Vietnam Airlines bán 35% vốn góp tại hãng Cambodia Angkor Air
- Thanh Minh
- •
Hãng Hàng không Vietnam Airlines (VNA) thông báo việc bán 35% vốn góp tại hãng Cambodia Angkor Air (K6), thu về tổng cộng 35 triệu USD (khoảng 811 tỷ đồng). Việc này được cho là giúp VNA bổ sung thêm dòng tiền hoạt động sau khi thua lỗ 9 quý liên tiếp.
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, VNA cho biết ngày 3/1/2022 và ngày 29/3/2022, hãng bay này đã nhận được số tiền lần lượt là 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air.
Bên cạnh đó, VNA cũng đã nhận khoản đặt cọc với giá trị 1 triệu USD trong năm 2019 tương ứng lũy kế 35% số cổ phần. Tổng cộng sau khi bán 35% cổ phần, VNA thu về 35 triệu USD, tương đương khoảng 811 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, hãng Hàng không Việt Nam sẽ hoàn thành các điều khoản trong thỏa thuận và có kế hoạch thanh lý phần vốn góp 14% còn lại của khoản đầu tư này trong năm 2022.
Sau khi chuyển nhượng, K6 không còn là công ty liên kết của VNA và hãng không phải hạch toán tình hình sản xuất, kinh doanh của K6 vào Báo cáo tài chính hợp nhất của hãng.
Kể từ khi đầu tư 49% vốn và trở thành cổ đông lớn của K6 vào năm 2009 nhằm hỗ trợ cho hãng hàng không Quốc gia Campuchia trong quá trình triển khai hoạt động, liên doanh K6 hầu như không có lãi và trở thành gánh nặng cho hãng bay của Việt Nam. Năm 2021, VNA ghi nhận 235 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cho K6.
VNA đã dự định thoái vốn khỏi K6 từ năm 2020 khi dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) bùng phát nhưng phải đợi đối tác chấp thuận các điều khoản đàm phán. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, đầu năm 2021, giá gốc khoản đầu tư vào K6 của VNA khoảng 868 tỷ đồng.
Trong năm 2021, Tổng công ty hàng không Việt Nam đã ký thỏa thuận bán hai tàu bay phản lực trong kế hoạch thanh lý 11 chiếc và đã thu được một phần giá trị hợp đồng. VNA sẽ thực hiện kế hoạch bán 9 tàu bay còn lại trong những năm tiếp theo. Tổng công ty này cũng đã thông qua kế hoạch bán 6 tàu bay cánh quạt ATR72 để thay thế bằng đội bay phản lực khu vực.
Ngoài ra, VNA đã thỏa thuận với các đối tác để hủy (không nhận) 4 tàu bay thân rộng Boeing 787-10 và Airbus A320 NEO. Bên cạnh đó, 5 tàu bay Boeing 787-10 và A320 NEO còn lại đã được gia hạn nhận tới cuối năm 2022 và 2023 thay vì nhận trong năm 2020 và 2021 theo thỏa thuận ban đầu.
Trước đó, ngày 20/5, Tổng công ty Hàng không Việt Nam công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022. Theo đó, VNA tiếp tục báo lỗ quý 1/2022 là 2.621 tỷ đồng (quý thứ 9 liên tiếp báo lỗ), nâng mức lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên hơn 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Từ khóa Vietnam Airlines Hàng không Việt nam VNA Cambodia Angkor Air