Ý kiến luật sư: Mức lãi suất cho vay không được vượt quá mức cho vay nặng lãi theo quy định của BLHS
Áp dụng cách tính lãi theo quy định pháp luật hiện hành, khoản nợ thẻ tín dụng của khách hàng không thể lên tới 8,83 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Công ty Luật Eplegal
Trao đổi với báo chí về quan điểm pháp lý xung quanh vụ dư nợ thẻ tín dụng của khách hàng P.H.A (Quảng Ninh) tại Ngân hàng Eximbank qua 11 năm lên đến hơn 8,8 tỷ đồng từ số nợ gốc 8,5 triệu đồng, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Công ty Luật Eplegal cho biết:
Quy định pháp luật hiện hành quy định
- Về mức lãi suất áp dụng tối đa
Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (sửa đổi bởi thông tư 06/2023/TT-NHNN, mức lãi suất cho vay có thể được Ngân hàng và khách hàng thoả thuận dựa trên cung cầu vốn trên thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tin cậy của khách hàng. (trừ một số trường hợp việc vay vốn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất tối đa)
Theo đó, mức lãi suất đối với các trường hợp vay vốn khác sẽ phụ thuộc vào thoả thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, mức lãi suất không được vượt quá mức cho vay nặng lãi theo quy định của BLHS 2015.
- Về mức lãi áp dụng trong trường hợp bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận
Về nguyên tắc, phương pháp tính lãi suất được xác định như sau:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
+ Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi như trên, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do hai bên cùng thỏa thuận;
+ Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Theo đó, trong trường hợp nợ quá hạn, khách hàng có thể đối mặt với số lãi quá hạn phải trả tính theo công thức như sau:
Lãi quá hạn = Số tiền còn lại x Lãi suất hợp đồng x 150% x Thời gian quá hạn
Đánh giá đối với vụ việc phát sinh
Dựa trên căn cứ pháp luật đã nêu, nếu áp dụng công thức tính lãi quá hạn như trên thì khoản nợ lãi thẻ tín dụng sẽ không thể lên đến tới 8,83 tỉ đồng.
Trong trường hợp này, có thể Ngân hàng đã áp dụng phương pháp “tính lãi kép” đối với khoản nợ thẻ tín dụng 8,55 triệu đồng. Có nghĩa là cộng gộp lãi suất phát sinh trên số tiền gốc vào số tiền ban đầu, sau đó tiếp tục tính lãi với khoản tiền này. Chu kỳ tiếp theo sẽ được lặp đi lặp lại như vậy, thời gian càng lâu thì số tiền lãi càng cao.
Ngoài việc phải chịu lãi theo phương thức tính lãi kép, trong trường hợp khách hàng nợ thẻ tín dụng quá hạn, khách hàng có thể cũng phải chịu các khoản phí phát sinh khác (tùy thuộc vào quy định của mỗi ngân hàng) như phí tài chính, phí trễ hạn, phí sử dụng vượt hạn mức, phí thay đổi hạn mức,… (nếu có).
Về nguyên tắc, các công thức tính lãi, các khoản phí phát sinh sẽ được ngân hàng quy định rõ trong hợp đồng phát hành sử dụng thẻ. Theo đó, trường hợp ngân hàng áp dụng đúng công thức tính lãi, cũng như thu các khoản phí được quy định cụ thể trong hợp đồng đã ký với chủ thẻ, thì Ngân hàng có quyền yêu cầu chủ thẻ trả các khoản nợ thẻ nêu trên.
Vì vậy, việc khách hàng phát sinh nợ thẻ tín dụng lên đến 8,83 tỉ đồng trong khi nợ gốc chỉ là 8,55 triệu đồng là có xảy ra.
Theo quy định pháp luật hiện tại, theo Điều 13.4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì chỉ quy định khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả (i) lãi trên nợ gốc, (ii) lãi chậm trả, (iii) lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả. Tương tự, theo BLDS 2015 cũng không có quy định về việc tính lãi kép theo như phương thức nêu trên.
Vì vậy, có thể nhận thấy rằng luật Việt Nam không quy định cụ thể về phương thức tính lãi kép, cũng như không có quy định về việc ngân hàng không được áp dụng phương thức tính lãi kép. Do đó, trên thực tế thì một số ngân hàng vẫn áp dụng phương pháp tính lãi kép. Để tránh các vướng mắc, quan điểm phát sinh liên quan đến việc liệu có được áp dụng phương pháp tính lãi kép hay không, Luật sư kiến nghị cần phải có quy định pháp luật cụ thể hướng dẫn về nội dung này.
Nguyên Hương
Từ khóa thẻ tín dụng cách tính lãi vụ thẻ tín dụng 8 8 tỷ đồng