4 loại thảo mộc giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên
- Minh Minh
- •
Bổ sung các loại thảo mộc vào chế độ ăn sẽ giúp bữa cơm của gia đình thơm ngon, phong phú hơn và sức khỏe của các thành viên cũng được cải thiện rõ rệt.
Tóm tắt:
- Một số loại thảo dược có lợi cho hệ miễn dịch như hoa cúc tím (echinacea), tỏi, nhân sâm và nấm linh chi
- Nhân sâm hỗ trợ hệ miễn dịch bằng cách điều khiển các tế bào miễn dịch có khả năng chống lại các mầm bệnh.
- Tỏi có chứa allicin, một hợp chất chống vi khuẩn, cũng có lợi cho hệ miễn dịch
Ông Mark Frost, chủ nhiệm Khoa Y dược tại Trường Đại học Y dược Cổ truyền Trung Quốc tại Hoa Kỳ, cho biết có rất nhiều loại thảo dược có khả năng đối kháng với các mầm bệnh (như vi rút, vi khuẩn, giun sán) mà bạn có thể sử dụng.
Deborah Ann Ballard, bác sĩ nội khoa tại Duke Integrative Medicine, khuyên chúng ta nên cho thêm thảo dược vào chế độ ăn uống.
Dưới đây là 4 loại thảo mộc rất tốt cho hệ miễn dịch của bạn:
1. Tỏi
Tỏi là loại thảo dược có khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ, đặc biệt là đối với đường ruột. Trên thực tế, nó được cho là có khả năng kháng khuẩn, kháng vi-rút và kháng nguyên sinh (nghĩa là có thể chống lại ký sinh trùng). Bác sĩ Nội khoa Ballard cho biết những đặc tính này của tỏi có thể giúp chống lại hiện tượng nhiễm trùng ngực và nhiễm trùng đường hô hấp.
Allicin trong tỏi là hợp chất mang khả năng kháng khuẩn. Theo một đánh giá năm 2014 công bố trên Tạp chí Avicenna về Thảo dược học, tỏi có thể chống lại các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như salmonella và E. coli.
Tỏi rất tốt cho hệ tiêu hóa. Ăn tỏi sẽ giúp bạn điều trị ký sinh trùng hoặc giun trong ruột. Bài đánh giá của Tạp chí Avicenna cũng đề cập đến một nghiên cứu liên quan đến tỏi trong việc điều trị bệnh giardia (một bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng gây ra). Theo nghiên cứu, 24 giờ sau khi bệnh nhân được dùng tỏi qua dịch chiết lỏng 1mg/mL hai lần một ngày, hoặc viên nang tỏi 0,6 mg/mL thì các triệu chứng bệnh đã biến mất.
Vì có đặc tính kháng vi rút nên tỏi rất tốt cho người bị cảm lạnh. Một đánh giá năm 2014 đăng trên Thư viện Cochrane về một nghiên cứu đối với những người sử dụng tỏi với hàm lượng 180 mg allicin mỗi ngày và những người uống giả dược trong suốt 12 tuần. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhóm đối tượng dùng tỏi ít có nguy cơ bị cảm lạnh hơn. Nếu bị ốm thì họ cũng ốm ít ngày hơn so với những người dùng giả dược. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng kết quả này vẫn cần nghiên cứu thêm.
2. Nhân sâm
Theo một nghiên cứu, nhân sâm có khả năng tăng cường sức mạnh cho trục HPA (trục dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận, chịu trách nhiệm điều chỉnh phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với tình trạng căng thẳng). Căng thẳng mãn tính, căng thẳng nghiêm trọng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Vì vậy bạn cần chăm sóc cho trục HPA khỏe mạnh để kiểm soát các tác động của tình trạng căng thẳng đối với hệ thống miễn dịch.
Nhân sâm cũng giúp điều chỉnh các loại tế bào miễn dịch như tế bào T, tế bào B, tế bào tiêu diệt tự nhiên và đại thực bào để giữ cho hệ thống miễn dịch được cân bằng. Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy nhân sâm có khả năng chống lại bệnh cúm A ở chuột (nhưng vẫn cần thêm nghiên cứu trên người). Ông Frost cho biết bạn cần hỏi bác sĩ trước khi thêm nhân sâm vào chế độ điều trị. Bạn có thể sử dụng nhân sâm bằng cách pha trà với củ nhân sâm tươi hoặc uống dạng viên nang.
3. Hoa cúc tím (Echinacea)
Hoa cúc tím (Echinacea) là một chi thực vật trong họ hoa Cúc. Theo các bác sĩ cả đông lẫn tây y, hoa cúc tím có rất nhiều tác dụng. Trên thị trường, các chế phẩm từ loại thảo dược này cũng rất đa dạng, bao gồm: viên uống, viên con nhộng, chiết xuất chất lỏng, trà và hoa khô. Trong bài, các sản phẩm từ hoa cúc tím sẽ được gọi chung là echinacea.
Theo bệnh viện Mount Sinai, hoa cúc tím có đặc tính giảm đau, giảm viêm, kháng virus và chống oxy hóa nên rất lý tưởng để tăng cường hệ thống miễn dịch cho con người. Một đánh giá năm 2006 công bố trên Thư viện Cochrane đã xác định rằng sử dụng echinacea sau khi xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh (như sổ mũi và nghẹt mũi) có thể giúp bạn khỏi nhanh hơn và làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chưa có kết quả nhất quán trong tất cả các nghiên cứu được phân tích.
Một đánh giá năm 2020 được công bố trên tạp chí Advances in Integrative Medicine cho thấy nếu dùng echinacea khi mới xuất hiện triệu chứng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thì bệnh sẽ giảm nhẹ. Nguyên nhân là bởi echinacea có thể làm giảm mức độ cytokine gây viêm có liên quan đến chứng viêm và nhiễm trùng đường hô hấp.
Chủ nhiệm Khoa Y dược tại Trường Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Mark Frost cho biết nếu bạn cảm thấy như mình sắp ốm hoặc vừa tiếp xúc với người mang bệnh tiềm ẩn thì hãy sử dụng echinacea hai đến ba ngày liên tiếp. Bạn hãy làm theo hướng dẫn về liều lượng trên bao bì sản phẩm hoặc theo lời khuyên của bác sĩ. Bạn có thể nó vào trà hoặc dùng như cồn thuốc.
4. Nấm linh chi
Chất beta-glucan trong nấm linh chi có khả năng kích thích các loại tế bào trong hệ thống miễn dịch như bạch cầu đơn nhân, tế bào tiêu diệt tự nhiên và tế bào đuôi gai. Khi được kích thích, các tế bào này sẽ tăng khả năng phát hiện và chống lại nhiễm trùng tốt hơn.
Theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, có một số bằng chứng cho thấy beta-glucan trong linh chi có tác dụng chống khối u, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ về các lợi ích của nấm linh chi. Trên thị trường, bạn có thể mua và sử dụng nấm linh chi theo dạng bột hoặc viên nang.
Minh Minh (Theo Insider)
Xem thêm:
Từ khóa hệ miễn dịch Chăm sóc sức khỏe Nhân sâm thảo mộc