Ví điện tử Moca thông báo dừng hoạt động từ 1/7
- Phan Vũ
- •
Từ 1/7/2024, Moca dừng cung cấp dịch vụ ví điện tử Moca, bao gồm cả ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab. Grab cho biết, khách hàng sử dụng Grab có thể lựa chọn các ví điện tử khác để tiếp tục thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo thông báo từ Moca: “Công ty đã có những đánh giá cẩn trọng và đưa ra quyết định thực hiện chiến lược tái cấu trúc nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững. Theo đó, công ty ngừng cung cấp dịch vụ Ví điện từ Moca từ ngày 1/7/2024.”
Theo lộ trình, từ ngày 31/5/2024, Moca sẽ ngừng tiếp nhận yêu cầu mở thêm tài khoản ví điện tử Moca cho người dùng mới tại Việt Nam.
Trong giai đoạn chuyển giao diễn ra từ ngày 31/5/2024 đến hết ngày 30/6/2024, người dùng Moca có thể rút tiền về tài khoản hoặc thẻ ngân hàng liên kết bất cứ lúc nào và/hoặc sử dụng số dư còn lại trong ví điện tử Moca.
Bắt đầu từ ngày 1/7/2024, Moca sẽ tiến hành hoàn trả toàn bộ số dư còn lại (nếu có) cho người dùng. Việc hoàn tiền sẽ được hệ thống thực hiện tự động, dự kiến hoàn tất chậm nhất vào ngày 31/7/2024.
“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác ngân hàng để đảm bảo việc hoàn trả số dư trên ví điện tử Moca diễn ra một cách chính xác, an toàn và thuận lợi nhất có thể, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành”, ông Nguyễn Xuân Việt Bình – Giám đốc Moca cho biết.
Công ty cũng đổi địa chỉ trụ sở chính hồi đầu tháng 4/2024.
Moca tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca được thành lập năm 2013 bởi một nhóm cựu nhân sự cao cấp của Microsoft, Google và các chuyên gia hàng đầu trong ngành tài chính, ngân hàng tại Việt Nam.
Moca xây dựng ứng dụng trên di động giúp người dùng thanh toán trực tuyến hoặc trực tiếp một cách an toàn và thuận lợi với thẻ ATM, thẻ Visa/Mastercard/JCB.
Ngày 25/2/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho Công ty cổ phần Công nghệ và Dịch vụ MOCA (Giấy phép số 32/GP-NHNN). Moca hiện đang hợp tác với những ngân hàng hàng đầu Việt Nam và các đơn vị bán hàng lớn để mang đến cho người dùng một hệ sinh thái phong phú và tiện lợi cho hoạt động thanh toán hàng ngày.
Từ tháng 10/2018, Grab bắt đầu chuyển sang Moca để làm ví điện tử thanh toán cho khách hàng. Từng là phương thức thanh toán trung gian duy nhất trên Grab, nhưng Moca đã phải chấp nhận chia sẻ thị phần với MoMo sau cú bắt tay chính thức của ví điện tử này với Grab Việt Nam vào tháng 11/2023. Theo đó, hơn 30 triệu người dùng ví điện tử MoMo có thể thanh toán trên ứng dụng Grab khi đặt xe, mua đồ ăn, đi chợ online,…
Grab cho biết, để tiếp tục thanh toán không tiền mặt, khách hàng có thể sử dụng các ví điện tử khác như ZaloPay, MoMo hoặc thẻ ngân hàng.
Đây là một phần của chiến lược tái cấu trúc danh mục dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm hướng đến thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, phía Moca cho biết.
Sau ngày này, Moca tiếp tục là đối tác chiến lược của Grab cho các hoạt động thanh toán trực tuyến, cung cấp một số dịch vụ trung gian thanh toán cho toàn bộ hệ sinh thái Grab tại Việt Nam.
“Quyết định này được đưa ra sau khi chúng tôi đã có những cân nhắc và đánh giá rất cẩn thận”, ông Nguyễn Xuân Việt Bình – Giám đốc Moca – chia sẻ.
“Với việc tái cấu trúc danh mục dịch vụ, chúng tôi có thể tập trung vào các lĩnh vực mà chúng tôi có thể mang lại giá trị tốt hơn nữa cho người dùng, đồng thời thúc đẩy công ty tăng trưởng một cách hiệu quả và bền vững.”
Trong mảng thanh toán điện tử, Grab hợp tác chiến lược với Moca từ năm 2018, liên tục đổi tên thành GrabPay, rồi GrabPay by Moca, sau đó lấy lại tên Moca.
Một chuyên gia trong ngành cho biết, việc Grab buông mảng thanh toán, bên cạnh lý do vướng mắc về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong trung gian thanh toán, còn có thể nhằm mục tiêu tối ưu lợi nhuận trong bối cảnh ví điện tử vẫn là mảng “đốt tiền”.
Trong khi MoMo và ZaloPay đi theo mô hình Hub of Payment Service (cổng dịch vụ thanh toán), Grab đi theo hướng Super App xoay quanh mảng cốt lõi là gọi xe.
“Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, đi theo mô hình Aggregator như ApplePay hay SamsungPay – tích hợp dịch vụ thanh toán liên kết trực tiếp với thẻ ngân hàng – hợp lý hơn rất nhiều so với việc duy trì một ví điện tử trong hệ sinh thái”, vị chuyên gia trên cho biết.
Tại các thị trường khác, tùy quy định của nước sở tại, Grab bước vào mảng thanh toán với các cách thức khác nhau. Ở Indonesia, Grab hợp tác với ví điện tử OVO. Còn ở Singapore, hãng công nghệ này hợp tác với Singtel cho ra đời ngân hàng số GXS.
Trong bối cảnh Grab rút khỏi mảng ví, Gojek sau khi thâu tóm ví điện tử WePay đã đổi tên ví này thành GoPay. Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 3/2024, có 51 tổ chức được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Từ khóa Grab Moca Ví điện tử Moca