Xu hướng giá BĐS tăng chưa dừng, thực trạng ‘sốt’ đất diễn ra nhiều nơi
- Đức Minh
- •
Khảo sát của Bộ Xây dựng trong quý 1/2022 cho biết giá giao dịch bất động sản (BĐS) bình quân trên toàn thị trường đều tăng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay tình trạng “sốt” đất diễn ra nhiều tỉnh thành, cá biệt có nơi vùng ven Hà Nội giá được rao bán lên tới gần 100 triệu đồng/m2.
Quý 1/2022, BĐS tiếp tục xu hướng tăng giá
Bộ Xây dựng đưa ra kết quả trên sau khi khảo sát, thu thập dữ liệu biến động giá bán một số loại BĐS trong tháng 3 và quý 1 tại 8 địa phương, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà và Bà Rịa–Vũng Tàu.
Cơ quan này cho biết một số loại hình BĐS tại các địa phương này trong tháng 3 tăng giá khá cao so với tháng trước. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%; nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng 2,48%; nhà riêng lẻ và đất nền đắt hơn lần lượt 2% và 3,6%.
Theo báo cáo của Tập đoàn BĐS CBRE, trang Batdongsan đều chỉ ra xu hướng giá nhà tăng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ví dụ tại Hà Nội, CBRE cho biết giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý 1 tăng 13% theo năm và 4% theo quý. Còn trên thị trường thứ cấp, giá bán nhà tăng 9% so với cùng kỳ 2021.
Cũng theo báo cáo trên, trong tháng 3/2022, tình trạng giá đất tăng nóng, “sốt” đất tiếp tục xảy ra trên bình diện lớn hơn rất nhiều, ví dụ như các vùng ngoại thành Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa,…
“Sốt” đất ở nơi có nhiều tin đồn, nhà đầu tư nên cẩn trọng
Chị Thu, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Nội cho biết 2 năm trước chị bỏ ra 3,7 tỷ đồng để mua một lô đất nền diện tích 62 m2 ở huyện Hoài Đức (ngoại thành Hà Nội). Mức giá này tương đương khoảng 61 triệu đồng/m2. Trong năm 2021 vừa qua, thời điểm đất nền khu vực Hoài Đức tăng “nóng”, chị Thu chia sẻ có người hỏi mua lô đất 80 triệu đồng/m2 nhưng chị không đồng ý bán, tờ Nhà báo và Công luận đưa tin.
Tới thời điểm hiện nay (tháng 4/2022), lượng giao dịch trở nên trầm lắng, chị Thu muốn bán ra 85 triệu đồng/m2 nhưng không có bất kỳ người nào hỏi mua lại. Trong khi đó, chị Thu nói: “Theo thông báo của chủ đầu tư, đất nền ở dự án này đang được rao bán với giá gần 100 triệu đồng/m2″.
Giá đất ở huyện Hoài Đức ước tính tăng khoảng 30-40% so với thời điểm 1-2 năm trước. Cụ thể, giá đất thổ cư ở nhiều khu vực Hoài Đức khoảng 17-20 triệu/m2. Riêng giá đất tại ngã tư Sơn Đồng, dao động từ 100–150 triệu đồng/m2. Đất tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) có giá từ 18-25 triệu đồng/m2 trong ngõ và đang ở mức 30 triệu đồng/m2 dành cho đất ở một số con phố lớn. Ngoài ra, các huyện ven đô Hà Nội như: Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh,… đều ghi nhận mức tăng rất mạnh trong thời gian qua, theo khảo sát của tờ Nhà báo và Công luận.
Để ngăn chặn tình trạng “sốt” đất do đầu cơ môi giới BĐS “thổi giá”, cuối tháng 3 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ra văn bản dừng giải quyết thủ tục về chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không có đất ở.
Tại TP.HCM, anh Hùng, một môi giới tự do tại huyện Củ Chi cho biết sau khi có thông tin huyện Củ Chi được đề xuất lên thành phố và tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) đi qua huyện này chuẩn bị được khởi công thì giá đất nơi đây đã tăng “dựng đứng”. Cụ thể, đất thổ cư có diện tích khoảng 200 m2 tăng lên 2,5-2,8 tỷ đồng/nền; đất vườn không chuyển thổ cư được, diện tích 500-700 m2 có giá 1,5-2,5 tỷ đồng tùy vị trí, báo Dân Trí đưa tin.
“Hiện nay, giá đất nền tăng cao nhất là khu vực xã Nhuận Đức và Bình Mỹ (huyện Củ Chi). Tại 2 xã này, giá đất đang được đẩy tăng từng ngày. Tất cả các lô đất nơi đây đều đã được điều chỉnh theo bảng giá mới, cao hơn từ 100-500 triệu đồng/nền tùy diện tích so với cách đây một tuần”, anh Hùng nói thêm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Út cho biết nhu cầu đất ở Củ Chi chưa thực sự có nhiều, kinh tế khó khăn, giá đất tăng cao là do một số môi giới tự đẩy lên bằng những thông tin chưa rõ ràng. Theo ông Út, giá đất thổ cư ở Củ Chi lúc này (vào tháng 3/2022) trung bình chỉ khoảng 15 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp từ 1-3 triệu đồng/m2.
Còn ở miền Trung, tại tỉnh Khánh Hòa, thị trường giao dịch BĐS diễn ra ồ ạt ở huyện Cam Lâm, Diên Khánh,… với thông tin các tập đoàn lớn về đầu tư khu đô thị sân bay Cam Lâm. Một môi giới đất tên Tuấn cho biết: “Chỉ cần đầu tư 105 m2 với giá hơn 1 tỷ đồng (10 triệu đồng/m2) nằm ngay khu dân cư, gần dự án Vingroup, tiềm năng sinh lời cao. Mới tháng trước chỉ khoảng 800 triệu đồng/lô, nay đã tăng thêm 200 triệu đồng rồi”, báo Người Lao Động đưa tin.
Theo UBND Khánh Hòa, hiện tình trạng sốt đất ở tỉnh này diễn ra ở một số nơi như: Cam Lâm, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh,… Liên quan tới khu đô thị sân bay Cam Lâm, ngày 14/4, UBND Khánh Hòa khẳng định chưa có quy hoạch và chưa lựa chọn đơn vị nào làm chủ đầu tư. Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Thiện cho hay cơ quan công an đang vào cuộc điều tra về những vi phạm đất đại tại các khu vực này.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Tập đoàn Savills Việt Nam cho hay khi tham gia thị trường BĐS thời điểm này, nhà đầu tư cần thận trọng, chỉ cân nhắc mua khi biết rõ có thể bán được, tức là phải xem xét đến tính thanh khoản của BĐS trước khi nghĩ đến lợi nhuận. Kế đến, người mua nên ưu tiên quản trị rủi ro như: rủi ro pháp lý, quy hoạch, dòng tiền, rủi ro khi sử dụng đòn bẩy tài chính… trang CafeLand đưa tin.
Theo ông Khương, khi giá BĐS tăng quá cao dễ ảnh hưởng tới thanh khoản bởi lúc này khả năng mua bị hạn chế. Đồng thời, khi nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS, nếu BĐS đó có thanh khoản thấp thì sẽ khó thu hồi vốn, khi đó áp lực trả nợ lãi sẽ lớn, gây rủi ro cho cả người vay và bên cho vay. “Chính vì vậy, việc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng vốn vay đầu tư BĐS là rất cần thiết, tránh lặp lại tình trạng ‘chết trên đống tài sản’ như đã từng xảy ra trong quá khứ”, ông Khương khuyến nghị.
Từ khóa bất động sản sốt đất giá bất động sản