Trong bài viết mới đây, tờ Bloomberg nhận định, Việt Nam đã tận dụng được lợi thế để tăng đều dòng vốn đầu tư và năng lực sản xuất các thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, còn nhiều rào cản Việt Nam cần vượt qua để xây dựng mối quan hệ có lợi với Big Tech và và khẳng định vai trò hiện tại của mình trong ngành công nghệ toàn cầu.

shutterstock 2148379161
(Ảnh minh họa: Tada Images/Shutterstock)

Việt Nam trong tầm ngắm của nhiều ông lớn công nghệ 

Mới đây, Việt Nam đã công bố Meta Platforms Inc. sẽ mở rộng sản xuất một dòng sản phẩm kính thực tế hỗn hợp mới giá rẻ sang Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết  nếu kế hoạch được triển khai ​​sẽ tạo ra 1.000 việc làm và “nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong hệ sinh thái sản xuất của Meta”.

Năm học tới, Facebook cũng cam kết sẽ triển khai khóa học về kiến ​​thức trí tuệ nhân tạo (AI) có tính tín chỉ tại Đại học Quốc gia Việt Nam. Đây là cơ hội cho Việt Nam tăng cường đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ cao.

Đầu năm nay, Apple Inc. đã cam kết tăng chi tiêu cho các nhà cung cấp tại Việt Nam. Theo báo chí nhà nước đưa tin, Apple xác nhận rằng họ đang mở rộng các cam kết với số tiền không xác định. Số lượng nhà cung cấp cho nhà sản xuất iPhone hoạt động tại Việt Nam đã tăng vọt vào năm ngoái. Tuy vậy, đa phần số đó là các công ty Trung Quốc hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài di dời hoạt động khỏi Trung Quốc.

Chính phủ Việt Nam mới đây cho biết SpaceX của tỷ phú Elon Musk có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ đô la vào nước này. Google của Alphabet Inc. cũng được cho là đang cân nhắc xây dựng một trung tâm dữ liệu siêu lớn tại Việt Nam.

Cuối năm ngoái, CEO của Nvidia, tỷ phú Jensen Huang, cũng đã có mặt ở Hà Nội và dường như đã bày tỏ kế hoạch thành lập một cơ sở tại Việt Nam.

Việt Nam cần giải quyết những vấn đề cốt lõi để tiến nhập vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu

Nhiều năm liền đóng vai phụ cho Trung Quốc trong ngành công nghệ đã khiến cơ sở hạ tầng của Việt Nam trở nên căng thẳng và lực lượng lao động phải vật lộn để theo kịp. Việc quá phụ thuộc vào đầu tư bên ngoài và xuất khẩu công nghệ cũng khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước sự suy giảm nhu cầu nước ngoài và các biến động thương mại.

Ngân hàng Thế giới mới đây đã cảnh báo vai trò kết nối của Việt Nam trong chuỗi cung ứng “có thể đang thu hẹp” trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu. WB cho rằng Việt Nam phải tập trung vào chính mình – nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa nền kinh tế để tiến lên chuỗi giá trị. Việt Nam cần đặt ra các yêu cầu mạnh mẽ hơn với các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech).

Việt Nam có thể học hỏi từ Trung Quốc trong mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ với Apple. Trung Quốc đã yêu cầu Apple chi lớn cho nghiên cứu phát triển cũng như đào tạo nhân lực kỹ thuật. Tất nhiên, việc này không thể đến trong một sớm một chiều hay thông qua các đòn bẩy chính sách một lần, mà là kết quả của việc triển khai kế hoạch chiến lược dài hạn.

Sử dụng các khoản đầu tư công nghệ để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế có giá trị cao, đồng thời xây dựng khả năng phục hồi lâu dài trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho các công ty công nghệ. Thung lũng Silicon đã dành nhiều năm để mời gọi Việt Nam trong khi vẫn theo đuổi Trung Quốc. Điều này thể hiện cam kết lâu dài và làm sâu sắc thêm mối quan hệ.

Cơ sở hạ tầng là một rào cản lớn khác của Việt Nam. Nguồn cung cấp điện ở phía Bắc đang phải đối mặt với căng thẳng khi khu vực này đang là tâm điểm của làn sóng đầu tư mới.

Reuters đưa tin vào tháng 5, trích dẫn các nguồn tin giấu tên, các quan chức đã âm thầm kêu gọi nhà cung cấp Foxconn của Apple tự nguyện giảm 30% mức sử dụng điện tại một số nhà máy lắp ráp của mình vào đầu năm nay. Yêu cầu này được đưa ra sau khi tình trạng mất điện xảy ra vào năm ngoái, và đã thực sự tác động tới sản lượng.

Năm 2023, Chỉ số hiệu suất hậu cần của Việt Nam đã bị tụt xuống hạng 43, giảm 4 bậc so với vị trí thứ 39 năm 2018.

Mặc dù có một số khó khăn trong quá trình phát triển, Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 7/10 cho thấy tăng trưởng đầu tư đã giảm ở hầu hết các quốc gia châu Á – với mức giảm đặc biệt mạnh ở Trung Quốc, Indonesia và Malaysia – nhưng lại tăng tương đối mạnh ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam được công bố cao bất ngờ (7,4%) bất chấp thiệt hại do bão Yagi gây ra. Đây là tín hiệu tích cực cho môi trường đầu tư của Việt Nam.

Những sự quan tâm của Big Tech đối với Việt Nam cho thấy mối quan hệ ràng buộc của Big Tech với quốc gia này đang diễn ra mạnh mẽ. Giờ đây, chính phủ Việt Nam cần xây dựng mối quan hệ đó trên vị thế nhà cung cấp chính và biến điều này thành một mối quan hệ cùng có lợi.

Phan Vũ (Theo Bloomberg)