7 điều quan trọng giúp nuôi dưỡng và bảo vệ gan trong cuộc sống
- Minh Ngọc
- •
Gan là cơ quan nội tạng vô cùng quan trọng trong cơ thể con người, gan còn được gọi là “nhà máy giải độc” vì chức năng chính của gan là giải độc và thải độc. Nếu gan xuất hiện vấn đề sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng các bệnh về gan lại không dễ nhận biết được, bởi vì gan là một “cơ quan câm” và không có dây thần kinh đau, chỉ khi các tế bào gan bị bệnh quá lớn thì mới xuất hiện những cơn đau và thường khi phát hiện ra thì đã vào thời kỳ cuối nên không kịp chữa trị.
Có một trường hợp, một cô gái 28 tuổi ở lại thành phố để làm việc sau khi tốt nghiệp đại học, nhịp sống thành thị vội vã, cô thường xuyên phải thức khuya và không chú ý đến vấn đề ăn uống. Cô sống một mình nên ăn qua loa thiếu dinh dưỡng, đôi khi bữa tối nấu nhiều một chút để ngày hôm sau mang đến công ty hâm nóng lại ăn trưa, có khi thức ăn đã để quá lâu nhưng tính tiết kiệm nên cô cứ ăn tạm cho qua bữa, lâu dần khiến cô bị đau bụng, tiêu chảy, sau khi đến bệnh viện khám thì cô bàng hoàng biết là mình bị ung thư gan.
Bác sĩ cho biết việc thói quen thức khuya cộng thêm vấn đề ăn uống có thể là nguyên nhân khiến cô bị ung thư gan. Ngoài việc thức ăn để qua đêm bị mất chất dinh dưỡng, sinh ra các loại vi khuẩn và các chất gây ung thư như nitrit thì chất aflatoxin xuất hiện trong thức ăn để quá lâu còn đáng sợ hơn. Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nếu thấy thức ăn bị biến chất, mốc, có vết côn trùng cắn hoặc khi ăn có vị đắng thì nên bỏ đi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
4 triệu chứng của cơ thể cần lưu ý
1. Sốt
Sức đề kháng sẽ bị suy giảm khi chúng ta mắc bệnh hoặc sốt cao lâu ngày không khỏi, nếu như tế bào ung thư bị vỡ cũng sẽ gây sốt.
2. Đau bụng
Gan nằm ở vị trí phía trên bên phải ổ bụng, nếu có cảm giác đau ở vùng gan thì cũng nên cảnh giác, rất có thể đây là một trong những triệu chứng của ung thư gan, thường biểu hiện qua những cơn đau ngắt quãng hoặc đau liên tục, đau nhói, đôi khi không rõ rệt, lúc đau lúc không. Lúc này, cần lưu ý kịp thời kiểm tra xem liệu có phải là bệnh về gan hay không.
3. Tiêu hóa kém
Nếu gặp tình trạng tiêu hóa kém, thường xuyên ăn không được, buồn nôn thì cũng có thể là biểu hiện của ung thư gan, cần phải đi khám khi xuất hiện tình trạng chán ăn.
4. Sụt cân
Nếu cân nặng giảm nhanh trong một khoảng thời gian ngắn thì cũng đừng nên vội mừng, đây có thể là do hệ tiêu hóa gặp vấn đề bất thường gây ảnh hưởng đến việc hấp thu chất dinh dưỡng, khiến chức năng gan suy giảm, tác động đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nếu tình trạng nặng hơn, cân nặng sẽ giảm liên tục, lúc này cần đi khám để kịp thời chữa trị.
7 điều quan trọng giúp nuôi dưỡng và bảo vệ gan trong cuộc sống hàng ngày
1. Không thức khuya
Ngủ đủ giấc rất quan trọng để bảo vệ gan, khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng là lúc gan thải độc và trao đổi chất, lúc này cơ thể cần đi vào giấc ngủ sâu. Thời gian ngủ bị ảnh hưởng không tốt cho việc thải độc của gan, độc tố tích tụ trong gan sẽ khiến gan bị tổn thương và dẫn đến ung thư gan. Những người thường xuyên ngủ muộn nên chú ý đi ngủ trước 11 giờ đêm, mỗi đêm ngủ đủ 7 tiếng sẽ có lợi cho quá trình thải độc của gan.
2. Không hút thuốc, uống rượu
Chúng ta đều biết rằng nicotine trong thuốc lá là một chất độc, không chỉ gây hại cho mạch máu trong cơ thể bao gồm cả mạch máu gan, mà còn đi theo tuần hoàn máu đến gan, đẩy nhanh tốc độ phá hoại tế bào gan ở những người bị bệnh gan, khiến bệnh tình nặng thêm, thậm chí còn dẫn đến ung thư gan.
Các chất cồn gây tổn thương cho cơ thể, chất chuyển hóa “ethanol” có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ và bệnh gan do rượu. Nên tránh uống quá nhiều rượu và tốt nhất là không nên uống rượu.
3. Không ăn uống quá mức
Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người ta quá bận rộn nên thường không thể ăn uống đúng giờ hoặc sẽ ăn quá nhiều, lâu dần chẳng những gây tổn thương đường ruột, mà còn dễ làm tăng các gốc tự do trong cơ thể gây tổn hại chức năng gan, giảm hiệu quả đào thải độc tố và làm sạch máu.
4. Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn
Nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa rất nhiều chất tạo màu, chất bảo quản, chất tạo ngọt nhân tạo và các phụ gia khác… Những loại thực phẩm này thường chứa nhiều calo, thiếu chất dinh dưỡng, nhiều tinh bột, chất béo và đầy hóa chất, sau khi ăn vào sẽ dễ gây tổn thương gan, vì vậy nên cố gắng hạn chế ăn.
5. Ăn ít thực phẩm nhiều dầu mỡ
Ăn quá nhiều thực phẩm nhiều chất béo sẽ dễ làm tích tụ mỡ nội tạng, điều này vô cùng bất lợi cho chức năng gan, cũng như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
6. Nên ăn nhiều thực phẩm có màu xanh lá
Ăn nhiều thực phẩm có màu xanh lá, giàu hàm lượng vitamin và chất xơ sẽ rất tốt cho việc bảo vệ gan. Ví dụ như cải bó xôi, bông cải xanh đều rất tốt cho gan.
7. Không uống thuốc tùy tiện
Lạm dụng thuốc là việc rất nguy hiểm, uống đúng thuốc sẽ giúp chữa khỏi bệnh, còn tùy tiện uống thuốc thì sẽ “gây bệnh”. Tránh dùng các loại thuốc không kê đơn, thuốc bắc hay các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc. Khi bị bệnh nên thông báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc đang dùng để bác sĩ kê đơn và tránh dùng nhiều loại thuốc tương tác lẫn nhau để không ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa thuốc của gan.
Minh Ngọc (Theo Vision Times tiếng Trung)
Xem thêm:
Từ khóa bệnh gan Chăm sóc sức khỏe Bảo vệ gan