Liên tiếp trong 2 ngày 31/7 và 1/8, 11 trẻ từ 3-12 tuổi nhập viện Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) do ngộ độc sau khi ăn quả hồng châu. Một trẻ đã tử vong ngay trong tối 1/8.

11 tre ngo doc do an qua hong chau mot be 9 tuoi da tu vong
Một số bệnh nhi ngộ độc quả hồng châu được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), ngày 1/8/2023. (Ảnh: baohagiang.vn)

Chiều 31/7, các cháu: Sùng Thị M. (SN 2014); Sùng Thị S. (SN 2015) và Sùng Thị M. (SN 2016, đều trú tại thôn Chua Só, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn), trong lúc đi cắt cỏ bò đã rủ nhau hái quả hồng châu ăn. Đến 22h, các cháu xuất hiện triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nôn mửa, sau đó được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn khám và điều trị.

Tiếp đến ngày 1/8, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn tiếp nhận thêm 8 cháu, gồm: Lầu Thị M. (SN 2012), Lầu Thị Ch. (SN 2013), Lầu Mí N. (SN 2016), Giàng Thị M. (SN 2011), Giàng Mí S. (SN 2013), Giàng Thị Ch. (SN 2015), Giàng Thị L. (SN 2019) và Giàng Thị C. (SN 2020, đều trú tại thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn).

Cả 8 cháu đều nhập viện trong tình trạng hôn mê, nôn mửa, đau đầu, đau bụng.

Ngay sau khi tiếp nhận, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tiến hành cấp cứu, xử trí bằng phương pháp thải độc, gây nôn, truyền dịch, lợi tiểu. Bảy bệnh nhi được chỉ định chuyển lên tuyến trên.

BSCKII Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết 7 bệnh nhi ngộ độc nặng được tiếp nhận và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc.

Bác sĩ Dũng cho hay các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ngộ độc metanol nặng, gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, nếu để chậm cấp cứu sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng tri giác, bị lơ mơ lúc tỉnh, tình trạng hô hấp kém, đau đầu, đau bụng, tổn thương thị giác…

Mặc dù được điều trị tích cực, đến 20h ngày 1/8, bệnh nhi Sùng Thị M. (SN 2014, ngụ xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn) đã không qua khỏi. Ngoài ra, 3 bệnh nhi có dấu hiệu phục hồi chậm, sau khi hội chẩn tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.

Theo tin từ khoa Cấp cứu – Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, khi vào viện, tình trạng sức khỏe của 3 bệnh nhi không quá nặng. Đến ngày 2/8, các bé đã ổn định, dự kiến sẽ được ra viện vào ngày 3/8.

ngo doc qua hong chau
Bệnh nhân Ly Thị Ch. bị ngộ độc quả hồng châu được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn hồi tháng 8/2021. Em gái là Ly Thị M. (6 tuổi) đã tử vong trên đường đi cấp cứu. (Ảnh: hagiangtv.vn)

Với 4 bệnh nhi từ 4-11 tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, theo báo Việt Nam Net, tối 2/8, BSCKII Sấn Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện VietNamNet cho hay hiện sức khỏe của các bé ổn định, đã được làm lại xét nghiệm 2 lần, cho kết quả bình thường. Các bé tỉnh táo, tự ăn uống được. Bác sĩ Cương cho biết nếu mọi diễn biến thuận lợi, các bé sẽ được ra viện trong 3-4 ngày tới.

Được biết, 11 cháu nhỏ bị ngộ độc đều là người dân tộc thiểu số, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Trước hoàn cảnh của các gia đình, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ thuốc, quần áo, thức ăn và hỗ trợ các chuyến xe đưa 1 cháu tử vong về quê và đưa 3 cháu đi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Năm 2014, 17 trẻ nhỏ ở xóm Lũng Rạc (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) ngộ độc do hái quả hồng châu về ăn, trong đó 3 em tử vong.

Quả hồng châu chứa chất độc gây suy hô hấp, trụy tim mạch

Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang, cây hồng châu có tên khoa học (Capparis versicolor Griff), họ Màn màn (Capparaceae). Tại Thái Nguyên, cây hồng châu còn được gọi là cây rom, cây mề gà, cây khua mật, cây móc quạ; tại Cao Bằng, cây này được gọi là chi pản sloa…

Cây hồng châu là dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng, thường mọc ở khu vực núi đá. Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ khoảng 11-12 cm, màu xanh đậm.

qua hong chau
Quả hồng châu mọc từ cây dây leo có gai nhọn, cứng, khi chín màu tím sẫm. (Ảnh chụp màn hình/Hãy Thách Thức Tôi/Youtube)

Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bửa vào trong có lớp vỏ mầu hồng, mỗi quả có từ 4 – 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹp. Quả hồng châu chín vào thời gian tháng 6, 7, 8 hằng năm.

Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp, dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch. Đây là loại quả cực độc khi với thỏ, liều tối thiểu gây chết qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng.

qua hong chau 1
Theo Youtuber, quả hồng châu khi chín bửa ra có mùi thơm, vị ngọt, kích thích thèm ăn. (Ảnh chụp màn hình/Hãy Thách Thức Tôi/Youtube)

Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với ngộ độc hồng châu, chủ yếu là điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng.

Nếu có người ngộ độc quả hồng châu, tuyệt đối không để bệnh nhân đi bộ, cần vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện bằng xe cơ giới.

Cần gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt; cho uống than hoạt với liều 1-2 g/kg thể trọng kèm theo 4-6 gói sorbitol (nếu không có thể cho uống lòng trắng trứng), tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim, trợ hô hấp, chống co giật, chống phù phổi cấp), xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu.

Nguyễn Sơn