Bạn muốn được nhớ đến như thế nào?
- Tiến sĩ Sina McCullough
- •
Một ngày nào đó, những người trong cuộc đời của bạn sẽ kể lại những câu chuyện về bạn. Bạn hy vọng họ sẽ nói điều gì?
Hãy cùng Tiến sĩ dinh dưỡng Sina McCullough trên hành trình khám phá sự thật về thực phẩm và sức khỏe. Là một nhà khoa học được đào tạo bài bản, đồng thời mang bản chất của một nhà báo, Sina chia sẻ những sự thật và góc nhìn sâu sắc về cách sống khỏe mạnh, hạnh phúc và tự do.
Tôi đang ngắm nhìn các con chơi đùa ngoài sân, tiếng cười của chúng vang lên rộn rã trong không gian thì một ý nghĩ chợt đến: Một ngày nào đó, chúng sẽ kể lại những câu chuyện về tôi cho con cháu của chúng.
Bạn bè và gia đình tôi – thậm chí có thể là cả những người tôi tình cờ gặp gỡ theo những cách đơn giản nhưng có ý nghĩa – cũng có thể chia sẻ những câu chuyện về tôi.
Họ sẽ nói gì?
Đây không phải là câu hỏi mà chúng ta thường dừng lại để suy ngẫm giữa guồng quay của cuộc sống. Thế nhưng, chính câu chuyện mà người khác kể về ta mới là điều khắc ghi con người ta trong trái tim họ.
Tôi hy vọng mình sẽ được nhớ đến như một người dám sống chân thật, có niềm tin thuần khiết như một đứa trẻ và đủ mạnh mẽ để lựa chọn sự tự do của lòng vị tha.
Tuy không không hoàn hảo nhưng chân thật
Sống chân thật không phải lúc nào cũng dễ dàng – đặc biệt khi chúng ta cảm thấy mình chưa đủ tốt.
Mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh hào nhoáng về thành công, hạnh phúc và sắc đẹp, khiến chúng ta dễ dàng so sánh và nghi ngờ giá trị của chính mình. Áp lực phải thể hiện bản thân sẽ len lỏi vào sự nghiệp, cách nuôi dạy con cái, cuộc sống gia đình, thậm chí cả những sở thích cá nhân. Điều đó thật mệt mỏi.
Sự cầu toàn đẩy chúng ta vào ánh đèn soi xét khắc nghiệt của chính mình. Khi chúng ta liên tục nghi ngờ bản thân, thật khó để sống chân thật. Nhiều người trong chúng ta, bao gồm cả tôi, đã dành nhiều năm để chạy theo vạch đích vô hình của sự ‘đủ tốt’. Giá như tôi thông minh hơn, thon thả hơn hay thành đạt hơn thì chắc chắn tôi sẽ cảm thấy xứng đáng hơn.
Luôn có một vạch đích khác chờ ta ở phía trước.
Chỉ khi ta chấp nhận con người thật của mình ở hiện tại, không phải là phiên bản lý tưởng của người mà mình hy vọng sẽ trở thành trong tương lai thì sự chân thật mới có cơ hội tỏa sáng. Thế giới có thể quên đi những màn trình diễn hoàn hảo, nhưng nó sẽ mãi ghi nhớ một trái tim chân thành.
Sống chân thật không phải là một đích đến mà là một sự lựa chọn. Đó là lúc bạn nhận ra rằng: bạn đã đủ tốt và không cần phải chứng minh giá trị của bản thân.
Khi nhận ra mình đang so sánh bản thân với người khác, hãy tự hỏi: “Mình có đang đánh giá giá trị bản thân qua những khoảnh khắc đẹp nhất của người khác không?”.
Khi tìm được điều khiến trái tim mình rạo rực – những giây phút bạn quên mất thời gian, hoàn toàn sống trong hiện tại – chính lúc ấy, bạn là phiên bản chân thật nhất của mình.
Đó cũng là khi bạn dám để người khác thấy con người chưa hoàn hảo của mình. Phiên bản lộn xộn, mộc mạc và chân thành ấy mới là điều khiến người khác cảm động, được truyền cảm hứng, và nhớ mãi không quên.
Có lẽ đã đến lúc tự hỏi: “Có nơi nào ‘đủ tốt’ trong cuộc sống mà tôi vẫn đang theo đuổi không?”.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn buông bỏ vạch đích đó?
Niềm tin thuần khiết như trẻ nhỏ
Lần cuối cùng bạn thử làm một điều gì đó mới mẻ chỉ vì nó khiến bạn hào hứng là khi nào?
Trẻ con lao vào những điều mới mẻ với sự tò mò và thích thú. Chúng không tự hỏi, “Mình có đủ khả năng không? Nếu thất bại thì sao?”. Chúng cứ thế lao vào, tin rằng chúng sẽ tìm ra cách. Thế nhưng, khi lớn lên, phần lớn chúng ta lại đánh đổi sự tò mò để lấy sự cẩn trọng và lòng can đảm để đổi lấy sự an toàn.
Niềm tin không phải là sự đảm bảo chắc chắn. Đó là sự tin tưởng – tự tìm hiểu những điều chưa biết – với lòng dũng cảm rằng: với bất kể điều gì xảy ra, mình vẫn sẽ đứng vững. Tôi đã học được bài học này khi xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình. Tôi nhận được lời mời đến diễn thuyết tại một nhà thờ ở Virginia cùng với ông Joel Salatin, một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp tái sinh.
Cảm giác ‘thật áp lực’ có lẽ vẫn chưa đủ để diễn tả hết tâm trạng của tôi lúc đó.
Sau bài nói chuyện của mình, tôi ngồi xuống cạnh ông Joel, cảm thấy như mình đã làm hỏng nó. Nhưng rồi ông đã quay sang tôi và nói, “Tôi thật sự rất ấn tượng với cô”.
Khoảnh khắc đó, tôi có thể chọn cách an toàn – chỉ mỉm cười, gật đầu lịch sự và dừng lại ở đó. Nhưng, thay vào đó, tôi đã quyết định dấn bước. “Ông có muốn viết một cuốn sách cùng với tôi không?” Tôi hỏi. Ông Joel mỉm cười và trả lời ngay lập tức, “Chắc chắn rồi”.
Hành động dũng cảm như trẻ thơ đó đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Cuốn sách chúng tôi viết chung đã mở ra những cánh cửa mà tôi chưa từng tưởng tượng – một podcast mà chúng tôi hiện đang đồng tổ chức và những buổi diễn thuyết trên khắp cả nước.
Tôi hy vọng di sản của tôi sẽ truyền cảm hứng cho những người khác.
Có điều gì đó khiến bạn hào hứng nhưng bạn vẫn do dự vì sợ hãi không? Nếu có thì có lẽ đã đến lúc bạn nên tiến một bước nhỏ – chỉ để xem nó dẫn bạn đến đâu.
Lòng vị tha
Có một vài thứ có thể làm lu mờ di sản của bạn, điển hình như sự oán giận chưa được hóa giải.
Nhiều người trong chúng ta phải vật lộn với sự tha thứ. Chúng ta tự hỏi: “Tha thứ có nghĩa là chấp nhận nỗi đau sao? Nếu mình vẫn còn tức giận, điều đó có nghĩa là mình chưa thực sự tha thứ?“
Tha thứ không phải vì người khác – mà là để giải thoát chính mình.
Giữ lại sự tức giận hoặc oán giận giống như uống thuốc độc và mong đợi người khác phải đau khổ. Sự tha thứ chính là thuốc giải – một món quà bạn tự tặng cho bản thân – giúp giải tỏa nỗi đau và tạo không gian cho niềm vui, lòng biết ơn và tình yêu. Nó không xóa bỏ quá khứ mà biến đổi mối quan hệ của bạn với quá khứ.
Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng: “Sự oán hận giống như việc mang theo một chiếc ba lô đầy gạch. Bạn có thể giữ nó nếu bạn muốn. Bạn thậm chí có thể quen với sức nặng của nó. Nhưng ngay khi bạn đặt nó xuống, bạn nhận ra nó nặng đến mức nào”.
Khả năng tha thứ là cốt lõi của di sản mà tôi hy vọng sẽ để lại. Đó là một lựa chọn hàng ngày – một quyết định giúp tôi giải thoát bản thân khỏi gánh nặng của quá khứ, tạo không gian cho sự chân thực và lòng can đảm để bước vào những hành trình mới.
Ngày tôi nhận ra sự tha thứ là khi tôi nghe một diễn giả truyền cảm hứng Louise Hay nói, “Tôi tha thứ cho bạn vì bạn không phải là người mà tôi muốn bạn trở thành”. Vào khoảnh khắc đó, tôi nhận ra rằng, sự oán giận của tôi không chỉ là về những gì đã xảy ra, mà là về một kỳ vọng sai lầm. Tôi đã mong đợi một ai đó sẽ cư xử theo một cách nhất định, hành động theo một cách nhất định, hoặc yêu thương hoặc ủng hộ tôi theo cách tôi cần. Khi họ không làm vậy, tôi trở nên cáu giận.
Mọi người chỉ có thể cho đi những gì họ có. Mong đợi ai đó trở thành một người không phải giống như ta mong đợi họ chẳng khác nào kỳ vọng họ có thể mang cả đại dương trong khi họ chỉ đủ sức cầm một ngụm nước nhỏ. Điều đó là không thể.
Nhận ra điều đó không làm nỗi đau biến mất ngay lập tức. Nhưng nó giúp tôi đặt gánh nặng xuống – không phải vì họ đã thay đổi – mà vì tôi đã thay đổi góc nhìn của mình.
Trong cuộc đời của bạn, có ai mà bạn đang mong đợi họ gánh cả đại dương trong khi họ chỉ có thể nâng được một giọt nước nhỏ?
Di sản của bạn sẽ là gì?
Di sản không phải được xây dựng trong một ngày. Di sản được viết lên từ những khoảnh khắc nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày và phản ánh con người thực sự của bạn.
Câu hỏi không phải là liệu bạn có để lại di sản hay không – bạn chắc chắn sẽ để lại. Câu hỏi thực sự là: “Bạn đang tạo ra kiểu di sản như thế nào ngày hôm nay?”
Theo Sina McCullough, The Epoch Times
Từ khóa sống chân thật lòng vị tha cuộc sống hạnh phúc
