Trước áp lực liên tiếp của Trump, liệu Trung Quốc có chịu thay đổi luật chơi?
- Ngọc Hằng
- •
Trung Quốc đang đứng trước quyết định hoặc phải chịu nhượng bộ và thâu lại “bàn tay đen” khỏi nền kinh tế, hoặc phải tiếp tục chịu đựng hậu quả đau đớn và hoàn cảnh ngày càng khó khăn do cuộc chiến thương mại mang tới.
Tham vọng của Trung Quốc để vươn lên thành quốc gia có nền kinh tế dẫn đầu thế giới, thay thế Mỹ, đã ngày càng khó khăn hơn.
Mới đây nhất, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã yêu cầu xem xét nâng tỷ lệ áp thuế 200 triệu USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.
Động thái này được cho là nhằm gia tăng áp lực lên Trung Quốc khiến nước này phải thay đổi hệ thống kinh tế, tuân theo quy luật thị trường.
Trả lời Fox Bussiness vào hôm thứ Năm (2/8), Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết: “Chúng tôi cần phải tạo nên một hoàn cảnh mà ở đó họ [Trung Quốc] sẽ khó khăn hơn nếu tiếp tục những thông lệ xấu thay vì cải cách.”
Mỹ cần châu Âu và Canada hơn là Trung Quốc
Trong khi Trung Quốc thất bại trong việc hợp tác với châu Âu để đáp trả Mỹ thì Washington và đồng minh đã đạt được những thỏa thuận nhất định.
Số liệu từ Văn phòng phân tích Kinh tế (Bộ Thương mại Hoa Kỳ) cho thấy quy mô hợp tác kinh tế của Mỹ và đồng minh lớn hơn nhiều so với giữa Mỹ và Trung Quốc.
Năm 2017, đầu tư của Mỹ ra nước ngoài là 6.000 tỷ USD trong đó khoảng 60% là vào châu Âu. Các công ty Mỹ cũng kiếm được gần nửa tỷ USD vào năm ngoái từ đầu tư nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, đầu tư nước ngoài vào Mỹ đạt khoảng 4.000 tỷ USD, trong đó từ Châu Âu chiếm khoảng 59%, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất và tài chính.
Đầu tư của Canada vào Mỹ chiếm 13%, tương đương khoảng 524 tỷ USD, nhiều hơn khoản đầu tư của Mỹ vào Canada (355 tỷ USD).
Trong khi đó đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc và Hồng Kông chỉ khoảng 188 tỷ USD, còn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cũng rất khiêm tốn với khoảng 73 tỷ USD, con số khá nhỏ so với các nền kinh tế châu Âu và Canada.
Mặc khác, Mỹ nhập khẩu đến 524 tỷ USD hàng hóa dịch vụ từ Trung Quốc, nhưng xuất khẩu của Mỹ sang quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ khoảng 188 tỷ USD.
Đây chính là sự bất công bằng mà Tổng thống Trump muốn Bắc Kinh phải thay đổi, bởi trong giao thương kinh tế, các nước đồng minh ở châu Âu và Canada mới là những đối tác mà Mỹ quan tâm.
Bên cạnh đó, sự hợp tác kinh tế với các nước đồng minh dường như đem lại sự an toàn hơn cho Mỹ so với việc hợp tác với Trung Quốc.
Các lĩnh vực đầu tư nước ngoài của các nước châu Âu và Canada vào Mỹ tập trung vào các công ty mà hoạt động kinh doanh không đóng vai trò trọng yếu đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Trái lại, Trung Quốc luôn liên tục tìm cách thâu tóm các công ty công nghệ của Mỹ, thông qua hợp tác để đánh cắp bí mật công nghệ của các công ty Mỹ, và các hoạt động gián điệp kinh tế của chính quyền Bắc Kinh tại Hoa Kỳ làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc phòng Mỹ.
Kiểm soát chặt dòng vốn Trung Quốc vào Mỹ
Mới đây, Quốc hội Hoa Kỳ đã gửi Tổng thống Trump đạo luật mở rộng giám sát an ninh quốc gia đối với các khoản đầu tư nước ngoài vào Mỹ, đồng thời thiết lập thêm các hàng rào mới đối với các giao dịch về bất động sản và công nghệ – vốn là những lĩnh vực mà Trung Quốc nhắm đến nhiều nhất ở Mỹ.
Dự luật được Thượng viện thông qua hôm 1/8 đã khép lại những lo ngại về việc thâu tóm các công ty công nghệ Mỹ của Trung Quốc. Đây cũng là một phần trong dự luật ngân sách quốc phòng trị giá 717 tỷ USD được Hạ viện thông qua tuần trước và dự định sẽ được Tổng thống Trump ký thông qua.
Trump đã chấp nhận Đạo luật giám sát rủi ro đầu tư nước ngoài vào tháng 6 như một cách để hạn chế đầu tư của Trung Quốc, thay vì dựa vào luật tình trạng khẩn cấp quốc gia vốn hiếm khi được sử dụng.
Đạo luật này cho phép Ủy ban đầu tư nước ngoài ở Mỹ, trực thuộc Bộ Tài chính, thêm quyền để điều tra và ngăn chặn các giao dịch nước ngoài ảnh ưởng đến an ninh quốc gia.
Mặc dù dự luật không chọn lọc ra các quốc gia thuộc diện cần phải giám sát đặc biệt, nhưng nó khiến các nhà đầu tư từ một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn hơn để giành được hợp đồng trong các lĩnh vực quan trọng.
Theo đạo luật mới, quy trình xem xét một giao dịch kinh tế từ nước ngoài sẽ dài hơn và yêu cầu đánh giá bắt buộc các giao dịch trong đó chính phủ nước ngoài sẽ nắm giữ “lợi ích đáng kể” trong các lĩnh vực công nghệ, cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc các công ty nắm giữ dữ liệu cá nhân nhạy cảm của công dân Hoa Kỳ.
Luật hiện hành cho phép giám sát các hoạt động thâu tóm các tòa nhà và hiện nay luật mới đã mở rộng sang các hoạt động mua bán, cho thuê bất động sản ở gần các khu quân sự hoặc cảng biển.
Dù không nói rõ đạo luật này nhắm đến Trung Quốc, nhưng các nhà làm luật cho rằng nó sẽ xem xét đến liệu các giao dịch có liên quan đến quốc gia “đáng lo ngại nhất đã từng tuyên bố về mục tiêu chiến lược thâu tóm công nghệ và cơ sở hạ tầng trọng yếu, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Mỹ hay không.”
Đây dường như nhắm đến Trung Quốc và kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc nhằm trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực về hàng không vũ trụ và trí tuệ nhân tạo.
Những động thái cứng rắn gần đây của Tổng thống Trump và đội ngũ của ông ta đang đặt Trung Quốc trước quyết định hoặc phải chịu nhượng bộ và thâu lại “bàn tay đen” khỏi nền kinh tế, hoặc phải tiếp tục chịu đựng hậu quả đau đớn và hoàn cảnh ngày càng khó khăn do cuộc chiến thương mại mang tới.
Tổng hợp từ MarketWatch, Bloomberg,
Ngọc Hằng
Xem thêm:
Từ khóa thương mại Mỹ - Trung chiến tranh thương mại Mỹ Trung Donald Trump