Sau bữa cơm có hoa chuông nấu canh, hai người đàn ông ở Lạng Sơn rơi vào hôn mê. Một người nôn nhiều hiện đã tỉnh, người còn lại bị chất độc ngấm sâu, bị tràn khí màng phổi, vẫn đang thở máy. 

an hoa chuong hai nguoi o lang son roi vao hon me
Bệnh nhân H.V.Đ (39 tuổi) vẫn trong tình trạng hôn mê, phải điều trị tích cực do ngộ độc hoa chuông. (Ảnh: Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Lạng Sơn/Facebook)

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn ngày 15/11 cho hay ngày 14/11, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của bệnh viện này đã tiếp nhận 2 bệnh nhân cấp cứu do ăn hoa chuông.

Theo thông tin từ người nhà, khoảng 19h ngày 14/11, anh H.V Đ (SN 1985, trú tại Tràng Các, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cùng gia đình ăn hoa chuông (nấu thành canh).

Sau đó, một người bạn cùng ăn xuất hiện nôn nhiều, yếu tứ chi, gọi hỏi không trả lời. Anh Đ. đưa bạn đi cấp cứu, trên đường đi hoa mắt, yếu cơ tứ chi sau tự ngã xe, bất tỉnh, được người nhà đưa đến bệnh viện.

Bệnh nhân Đ. nhập viện trong tình trạng hôn mê, da lạnh, tím tái toàn thân, vùng bẹn chảy máu, tràn khí dưới da vùng cổ, ngực, tay và thành bụng hai bên. Bệnh nhân được chẩn đoán Ngộ độc hoa chuông – Tràn khí màng phổi – Chấn thương vùng bẹn bìu. Hiện tại, bệnh nhân đang được thở máy, điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Người bạn cùng bị ngộ độc hoa chuông đã tỉnh, sức khoẻ tiến triển tốt và dự kiến được xuất viện.

Cách đây vài năm, BVĐK tỉnh đã tiếp nhận trường hợp ngộ độc do ăn hoa chuông (trường hợp 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình). Đến nay, tình trạng này lại xuất hiện bởi cây hoa chuông là loại cây dại, khá phổ biến ở Lạng Sơn.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, hoa chuông là loại cây dại, khá phổ biến ở Lạng Sơn và thi thoảng được người dân hái và nấu làm thức ăn. Dù bệnh viện này đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc do ăn hoa chuông, thực tế cho thấy thông tin về loại hoa gây độc này vẫn chưa được phổ biến.

hoa chuong kich doc
Hoa chuông có các màu trắng, vàng, hồng, cam, xanh lá cây hoặc viền đỏ. (Ảnh: Alfa97/Shutterstock)

Hồi tháng 8/2023, 8 người ở Xín Mần, Hà Giang đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn món hoa chuông xào trứng gà. Sau bữa cơm khoảng nửa tiếng, tất cả 8 người có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn…

Khi được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần cấp cứu, có 4 bệnh nhân có các triệu chứng nặng hơn như: mạch đập nhanh, thở gấp, đau ngực, ý thức lơ mơ, đồng tử giãn nhẹ… Sau nhiều giờ điều trị tích cực, cả 8 bệnh nhân tạm thời ổn định, tỉnh táo, bớt hiện tượng buồn nôn, nôn, đau đầu, thị giác được cải thiện.

Tháng 3/2022, có 10 người tại thôn Bản Sái, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai phải nhập viện điều trị do ăn nhầm cây hoa chuông. Bữa ăn bữa tối có 5 món gồm: canh tiết lợn nấu với ngọn cây rau đắng, ngọn cây rau đắng xào, thịt lợn sốt đậu phụ, cơm trắng và rượu gạo. Người nấu cơm cho hay do trời tối, cây hoa chuông lúc còn non nhìn giống với cây rau đắng nên đã hái nhầm để nấu, dẫn đến vụ ngộ độc.

Loài hoa chứa độc tính gây ức chế hệ thần kinh

Theo Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, hoa chuông thuộc họ Cà (Solanaceae), có tên khoa học là Brugmansia sp., một số tên thường gọi như Cà độc dược cảnh, Đại cà dược (brugmansia), Mộc/ Mộc tê (muguet), Hoa quế, Kèn thiên sứ (angel’s trumpet), Hoa chuông, Hơi thở của quỷ (devil’s breath),…

Cây mọc thành bụi lớn hoặc cây nhỏ, thân bá n thân gỗ, thường có nhiều nhánh, có thể đạt tới độ cao 3-11 m. Lá có mép nguyên hoặc có răng cưa thô và thường được bao phủ bởi lớp lông mịn, mọc xen kẽ dọc theo thân cây, thường lớn, dài 10-30 cm và ngang 4-18 cm.

Đặc điểm dễ nhận biết là hoa lớn, hình loa kèn, rũ xuống, dài 14-50 cm, phần lớn nhất rộng 10-35 cm. Hoa có các màu trắng, vàng, hồng, cam, xanh lá cây hoặc đỏ. Hầu hết đều có mùi thơm đặc trưng, dễ chịu, dễ nhận thấy nhất vào buổi tối. Hoa có thể đơn, kép hoặc nhiều hơn.

Cây hoa chuông dễ bị nhầm với cây mật gấu (khi còn non), hoa dễ bị nhầm với hoa bí ngô.

hoa chuong
Đặc điểm nhận dạng của cây hoa chuông, phân biệt với cây mật gấu, bí ngô. (Nguồn: nifc.gov.vn)

Độc tính của cây hoa chuông là do một số loại alkaloid trong lá, hoa và hạt. Các alkaloid này được hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hóa, qua các niêm mạc, ở mắt và một ít qua da.

Các triệu chứng xuất hiện khoảng 5 – 30 phút sau ăn/uống. Các triệu chứng như khô miệng, mắt, da và niêm mạc; giảm tiết chất nhầy ở dạ dày, ruột, phổi và mũi; giãn đồng tử, làm mờ thị lực và nhạy cảm với ánh sáng; giảm co thắt cơ trơn ở đường tiêu hóa, đường hô hấp, đường tiết niệu và tử cung; tăng nhịp tim và huyết áp; giảm hoạt động thần kinh ở não, gây ra buồn ngủ, lẫn lộn, lo âu, ảo giác, mất trí nhớ và ý thức.

Trong trường hợp ngộ độc nặng, nạn nhân có thể bị rối loạn tri giác, có ảo giác, kích thích, vật vã, hôn mê, môi và tứ chi tím tái, suy hô hấp…, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo đó, khi phát hiện trường hợp ngộ độc có liên quan đến hoa chuông, cần lập tức xử lý gây nôn, sau đó nhanh chóng báo cho các cơ quan y tế để xử lý.

Minh Sơn