Xe hơi Geely của Trung Quốc tiếp tục “thôn tính” xe hơi Daimler của Đức
- Minh Nguyệt
- •
Sau khi mua lại thương hiệu xe nổi tiếng Volvo của Thụy Điển, hãng xe hơi Geely của Trung Quốc tiếp tục chi 9 tỷ USD để trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler AG – nhà sản xuất ô tô có thương hiệu lâu đời của Đức. Chủ tịch Lý Thư Phúc (Li Shufu) của Geely nhấn mạnh, họ không dùng nguồn tiền ở Trung Quốc. Ngoài ra, có tin cho rằng Lý Thư Phúc có quan hệ tốt với lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, đây là vấn đề rất đáng chú ý.
Sau khi mua lại Volvo của Thụy Điển, hãng xe hơi Geely tiếp tục đầu tư mạnh vào Daimler AG của Đức và trở thành cổ đông lớn nhất (Nguồn: Getty Images)
Theo Hãng thông tấn DPA (Deutsche Presse-Agentur) ở Đức đưa tin, nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc là Geely đã trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler AG.
Thông tin trên cũng được xác nhận trong một Thông báo về quyền biểu quyết cổ đông được Tập đoàn Daimler công bố ngày 23/2. Theo đó, người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Geely đã mua lại 9,7% cổ phần hãng xe hơi nổi tiếng của Đức. Phía Daimler cho biết họ hoan nghênh mọi cổ đông mang lợi ích lâu dài cho họ.
Theo thông tin, ông Lý Thư Phúc đã chi 9 tỷ USD đầu tư vào Daimler. Cùng việc thay đổi cấu trúc quyền sở hữu của Tập đoàn Daimler, có nghĩa là tập đoàn xe hơi của Trung Quốc đã trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler. Trước đó, Quỹ Quốc gia của Kuwait là tổ chức nắm giữ cổ phần lớn nhất của Daimler với 6,8% cổ phần.
Ngày 24/2, chia sẻ trên truyền thông Trung Quốc, ông Lý Thư Phúc cho rằng ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang đối mặt với những thay đổi to lớn, tương lai của ngành công nghiệp ô tô truyền thống trên thế giới sẽ chỉ còn hai hoặc ba công ty có thể tồn tại, bên nào chiếm lĩnh được đỉnh cao kỹ thuật sẽ là bên chiến thắng.
Ông Lý Thư Phúc cho rằng Daimler đang đi đầu về các lĩnh vực như điện hóa, tự động hóa, xe không người lái… Nhìn từ quan điểm sức mạnh tổng hợp chiến lược, Daimler và Geely, Volvo đều có điểm tương đồng về chiến lược, đây là lý do quan trọng để Geely đầu tư vào các hãng xe này.
Đối với nguồn tài chính đầu tư vào Daimler, ông Lý cho biết là có được thông qua các thoả thuận với các chi nhánh của Geely ở nước ngoài. Ông nhấn mạnh rằng, lần đầu tư này Geely đã không sử dụng các nguồn vốn nội địa từ Trung Quốc. Toàn bộ giao dịch hoàn toàn công khai, thực hiện trong môi trường hoàn toàn minh bạch và là hoạt động đầu tư rất có giá trị.
Có phân tích chỉ ra rằng lời giải thích của ông Lý Thư Phúc là rất kịp thời và thông minh, bởi vì việc chuyển tiền từ trong nước ra nước ngoài là vấn đề khá nhạy cạm đối với chính quyền ĐCSTQ.
Từ tháng 7 – tháng 8/2017, một số tập đoàn nổi tiếng Trung Quốc như Vạn Đạt (Wanda), Hàng không Hải Nam (Hainan Airlines) đã thu hút sự chú ý của các nhà chức trách ĐCSTQ vì hoạt động đầu tư, sáp nhập và mua bán mạnh mẽ ở nước ngoài. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công kích và buộc Vạn Đạt phải có chính sách ủng hộ chính quyền của ĐCSTQ. Ngày 18/12/2017, Ban Cải cách phát triển quốc gia Trung Quốc đã ban hành “Nguyên tắc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đầu tư nước ngoài”; gần đây, Ủy ban này lại đưa ra “Danh mục lĩnh vực nhạy cảm đầu tư ra nước ngoài (bản năm 2018)”.
>> Trung Quốc đối đầu tầng lớp tỷ phú mới nổi (P2) – Kiếm tiền dưới thòng lọng của đảng
Vài tuần qua, thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư của Geely đặc biệt gây chú ý. Vì trước đó có thông tin chỉ ra ông Lý Thư Phúc có quan hệ rất tốt với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, vấn đề này cũng gợi ra nhiều liên tưởng khác thường. Năm 2002, khi ông Tập Cận Bình mới nhậm chức Bí thư tỉnh Chiết Giang đã đến thăm nhà sản xuất xe hơi Geely duy nhất tại tỉnh này vào thời điểm đó, đã nói thẳng: “Như công ty Geely này, nếu chúng ta không hỗ trợ mạnh mẽ cho công ty này thì chúng ta phải hỗ trợ ai đây?”
Năm 2007, ông Tập chuyển nhậm chức Bí thư tại Thượng Hải, khi đi thăm triển lãm ô tô quốc tế tại Thượng Hải cũng đến thăm riêng gian hàng của Geely; năm 2010, lễ ký kết đầu tư giữa Geely và Volvo của Thụy Điển được cử hành khi ông Tập Cận Bình (thời điểm giữ chức Phó Chủ tịch nước) thăm Thụy Điển. Tuy nhiên, bản thân ông Tập đã không xuất hiện trong buổi lễ ký kết. Vào thời điểm đó, Minh Báo (Mingpao) của Hồng Kông đã bình luận, ông Tập Cận Bình không xuất hiện để “tránh bị nghi ngờ”.
Sau kiện Geely mua lại Volvo đã thu được sự chú ý của giới kinh doanh ở châu Âu. Theo thông tin xuất hiện vào cuối năm 2017, Tập đoàn xe hơi Geely cũng đã tăng cổ phần tại nhà sản xuất xe tải Volvo để trở thành cổ đông lớn nhất. Nhà đầu tư châu Âu Cevian đã bán lại toàn bộ cổ phần của mình trong Tập đoàn Volvo cho Geely. Xe con Volvo và xe tải Volvo đã tách ra được gần 20 năm, trước khi Geely tham gia đầu tư vào, hai công ty này không liên quan gì đến nhau ngoài việc sử dụng chung thương hiệu Volvo.
Cho đến nay, hãng ô tô Thụy Điển kỳ cựu được hưởng lợi rất lớn từ việc mở rộng thị phần sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Geely cũng cho biết sau năm 2019, Volvo sẽ cho ra đời loại xe mới trang bị thuần túy động cơ điện hoặc động cơ động lực hỗn hợp để phù hợp với xu hướng chuyển hóa từ xe dùng nhiên liệu truyền thống sang xe dùng động cơ điện thân thiện môi trường.
Minh Nguyệt
Xem thêm:
Từ khóa Công ty Trung Quốc mua lại và sáp nhập xe hơi Đức Geely Daimler