Truyền thông Mỹ nhấn mạnh cuộc cách mạng AI của NVIDIA
- Theo RFA
- •
Những bình luận nổi bật của CEO công nghệ chip người Mỹ gốc Đài Loan Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân) về tình trạng công nghệ của Đài Loan đã thu hút chú ý của công luận quốc tế. Nhân sự kiện này, WSJ của Mỹ chỉ ra rằng NVIDIA đã dẫn dắt thế giới bước vào cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI), thúc đẩy cuộc đua xây dựng “chủ quyền AI”.
Động thái đó khiến giới truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như cộng đồng mạng dư luận viên nhí (tiểu phấn hồng) tức giận. Tờ Guancha Trung Quốc có tuyên bố mạnh mẽ rằng các công ty Đại Lục không thể hợp tác với bất kỳ công ty nào ủng hộ “Đài Loan độc lập”, theo đó yêu cầu ông Jensen Huang đưa ra lời giải thích là do “lỡ lời” hay “cố ý”? Nhưng cũng có người cho hay, dù có gọi như vậy thì ĐCSTQ cũng không dám áp đặt trừng phạt [Jensen Huang], chỉ có thể “mũ ni che tai”.
Trước sự bất bình của dư luận ĐCSTQ với “làn sóng Jensen Huang” kéo dài 14 ngày ở Đài Loan và những nhận xét ca ngợi Đài Loan gây vấn đề với ĐCSTQ, ông Jensen Huang trả lời trong một cuộc phỏng vấn khi trở về Mỹ hôm 8/6 rằng điều đó không liên quan đến địa chính trị, “Tôi chỉ muốn cảm ơn tất cả các đối tác trong ngành công nghệ vì sự hỗ trợ và đóng góp của họ cho ngành”.
- Vượt qua Apple, Nvidia trở thành công ty lớn thứ hai thế giới với giá trị vốn hóa hơn 3.000 tỷ USD
- Phát biểu của CEO NVIDIA liên quan đến Đài Loan gây tranh cãi trên mạng TQ
Thế giới bước vào thời kỳ bùng nổ đầu tư AI
WSJ đưa tin rằng các chính phủ ở châu Á, Trung Đông, châu Âu và châu Mỹ hiện đang vào cuộc đua xây dựng “chủ quyền AI”, tất cả đang cuốn vào làn sóng bùng nổ đầu tư vào AI để nâng cấp cơ sở máy tính AI của họ và khuyến khích các công ty địa phương và đa quốc gia xây dựng các trung tâm dữ liệu mới.
Trong 10 tháng qua, ông Jensen Huang đã liên tiếp gặp Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các quan chức Canada để thúc đẩy các chính phủ và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm giám sát cơ sở hạ tầng máy tính bản địa của các công ty viễn thông và đơn vị dịch vụ công cộng đầu tư vào AI. Ông nói tại Dubai vào tháng Hai: “Dữ liệu của bên nào thì bên đó cần tổ chức lại và hoàn thiện nguồn dữ liệu đó, để có bản quyền AI quốc gia đó, không thể để ai khác làm được điều đó”.
WSJ chỉ ra tín hiệu mà ông Jensen Huang muốn nhắn gửi là “mỗi nước nên có AI riêng”. Một số chính phủ vô cùng lo lắng về việc cuộc cách mạng AI tạo sinh (Generative AI) sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế của họ, còn các công ty công nghệ như NVIDIA đang nhanh chóng tăng lượng khách hàng nhờ làn sóng cách mạng AI này.
Nhiều chính phủ đang đầu tư lớn về AI
Tờ WSJ nêu trường hợp tiêu biểu từ Singapore, cho hay Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Singapore đang được nâng cấp với chip AI mới nhất của NVIDIA, trong khi đó công ty viễn thông quốc doanh Singtel đang hợp tác với NVIDIA để thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh trung tâm dữ liệu của công ty tại Đông Nam Á. Ngoài ra Singapore đã đi đầu trong việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) về AI được đào tạo trên cơ sở các ngôn ngữ Đông Nam Á.
Hay như Chính phủ Canada đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD dành cho các công ty khởi nghiệp và nhà nghiên cứu AI, nhằm thúc đẩy chiến lược chủ quyền AI; Nhật Bản cũng tuyên bố sau chuyến thăm của Jensen Huang rằng họ sẽ đầu tư khoảng 740 triệu USD trong năm nay để nâng cao sức mạnh điện toán AI trong nước.
Tại châu Âu, các công ty viễn thông ở Pháp và Ý đang sử dụng chip NVIDIA để chế tạo siêu máy tính AI nhằm phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn cho ngôn ngữ địa phương. Tổng thống Pháp Macron đã kêu gọi châu Âu thiết lập mối quan hệ đối tác giữa chính phủ và vốn xã hội (PPP) để mua thêm bộ xử lý đồ họa, chip lõi để đào tạo AI, đồng thời có kế hoạch đến năm 2030 hoặc 2035 tăng tỷ lệ triển khai GPU toàn cầu của châu Âu lên 20% từ mức 3% hiện tại.
Kenya đã ký thỏa thuận với G42 – một công ty AI được Microsoft và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hỗ trợ, theo đó chi 1 tỷ USD xây dựng trung tâm dữ liệu trong nước và phát triển các mô hình đào tạo trực tiếp bằng tiếng Swahili và tiếng Anh.
Công ty NVIDIA cho biết vào tháng trước rằng chiến lược được gọi là “chủ quyền AI” của họ dự kiến sẽ mang lại doanh thu gần 10 tỷ USD trong năm nay. NVIDIA báo cáo doanh thu hàng quý là 26 tỷ USD, gần một nửa trong số đó đến từ các công ty điện toán đám mây lớn sử dụng chip của hãng.
WSJ cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đang bán trung tâm dữ liệu và khả năng AI cho các nước châu Phi như Ai Cập, nhưng hiệu suất của chip AI nội địa Trung Quốc hiện không bằng chip của Mỹ, do đó những bên cung ứng được chọn ưu tiên vẫn là từ Mỹ, mặc dù Mỹ đang hạn chế cấp phép xuất khẩu công nghệ tiên tiến cho một số nước “nhạy cảm”.
Từ khóa AI NVIDIA Hoàng Nhân Huân Jensen Huang trí tuệ nhân tạo