Vì sao Shopee rút khỏi thị trường nhiều nước?
- Bình Minh
- •
Sàn thương mại điện tử Shopee tiếp tục cắt giảm chi phí trên toàn cầu trong năm nay. Ngoài việc rút dần khỏi thị trường đa quốc gia, gần đây có thông tin cho rằng Shopee sa thải nhân viên Trung Quốc trên quy mô lớn, và chi nhánh tại Đài Loan cũng bắt đầu sa thải nhân viên, do vốn hỗ trợ phía sau không thể bù lỗ. Nguồn vốn ấy đến từ đâu?
Theo báo chí đưa tin, từ đầu năm đến nay, Shopee tiếp tục cắt giảm chi phí trên toàn cầu. Tại thị trường Đông Nam Á, hãng đã tăng các khoản phí liên quan đến giao dịch như hoa hồng, phí thanh toán, cước phí, và liên tiếp đóng cửa các trang web ở Pháp, Ấn Độ và Tây Ban Nha.
Có thông tin rằng Shopee sẽ tiếp tục thu hẹp tại Việt Nam, đóng cửa tại Chile, Colombia và Mexico, đồng thời rút hoàn toàn khỏi thị trường Argentina. Ngoài ra, sau đợt sa thải lớn trước đây ở Trung Quốc, gần đây các nhân viên của Shopee tại Đài Loan cũng được thông báo về việc cắt giảm nhân viên.
Vốn đằng sau Shopee không thể bù lỗ
Shopee có trụ sở chính tại Singapore, do ông Lý Tiểu Đông (Forrest Li – SN 1977, người Thiên Tân, Trung Quốc) sáng lập. Ông tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải, và di cư đến Singapore sau khi lấy bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Stanford.
Năm 2017, Shopee phát động cuộc chiến thương mại điện tử tại Đài Loan. Một số luật sư cáo buộc Shopee cố gắng che đậy danh tính vốn Trung Quốc của mình, cổ đông lớn đứng sau họ là Tencent của Trung Quốc.
Tháng 2/2022, Tencent bắt đầu giảm nắm giữ số lượng cổ phiếu của Tập đoàn Sea (Đông Hải), công ty mẹ của Shopee. Vào tháng Chín, họ thông báo từ bỏ mọi quyền biểu quyết trong Tập đoàn Sea và rút khỏi hội đồng quản trị.
Ông Chris Feng, Giám đốc điều hành Shopee, cho biết trong một email nội bộ rằng “trong bối cảnh bất ổn vĩ mô gia tăng hiện nay”, Sea Ltd. cần “tập trung nguồn lực vào các hoạt động cốt lõi”.
Theo công ty nghiên cứu Sensor Tower, từ lâu Free Fire đã là trò chơi sinh lợi nhất của Sea, mang lại lợi nhuận lên đến hơn 4 tỷ USD tính đến năm 2021 kể từ khi phát hành vào năm 2017.
Lợi nhuận từ trò chơi này đã giúp hỗ trợ các doanh nghiệp không có lãi nhưng đang phát triển nhanh như Shopee. Tuy nhiên, doanh thu từ mảng trò chơi cũng sụt giảm do Free Fire gặp khó khăn sau khi bị Chính phủ Ấn Độ cấm vào tháng Hai.
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, ông Từ Khâm Hoàng, chuyên gia tài chính và kinh tế, chỉ ra rằng việc miễn phí vận chuyển và trợ cấp vốn của Shopee, phản ánh lối tư duy về việc mở rộng thị trường vốn của Trung Quốc trong quá khứ.
Họ cho rằng mình có đủ vốn, vẫn có thể tiếp tục kinh doanh dù thua lỗ. Đợi đến khi hạ gục đối thủ cạnh tranh và độc chiếm thị trường, họ có thể từ từ xoay chuyển lợi nhuận của mình.
“Nhưng lối suy nghĩ này đã qua”, ông Từ Khâm Hoàng cho biết. Shopee dần rút khỏi thị trường đa quốc gia, vì nguồn vốn phía sau đã không thể bù lỗ.
Vì vậy họ phải hành động. Thứ nhất, đóng cửa thị trường không tạo ra tiền và không thể cạnh tranh với người khác. Thứ 2, khi thua lỗ, họ cần cắt giảm chi phí như sa thải nhân viên. Ý nghĩa đằng sau 2 hành động này là giai đoạn mở rộng vốn của thị trường Trung Quốc đã chính thức kết thúc.
Ông Từ Khâm Hoàng cho rằng logic của hoạt động kinh doanh thông thường là tập trung vào vốn và lợi nhuận. Phương thức mở rộng bất thường của Shopee – sử dụng trợ cấp lỗ để đổi lấy thị phần – sẽ thất bại ở một giai đoạn nào đó. Khi quay lại cạnh tranh với các đối thủ khác, chất lượng và lợi ích mang tới cho người tiêu dùng mới là thời điểm quyết định.
Ông Ngô Sư Hào, Giáo sư tại Khoa Tiếp thị và Quản lý Lưu thông tại Đại học Khoa học và Công nghệ Cao Hùng, Đài Loan, nói với Epoch Times rằng Shopee bị thua lỗ nghiêm trọng, vì vậy chi nhánh tại Đài Loan cũng bắt đầu thu hẹp và rút vốn.
Các doanh nghiệp thường tập trung vào một vài thị trường chính trước, sau đó từ từ mở rộng, còn Shopee thì “nở rộ khắp nơi”, quốc gia nào cũng có mặt. Nếu không tập trung thị trường tài nguyên sẽ bị phân tán, khiến lợi nhuận bị phân chia.
“Shopee sử dụng phương pháp chi phí thấp, thậm chí miễn phí để thâm nhập thị trường. Nhưng phương pháp này là một cuộc huyết chiến không thể kéo dài, chỉ cần xem ai có thể cầm cự được lâu hơn, nếu đối thủ cầm cự được thì họ sẽ thua.”
Giá thấp hoặc giao hàng miễn phí không phải là một chiến lược tốt
Ông Ngô Sư Hào nói: “Đối với tất cả các chiến lược tiếp thị, sử dụng giá thấp hoặc giao hàng miễn phí không phải là một chiến lược tốt, vì họ chỉ đang rải tiền.”
Những vấn đề Shopee phải đối mặt sau khi bắt đầu tính phí, ngoài việc sự cạnh tranh với các nền tảng thương mại điện tử khác ở Đài Loan, như PChome và Momo, là liệu người tiêu dùng có trả tiền cho giá trị phụ thêm mà họ cung cấp hay không.
Liệu các công ty thương mại điện tử khác của Trung Quốc như Taobao, Tmall… có phải đối mặt với tình trạng ế ẩm như vậy trong nước hay không? Về vấn đề này, ông Ngô Sư Hào cho rằng Taobao và Tmall từng quá nổi tiếng nên đã bị chèn ép. Họ chịu sự ảnh hưởng từ các chính sách thắt chặt của Chính phủ Trung Quốc.
Ông Ngô Sư Hào nói rằng số phận của các nền tảng thương mại điện tử lớn này phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nếu chính phủ không mong muốn những kênh thương mại điện tử mở rộng tới mức khó kiểm soát, họ có thể bắt đầu thắt chặt, kìm hãm đà tăng trưởng của các công ty này.
Ông nói ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài phát hiện ra rằng các chính sách của chính quyền ĐCSTQ có thể thay đổi như lật bàn tay, cấm ngành học thêm dạy thêm là một ví dụ.
Từ khóa shopee Dòng sự kiện