ các công ty Đài Loan di dời
Theo AFP, hôm thứ Năm (7/11), Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết nếu ông Trump áp dụng mức thuế 60% đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, bộ sẽ hỗ trợ các công ty Đài Loan chuyển nhà máy sản xuất của họ khỏi Trung Quốc.
Tại Ủy ban Kinh tế của Viện Lập pháp, Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Quách Trí Huy (J.W. Kuo) cho biết: “Chúng tôi sẽ sớm cung cấp một số hỗ trợ giúp các doanh nhân Đài Loan di dời cơ sở sản xuất của họ, để tránh bị ảnh hưởng bởi mức thuế 60%”.
Do tranh chấp công nghệ trong khu vực và nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc, đầu tư của các công ty Đài Loan vào Trung Quốc đã giảm mạnh trong những năm gần đây.
Từ năm 2019 đến năm 2021, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục, Đài Loan đã cung cấp các ưu đãi di dời cho các công ty Đài Loan ở Trung Quốc, bao gồm miễn phí thuê mặt bằng trong 2 năm, trợ cấp lao động và các khoản vay rẻ hơn trong các khu công nghiệp của Bộ Kinh tế.
Ông Trump từng mô tả “thuế quan” là từ đẹp nhất trong từ điển. Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của mình, ông hứa sẽ thực hiện các biện pháp rộng rãi đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ trị giá 3000 tỷ USD.
Ngoài việc áp thuế 60% hoặc cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, và hủy bỏ quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc, ông còn hứa sẽ áp thuế ít nhất 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu khác.
Các nhà phân tích tài chính cho biết, ngoài thuế quan, người ta cũng thấy trước các biện pháp mà ông Trump có thể thực hiện, sẽ khiến vốn của Mỹ chảy vào Trung Quốc và các công ty tài chính của Mỹ gặp khó khăn hơn khi hợp tác với một số công ty Trung Quốc.
Vài năm qua, khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại, một số công ty Phố Wall đã thu hẹp quy mô hoạt động tại Trung Quốc do sự giám sát pháp lý của ĐCSTQ đối với các giao dịch doanh nghiệp và tài chính đã thắt chặt, làm suy yếu tiềm năng doanh thu của thị trường.
Nguồn tin của Reuters cho biết, nhà quản lý tài sản Hoa Kỳ Van Eck đã hủy kế hoạch mở chi nhánh tại Trung Quốc vào năm 2023 do căng thẳng Mỹ-Trung, trong khi tập đoàn Vanguard cũng rút khỏi liên doanh tại Trung Quốc trong cùng năm.
Theo báo cáo truyền thông và tuyên bố công khai, từ năm ngoái, hơn 10 công ty luật Hoa Kỳ đã đóng cửa toàn bộ hoặc một phần văn phòng tại Trung Quốc.
Từ khóa kinh tế Trung quốc chiến tranh thương mại Mỹ Trung Dòng sự kiện