Vinachem vừa kiến nghị Chính phủ hàng loạt cơ chế ưu đãi để tập đoàn này thoát lỗ.

phan bon vinachem
Nhà máy sản xuất phân bón DAP – Vinachem. (Ảnh:dap-vinachem.com.vn)

Tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước mới đây, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) thừa nhận trong năm 2017, tập đoàn đã không bảo toàn và phát triển được nguồn Nhà nước tại tập đoàn do công ty mẹ hoạt động kinh doanh lỗ, phải trích lập dự phòng lớn.

Để cải thiện tình hình và đưa tập đoàn thoát khỏi thua lỗ, Vinachem đề xuất một số ưu đãi chính sách cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, Vinachem kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật số71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 0% – 5%; sửa Luật số 106/2016/QH13 nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu phân bón ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, Vinachem đề xuất Chính phủ giãn thời điểm thi hành quyết định của Thủ tướng và Bộ Tài Nguyên và Môi trường về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ đối với nhóm sản phẩm pin, ắc quy và cao su thêm 5 năm; điều chỉnh thuế VAT đối với thạch cao nhân tạo được chế biến, sản xuất trong nước từ 10% xuống mức 0%; điều chỉnh thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%.

Báo cáo về tình hình sử dụng vốn Nhà nước tại tập đoàn Vinachem, ông Nguyễn Phú Cường cho biết hệ số bảo toàn vốn Nhà nước của tập đoàn năm 2017 là 0,99 lần, ước 6 tháng đầu năm 2018 là 1,0 lần.

Vốn chủ sở hữu năm 2017 là 13.559 tỷ đồng, ước 6 tháng đầu năm 2018 là 13.625 tỷ đồng. Tổng tài sản năm 2017 là 20.797 tỷ đồng, ước 6 tháng đầu năm 2018 là 20.581 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2017 là 287 tỷ đồng, ước 6 tháng đầu năm 2018 là 70 tỷ đồng.

Về kết quả thực hiện cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, Vinachem đã hoàn thành thoái vốn, bán bớt vốn tại 13/17 doanh nghiệp trong hai năm 2016 và 2017. Dự kiến, trong năm 2018 Vinachem thực hiện thoái vốn tại 15 doanh nghiệp; năm 2019 tiếp tục thoái vốn tại 14 doanh nghiệp; đến năm 2020 sẽ hoàn tất thoái vốn tại 4 doanh nghiệp.

Được biết, Vinachem là tập đoàn sở hữu đến 4 trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương với tổng khoản lỗ phát sinh từ 4 đơn vị lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Theo ông Cường, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị này đã bắt đầu gia tăng hoạt động, số lỗ đã giảm mạnh, riêng Nhà máy sản xuất đạm DAP – Vinachem đã có lãi 15 tỷ đồng trong năm 2017 và lãi 115 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018.

Minh Sơn

Xem thêm: