Từ 1/5: Tính phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, chứng nhận khách sạn 5 sao
- Tường Văn
- •
Từ tháng 5/2018, Bộ Tài chính quy định mức phí để được công nhận khách sạn 5 sao là 3,5 triệu đồng, phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch là 650 ngàn đồng/thẻ.
Bên cạnh đó còn có các chính sách nổi bật như: Cước di động giảm 20%; Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mua xe phải qua đấu thầu; kinh doanh đa cấp phải có vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng…
Muốn được công nhận khách sạn 5 sao phải mất phí 3,5 triệu đồng
Bộ Tài chính ra Thông tư 34/2018 có hiệu lực từ ngày 14/5 quy định các mức phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Theo thông tư, mức phí thẩm định đối với hạng 1 sao, 2 sao là 1,5 triệu đồng/hồ sơ; hạng 3 sao là 2 triệu đồng; còn đối với hạng 4 sao, 5 sao mức phí sẽ là 3,5 triệu đồng.
Ngoài ra, mức phí thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh lưu trú khác đủ tiêu chuẩn để phục vụ khách là 1 triệu đồng/hồ sơ.
Muốn được cấp thẻ ‘hướng dẫn viên du lịch’ phải nộp 650 ngàn đồng
Một quy định khác của Bộ Tài chính trong Thông tư 33 về phí thẩm định cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch sẽ có hiệu lực từ ngày 14/5.
Theo đó, mức phí phải đóng để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa là 650 ngàn đồng/thẻ; và 200 ngàn đồng/thẻ đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Bên cạnh đó, phí cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa lần lượt là 3 triệu, 2 triệu và 1,5 triệu đồng/giấy phép.
Riêng giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, ngoài lệ phí cấp mới là 3 triệu đồng, còn có mức phí điều chỉnh, gia hạn là 1,5 triệu đồng/giấy phép.
Giảm 20% giá cước các mạng điện thoại di động
Theo Thông tư 58 của Bộ TT&TT, từ ngày 1/5 giá cước kết nối cuộc gọi đến mạng Viettel sẽ được giảm từ 500 đồng/phút xuống còn 400 đồng/phút, trong khi đối với các mạng còn lại mức giảm sẽ từ 550 đồng/phút xuống còn 440 đồng/phút.
Ngoài ra, giá cước các cuộc gọi mạng nội hạt đến thuê bao di động cũng được giảm còn 320 đồng/phút, thay cho quy định hiện hành 415 đồng/phút.
Công ty bán hàng đa cấp phải có vốn điều lệ ít nhất 10 tỷ đồng
Quy định được đưa ra trong Nghị định 40 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp có hiệu lực kể từ ngày 2/5.
Theo đó, các tổ chức đăng ký kinh doanh loại hình đa cấp phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là Doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam, chưa từng bị thu hồi giấy phép kinh doanh đa cấp,
- Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên,
- Các hợp đồng tham gia bán hàng, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo minh bạch, phù hợp với quy định.
DNNN mua xe phải qua đấu thầu
Theo Nghị định 32 của Chính phủ về đầu tư vốn vào doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/5, khi doanh nghiệp mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (bao gồm cả mua xe) đều phải được thực hiện thông qua đấu thầu theo quy định.
Thêm vào đó, DNNN không được sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất để góp vốn, mua cổ phần hoặc đầu tư vào bất động sản, ngân hàng và công ty bảo hiểm…
Gian lận để trục lợi bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu đồng
Đó là quy định tại Nghị định 48 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/5. Theo đó, các hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm với số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 90 – 100 triệu đồng.
Các hành vi bị cho là gian lận bao gồm:
- Thông đồng với người thụ hưởng bảo hiểm để giải quyết bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm trái luật.
- Tự gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản của mình để hưởng bảo hiểm.
- Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường để từ chối bồi thường hoặc chi trả tiền bảo hiểm.
Tường Văn
Xem thêm:
Từ khóa bộ tài chính Chính sách kinh tế Chính sách thuế Chính sách