Vì sao Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi bất ngờ ca ngợi Mỹ, ‘lạc điệu’ với ông Tập?
- Điền Tư Vân
- •
Gần đây, người sáng lập kiêm chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi đã ca ngợi rằng Mỹ là tấm gương cho thế giới, Huawei sẽ học hỏi tinh thần bao dung và cởi mở của Mỹ. Về tương lai của Huawei, ông thẳng thắn thừa nhận chưa biết liệu hãng có tồn tại được trong vài năm tới hay không, “Huawei đang vật lộn để tồn tại”. Ngoài ra, vị lãnh đạo Huawei cũng bày tỏ thất vọng về xu hướng ngày càng khép kín hiện nay của Trung Quốc.
Theo tờ Quan sát (Observer) đưa tin ngày 14/10, ông Nhậm Chính Phi đã tổ chức một buổi hội nghị chuyên đề với chủ tịch, người huấn luyện và các thí sinh đoạt giải của ICPC (giải lập trình quốc tế của các trường đại học), biên bản được công bố vào ngày 31/10. Tại hội nghị, ông Nhậm Chính Phi chỉ ra Mỹ rất phát triển về khoa học và công nghệ nhờ tinh thần bao dung và cởi mở. Nhân tài từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ để thỏa chí sáng tạo, thúc đẩy tính đa nguyên văn hóa – xã hội – công nghệ của nước Mỹ. Nước Mỹ là tấm gương cho tất cả các nước và công ty trên thế giới, tức là phải mở cửa, đóng cửa thì tụt hậu. Huawei nên học hỏi tinh thần cởi mở từ Mỹ.
Ngoài ra, ông tin rằng xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI) của thế giới là không thể ngăn cản. Sự phát triển của các công nghệ khác nhau như chip và sức mạnh tính toán đã thúc đẩy sự xuất hiện của kỷ nguyên AI. Cũng giống như nước Anh đã tạo ra bước ngoặt của thời đại qua những phát minh ra xe lửa, máy dệt, tàu thủy, bước ngoặt của thời đại hiện nay là việc ứng dụng AI.
Lợi nhuận ròng của Huawei giảm 13,8% trong 3 quý đầu năm
Trang thông tin kinh tế – tài chính Trung Quốc, tờ Yicai đưa tin rằng thông tin về tài chính, ngày 31/10 Huawei đã công bố báo cáo tài chính của công ty mẹ hợp nhất trong quý 3 năm nay cho thấy, thu nhập hoạt động của công ty là 585,9 tỷ nhân dân tệ (RMB) và lợi nhuận ròng là 62,9 tỷ RMB. Cùng kỳ năm ngoái, doanh thu bán hàng là 456,6 tỷ RMB và lợi nhuận ròng là 73 tỷ RMB. Nghĩa là doanh thu 3 quý đầu năm nay của Huawei tăng 28,3% nhưng lợi nhuận ròng lại giảm 13,8%.
Một số nguồn tin tài chính cho rằng việc Huawei sụt giảm lợi nhuận trong 3 quý đầu năm nay có liên quan đến thời gian kết toán các mảng kinh doanh như vụ Honor. Honor là thương hiệu con của Huawei được thành lập vào năm 2011, bắt đầu hoạt động độc lập vào năm 2013. Công ty tập trung vào thị trường điện thoại di động giá cả phải chăng và cũng sản xuất các sản phẩm khác như máy tính xách tay, máy tính bảng.
Dữ liệu cho thấy, doanh số điện thoại thông minh của Huawei trong quý 3 năm nay đã tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái và thị phần của hãng tăng lên 15,3%. Nhưng tại thị trường nội địa Trung Quốc, nhiều thương hiệu điện thoại đang có sức cạnh trạnh mạnh mẽ trước Huawei.
Về tương lai của Huawei, ông Nhậm Chính Phi vẫn có cảm giác khủng hoảng. Ông thẳng thắn: “Cho đến ngày nay, chúng tôi vẫn không thể nói rằng chúng tôi sẽ tồn tại. 99% công ty ở Trung Quốc có thể hợp tác với Mỹ vì họ chưa bị Mỹ ngăn chặn. Sức mạnh tính toán chip của họ cao hơn chúng tôi, và những thứ họ có thể mua được đều tốt hơn của chúng tôi. Trong điều kiện như vậy thì tôi không thể chắc chắn khả năng tồn tại trong vài năm tới. Đừng nghĩ rằng khi chúng ta tập hợp lại với nhau ngày hôm nay là chúng ta có những ước mơ lớn lao, không, chúng ta vẫn đang loay hoay”.
‘Mr. Shen’: Tại sao Huawei phải chết?
Một blogger nổi tiếng người Canada gốc Hoa là ‘Mr. Shen’ (‘Công tử Thẩm’) cho rằng những nhận xét nêu trên của ông Nhậm Chính Phi đã dội một gáo nước lạnh vào những dư luận viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang hồ hởi ca ngợi Huawei. Thực tế không như họ tưởng tượng rằng Huawei có thể thống trị thế giới và vượt lên các công ty Mỹ, ngược lại là không thể chắc chắn khả năng tồn tại của Huawei trong ngắn hạn.
Mr. Shen cho biết, trong chương trình cách đây vài năm ông từng lưu ý “Tại sao Huawei phải chết”, vì thế giới không thể dung chứa Huawei. Vì Huawei đại diện cho trỗi dậy của Trung Quốc, trong khi trỗi dậy của Trung Quốc đại diện cho sự xâm nhập của bộ máy nhà nước độc tài đảng trị vào thế giới, gây tổn hại lớn cho các nước tự do và dân chủ. Đây là điều mà cộng đồng quốc tế chính thống không thể cho phép. Vì vậy, Huawei phải chết, và chắc chắn hãng sẽ trở thành nạn nhân của Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ.
Về vấn đề ông Nhậm Chính Phi cho biết 99% công ty Trung Quốc có thể hợp tác với Mỹ mà họ không phải chịu lệnh trừng phạt, Mr. Shen cho rằng điều này cho thấy Mỹ không nhắm mục tiêu vào tất cả các công ty Trung Quốc và không phải chủ trương hạn chế sự phát triển của Trung Quốc. Họ nhắm mục tiêu vào các công ty làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ và vi phạm lợi ích quốc gia của Mỹ. Ông cho hay phương Tây đã xuất khẩu sang Trung Quốc công nghệ, vốn và kinh nghiệm quản lý, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ cao Trung Quốc; nếu tất cả điều này bị gián đoạn do xung đột địa chính trị, thì sẽ là thảm họa lớn đối với sinh tồn của các công ty liên quan.
Bất mãn xu hướng đóng cửa của Trung Quốc
Ông Nhậm Chính Phi nhận thức rất rõ rằng Trung Quốc hiện đang phát triển theo hướng ngày càng khép kín, ngày càng thù địch với phương Tây và bị coi là thủ phạm chính phá hoại trật tự quốc tế. Bối cảnh đó làm sao Huawei có thể tồn tại? Vì vậy, ông không ngừng ca ngợi Mỹ, hàm ý đằng sau là ông ngày càng không hài lòng với đường lối của ĐCSTQ hiện nay, nhưng ông không thể nói thẳng ra.
Mr. Shen cho rằng Huawei “bị Đảng bắt cóc”. Ngày nay, ĐCSTQ hỗ trợ Huawei cho họ nhiều khoản ưu đãi, nhưng trong thâm tâm Nhậm Chính Phi biết rằng công nghệ cốt lõi của họ là của phương Tây và các con chip cao cấp là của TSMC Đài Loan. Nếu muốn sản xuất bất kỳ thiết bị và sản phẩm tiên tiến nào, ông phải tìm cách lách các lệnh trừng phạt của Mỹ. Gần đây có thông tin tiết lộ rằng một số công ty ‘găng tay trắng’ đã giúp Huawei có được chip TSMC, nhưng điều này sẽ không đi xa được, vì gian lận sớm muộn gì cũng bị phát hiện, mọi doanh nghiệp muốn hoạt động bền vững thì không thể duy trì bằng phương thức gian lận.
Chắc hẳn ông Nhậm Chính Phi đã thấy tương lai rất ảm đạm và con đường phía trước rất gập ghềnh và đầy bất ổn, không phải là điều tốt cho một doanh nghiệp quy mô lớn như Huawei. Có thể giải thích rằng trong tình thế đang khủng hoảng, ông phải nói điều gì đó để lấy lòng Mỹ.
Tuy nhiên, Mr. Shen tin rằng Chính phủ Mỹ sẽ không nới lỏng cảnh giác với ông chủ của bất kỳ công ty nào chỉ vì người đó tỏ ra thân Mỹ, nói gì Huawei đã bị gắn mác cờ đỏ năm sao và đã trở thành đại diện cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan của ĐCSTQ. Huawei bị kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ. Là một công ty Trung Quốc khiến họ chịu sự giám sát của ĐCSTQ, đồng thời được giao nhiệm vụ chính trị là chống lại Mỹ và thống trị thế giới, như vậy không khác gì đặt Huawei lên giàn lửa. Các lãnh đạo cấp cao của Huawei biết rằng điều này thực sự đang giết chết họ, vì họ không thể tự cung cấp được những công nghệ cốt lõi của.
Như phát biểu của ông Nhậm Chính Phi tại hội nghị, Mỹ đã thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới nhờ tinh thần cởi mở và bao dung vượt xa Trung Quốc. Vì vậy, ông cho biết muốn học hỏi Mỹ, cho rằng nếu đóng cửa sẽ bị tụt lại phía sau.
Mr. Shen cũng đề cập đến một quan sát thú vị: Tại sao Trung Quốc phải có khả năng tự chủ sản phẩm thay thế? Nguyên nhân là ĐCSTQ đã tự biến mình thành “thế giới thu nhỏ” để cạnh tranh với phương Tây. “Chúng ta phải có mọi thứ mà thế giới phương Tây có, và chúng ta phải có những gì phương Tây không có”. Và những người được gọi là “yêu nước” coi việc mua sản phẩm nội địa là tiêu chuẩn của lòng yêu nước. Họ hy vọng sau khi Trung Quốc có thương hiệu riêng sẽ loại bỏ hết thương hiệu nước ngoài. Suy nghĩ của họ là chống toàn cầu hóa và không tin tưởng vào chủ nghĩa tư bản, đó chính xác là những gì chủ nghĩa cộng sản đã gây ra.
Điền Tư Vân, Vision Times
Từ khóa Huawei Nhậm Chính Phi